.
70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ (19-7-1946 – 19-7-2016)

Góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật

.

Ngày 19-7-1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL, một văn bản riêng quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của tòa án. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của ngành Thi hành án dân sự.

Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng  Trần Phước Thu phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thi hành án năm 2015 và triển khai công tác năm 2016.
Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng Trần Phước Thu phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thi hành án năm 2015 và triển khai công tác năm 2016.

Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với nhiệm vụ xóa bỏ bộ máy Nhà nước của chế độ cũ, nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng là bắt tay xây dựng bộ máy Nhà nước cách mạng để bảo vệ và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân. Hệ thống các cơ quan tư pháp là một bộ phận cấu thành quan trọng của bộ máy Nhà nước, là công cụ đắc lực bảo vệ chế độ mới đã nhanh chóng được thiết lập.

Ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra tuyên cáo công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Tư pháp, đánh dấu sự ra đời của ngành Tư pháp nước ta. Tiếp đó, tại Sắc lệnh số 33/SL ngày 13-9-1945 đã thành lập các tòa án quân sự, bước đầu thiết lập hệ thống cơ quan xét xử của chế độ mới.

70 năm về trước, ngày 19-7-1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL, một văn bản riêng quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của tòa án. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của ngành Thi hành án dân sự. Để ghi nhận bề dày truyền thống, sự lớn mạnh, trưởng thành của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, ngày 5-3-2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 397/QĐ-TTg công nhận ngày 19-7 hằng năm là Ngày truyền thống Thi hành án dân sự. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với các cơ quan thi hành án dân sự và mỗi công chức, người lao động trong các cơ quan thi hành án dân sự, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác thi hành án dân sự. Đó chính là nguồn động viên vô giá đối với mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan thi hành án dân sự.  

Trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm qua, ngành Thi hành án dân sự của cả nước nói chung và của thành phố Đà Nẵng nói riêng không ngừng được hoàn thiện, lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt; cán bộ, công chức làm công tác Thi hành án dân sự không ngại khó, không ngại khổ, khắc phục điều kiện, hoàn cảnh, luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Đối với các cơ quan thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng, vào tháng 7-1993, thời điểm bàn giao công tác thi hành án từ Tòa án nhân dân sang cơ quan Chính phủ quản lý, tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, hệ thống cơ quan thi hành án trong tỉnh có tổng số chấp hành viên và cán bộ từ các cơ quan tòa án chuyển sang các cơ quan thi hành án là 25 người; tổng số án từ tòa án bàn giao đến tháng 12-1993 là 4.845 việc. Đến năm 1996, được Bộ Tư pháp phân bổ biên chế toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 91 người, có 36 chấp hành viên; trong đó có 7 chấp hành viên cấp tỉnh, 29 chấp hành viên cấp huyện.

Tháng 1-1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành 2 đơn vị hành chính: thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Phòng Thi hành án thành phố được thành lập với 32 biên chế. Số lượng việc thi hành án bàn giao sang các cơ quan Thi hành án thành phố Đà Nẵng quản lý để tiếp tục tổ chức thi hành là 6.934 việc với số tiền phải thu hơn 211 tỷ đồng.

Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp và sự phối hợp tốt giữa các cơ quan hữu quan cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức thi hành án dân sự qua các thời kỳ nên Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng trong 23 năm qua cả về thể chế, mô hình tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự thay đổi, phát triển không ngừng, ngày càng lớn mạnh về nhiều mặt và hoàn thiện như Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004; thay đổi tên gọi từ Phòng, Đội Thi hành án thành Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố, quận, huyện. Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009; hệ thống cơ quan thi hành án dân sự được thay đổi về mô hình tổ chức; Bộ Tư pháp ra quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng có 4 Phòng chuyên môn và 7 Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện trực thuộc. Đội ngũ cán bộ được tăng cường. Đến nay, toàn ngành Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng có 163 công chức, người lao động, cơ cấu căn bản đủ các chức danh lãnh đạo, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện nay và lâu dài của ngành.

Sự trưởng thành của Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng không chỉ về tổ chức, số lượng và chất lượng công chức mà còn thể hiện qua kết quả thi hành án. Từ ngày 1-7-1993 đến 30-6-2016, các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố đã thụ lý thi hành 112.408 vụ, việc với số tiền phải thu hơn 8.600 tỷ đồng. Đã thi hành xong 106.663 vụ, việc đạt 95% tương ứng với số tiền giải quyết xong là hơn 7.010 tỷ đồng, đạt 80,6% trên tổng số việc, tiền phải thi hành án.

Với những kết quả thành tích đạt được từ năm 1998-2015, các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng được Bộ Tư pháp, UBND thành phố Đà Nẵng tặng 79 Bằng khen cho tập thể và cá nhân, 14 Cờ thi đua xuất sắc, 4 Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp, 7 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 2 Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, trải qua quá trình xây dựng và phát triển, ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng vẫn đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế XHCN; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

TRẦN PHƯỚC THU

Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.