Chính trị - Xã hội

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Ngành Tòa án là biểu tượng của công lý, lẽ phải, niềm tin

08:22, 28/07/2016 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, sáng 27-7, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại hội trường, thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu và tiến hành bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, bằng hình thức bỏ phiếu kín. Theo đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cùng được Quốc hội thống nhất bầu tiếp tục đảm nhiệm các cương vị công tác trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: TTXVN
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: TTXVN

Kết quả bỏ phiếu bầu Phó Chủ tịch nước, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận được 478 phiếu đồng ý (tương đương 96,76% tổng số ĐBQH), sẽ tiếp tục giữ cương vị này trong nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận 473 phiếu đồng ý (tương đương 95,75% tổng số ĐBQH).

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí nhận 448 phiếu đồng ý (tương đương 90,69% tổng số ĐBQH).

Sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết công nhận kết quả bầu ông Nguyễn Hòa Bình làm Chánh án TAND tối cao, theo quy định của Hiến pháp, Chánh án TAND tối cao là 1 trong 4 chức danh phải tuyên thệ nhậm chức.

Xây dựng TAND trong sạch, liêm chính

Tuyên thệ nhậm chức, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi - Chánh án TAND tối cao nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Phát biểu trước Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức Chánh án TAND tối cao; đồng thời khẳng định sẽ khắc ghi và thực hiện lời tuyên thệ của mình trước Quốc hội, nguyện đem hết sức lực và trí tuệ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. “Đảm nhiệm trọng trách mà Quốc hội giao phó, là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo TAND tối cao phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng, đề cao kỷ luật, xây dựng TAND trong sạch và liêm chính; thực hiện tốt nhiệm vụ Hiến pháp quy định, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chăm lo xây dựng đội ngũ thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh để nhân danh Nhà nước đưa ra những phán quyết thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng”, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Chánh án TAND tối cao đề nghị Quốc hội, các ĐBQH ủng hộ và tăng cường giám sát hoạt động của tòa án các cấp, cùng xây dựng TAND trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân.

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 27 thành viên

Theo tờ trình của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sáng 27-7, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV giữ nguyên cơ cấu, số lượng như Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, có 27 thành viên gồm: Thủ tướng Chính phủ, 5 Phó Thủ tướng Chính phủ; trong đó có 1 Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và 21 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Ủy ban Pháp luật tán thành đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu số lượng của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 27 thành viên. Cơ cấu này được kế thừa từ các nhiệm kỳ Chính phủ trước đây, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ vừa được Quốc hội thông qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị nên có một Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách nông nghiệp. Về lâu dài, nên có thành viên Chính phủ đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi Phó Thủ tướng không kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nữa. Đề nghị Chính phủ báo cáo chi tiết hơn với Quốc hội về dự kiến phân công nhiệm vụ cụ thể của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực và cơ quan, bảo đảm sự cân đối hợp lý và làm rõ cơ chế phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành để Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, quyết định.

Chiều 27-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội xem xét phê chuẩn các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, đề nghị phê chuẩn chức vụ Phó Thủ tướng với các ông: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị; Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng.

Các Bộ trưởng/Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: Đại tướng Ngô Xuân Lịch giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng; Thượng tướng Tô Lâm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an; ông Trần Tuấn Anh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Chu Ngọc Anh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ; ông Đỗ Văn Chiến giữ chức vụ Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Nguyễn Xuân Cường giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Đào Ngọc Dung giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; ông Mai Tiến Dũng giữ chức vụ Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Chí Dũng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư; ông Đinh Tiến Dũng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Phạm Hồng Hà giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Trần Hồng Hà giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường; ông Lê Minh Hưng giữ chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Lê Thành Long giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Trương Quang Nghĩa giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Phùng Xuân Nhạ giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; ông Phan Văn Sáu giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ; ông Lê Vĩnh Tân giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ; bà Nguyễn Thị Kim Tiến giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Ngọc Thiện giữ chức vụ Bộ trưởng VH-TT&DL; ông Trương Minh Tuấn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông.

Sáng nay (28-7), Quốc hội bỏ phiếu kín quyết định việc phê chuẩn danh sách các thành viên Chính phủ.

TTXVN

.