Chính trị - Xã hội

Chuyện cuối tuần

Cái gì là vàng?

08:33, 02/07/2016 (GMT+7)

Người xưa có câu “Rừng vàng, biển bạc” để nhấn mạnh giá trị to lớn của những tài nguyên thiên nhiên này. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhiều lần nhắc nhở mọi người cần chung tay, góp sức bảo vệ rừng và phát triển rừng, gìn giữ của cải quý giá cho thế hệ mai sau. Tháng 10-1963, ở cuộc nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Bắc (cũ), Người nhắn nhủ: “Tục ngữ ta có câu “rừng vàng, biển bạc”. Gây rừng và bảo vệ rừng là rất cần thiết. Hiện nay, tỉnh ta còn cái tệ phá rừng, thế thì khác nào đem vàng đổ xuống biển?”.

Dự phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Hòa Vang xét xử vụ án phá rừng Cà Nhông vào giữa tuần này, nhớ lại câu dặn dò của Bác, mới thấy đắng lòng. Bởi, ở phiên tòa này, bên cạnh “rừng vàng”, có một thứ cũng được sánh ngang với vàng: “Im lặng là vàng!”.

 Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng với khối lượng gỗ quý bị khai thác trái phép lớn nhất tại Đà Nẵng, thu hút sự quan tâm của dư luận. Không chỉ theo dõi sự nghiêm minh của pháp luật trong xử lý vụ việc, người dân còn chờ đợi một lời giải thích từ những cán bộ được giao trọng trách bảo vệ “rừng vàng”. Bởi, lý do được 7 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông, công chức kiểm lâm đưa ra là họ chỉ im lặng, chưa từng đồng ý khi nghe cấp trên thông báo, bàn bạc về việc có đối tượng đặt vấn đề “chung chi” để được khai thác rừng trái phép. Họ lặp đi lặp lại rằng: “Tất cả mọi người không ai có ý kiến”. Đổi lại 30 triệu đồng hối lộ (theo cáo trạng bản án - PV), các cán bộ, kiểm lâm viên đã im lặng để đối tượng lâm tặc ngang nhiên tàn phá rừng Cà Nhông trong một thời gian dài, với thiệt hại ước tính gần 850 triệu đồng (theo định giá gỗ bị khai thác trái phép của bản cáo trạng - PV).

Trước sự chối bỏ trách nhiệm của các cán bộ bảo vệ rừng, vị thẩm phán đau đáu: “Là người được Nhà nước giao cho trách nhiệm bảo vệ rừng, lẽ ra các bị cáo phải đau lòng trước vấn nạn chảy máu rừng. Là đảng viên, khi nhìn thấy sai phạm, tiêu cực, lẽ ra các bị cáo phải lên tiếng phản đối. Đằng này, các bị cáo lại hết lần này đến lần khác biện hộ là mình không đồng ý, chỉ im lặng khi nghe thông báo, bàn bạc về vấn đề sai trái. Tinh thần đấu tranh với cái sai, cái xấu của các bị cáo ở đâu? Các bị cáo im lặng là đồng ý rồi, im lặng là thỏa hiệp với cái sai rồi. …”.

Khác với “rừng vàng” là tài sản chung vô giá nhưng hữu hạn, thì “vàng” ở đây là tài sản thuộc “túi riêng” của từng cá nhân có được từ hành vi vi phạm pháp luật. Đứng trước lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, những cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng không đắn đo lựa chọn giữ chặt “túi riêng”. Hơn thế, sự im lặng của họ còn đánh mất khoảng trống rừng xanh chẳng biết bao giờ mới có thể khôi phục lại, đánh mất niềm tin của người dân đối với cơ quan Nhà nước về quản lý rừng.

Không phải người bảo vệ rừng nào cũng bán đứng chữ “tâm” của mình. Vẫn còn đó những người hằng ngày lặng lẽ đấu tranh với tiêu cực, cám dỗ, cả sự đe dọa, uy hiếp… của lâm tặc, để thực hiện đúng như lời Bác dạy, rằng “rừng là vàng”. Chính vì vậy, cần tôn vinh, biểu dương người có công trong bảo vệ, phát triển rừng; song hành với nghiêm trị các cá nhân có hành vi tiêu cực, móc nối với các đối tượng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Để không còn tình trạng mỗi khi phát hiện một vụ phá rừng, lại thêm một lần nghe lời giải thích “do địa bàn rộng, địa hình, thời tiết khó khăn nên không thể kiểm soát”; hoặc phải thêm một lần thắc mắc “trách nhiệm thuộc về ai?”; nhất là đừng để tiếc nuối “cầm vàng mà để vàng rơi”…

KHA MIÊN

.