Chính trị - Xã hội

CHÍNH PHỦ HỌP PHIÊN THƯỜNG KỲ 6 THÁNG

Làm rõ nguyên nhân tăng trưởng chậm

08:06, 01/07/2016 (GMT+7)

* Formosa nhận lỗi vụ ô nhiễm, bồi thường 11.500 tỷ đồng

Chiều 30-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Chính phủ trực tuyến thường kỳ tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh; phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và triển khai một số nội dung quan trọng khác.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. 							Ảnh: Việt Dũng
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: Việt Dũng

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nền kinh tế nước ta đã đi được nửa chặng đường của năm 2016, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều nghị định trên tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng văn bản, giải phóng sức sản xuất của người dân và doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình hình nhiễm mặn, hạn hán… là một trong những nguyên nhân làm hạn chế tăng trưởng. Trong đó, tình hình nhiễm mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ làm mất đi 1,3 triệu tấn thóc và tăng trưởng âm trong nông nghiệp. Trước tình hình đó, Chính phủ kịp thời đề ra một số chủ trương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung thảo luận về vấn đề chấp hành kỷ cương, phép nước; các biện pháp, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội… “Chúng ta cần trao đổi thẳng thắn, đề cập rõ nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp mạnh mẽ, cụ thể, từ đó tăng cường đoàn kết, phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra cho năm 2016”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,52%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,32%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, xuất khẩu tiếp tục tăng (5,9%), xuất siêu 1,54 tỷ USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,7%, bằng 32,9% GDP. Hơn 54.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về vốn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 thấp hơn cùng kỳ do nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, ngành nông nghiệp giảm 0,78% (tăng trưởng âm) do gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm, như: rét hại và băng giá tại các tỉnh phía bắc; hạn hán và xâm nhập mặn trên diện rộng tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung làm giảm giá trị sản xuất nông nghiệp. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 6,82%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,2%. Trong khi đó, tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt tương đương của cùng kỳ năm trước.

Điều hành phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương báo cáo về việc chấp hành kỷ cương phép nước, thực hiện nghiêm quy định về cải cách hành chính như việc xử lý vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực của thành phố Hà Nội, hay việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng ở các tỉnh Tây Nguyên. Thủ tướng chỉ đạo, riêng vi phạm ở tòa nhà 8B Lê Trực cần phải kiên trì, kiên quyết, cần lấy công trình này làm điểm để chấn chỉnh lại trật tự đô thị của Hà Nội cũng như những công trình xây dựng vi phạm trên cả nước. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải đi đầu trong việc đóng cửa rừng tự nhiên, có chế tài và kiểm tra tốt, thực hiện nghiêm chỉ đạo để bảo vệ, nâng độ che phủ của rừng lên. “Cần nêu quyết tâm cao hơn. Nhân dân cả nước rất quan tâm đến việc đóng cửa rừng này vì Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương, mất rừng Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng lớn đến các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận, ngoài thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên-Huế phát biểu nêu kết quả tình hình thực hiện các mặt công tác, các giải pháp trong 6 tháng cuối năm và kiến nghị, đề xuất gửi đến Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương.

Phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra đến hết ngày 1-7.

Chiều 30-6, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng sự tham dự của các Bộ trưởng: Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà…, Chính phủ họp báo chuyên đề công bố nguyên nhân cá chết dọc 4 tỉnh duyên hải Bắc miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế) và công bố việc ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ 1-7-2016).

Theo đó, về sự cố môi trường biển ở các tỉnh Bắc miền Trung, Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm về việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, là nguyên nhân chính gây ra vụ cá chết dọc biển miền Trung trong tháng 4 vừa qua; đồng thời cam kết 5 điểm: Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì gây ra sự cố; thực hiện bồi thường, hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp và bồi thường khắc phục hậu quả 11.500 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD); khắc phục triệt để các tồn tại xử lý chất thải, bảo đảm xử lý triệt để; cam kết phối hợp với các đơn vị liên quan không để xảy ra các sự cố tương tự; cam kết thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, cam kết không để sự cố tái diễn, nếu vi phạm sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Formosa Hà Tĩnh thực hiện đầy đủ các cam kết trên và công khai thông tin chất lượng môi trường. Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai xử lý phục vụ môi trường bị ô nhiễm, tăng cường giữ gìn an ninh trật tự xã hội và không để kẻ xấu, các tổ chức phản động lợi dụng; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân liên quan tới sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua.

Chính phủ hoan nghênh thái độ và dư luận Đài Loan đã tỏ rõ quan điểm và hoan nghênh Chính phủ Việt Nam xử lý nghiêm sai phạm của Formosa. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đặc biệt là pháp luật về môi trường.

B.T (tổng hợp)

VIỆT DŨNG

.