Chính trị - Xã hội
Formosa xả thải độc - bất bình lớn của cử tri cả nước
Cử tri và nhân dân cả nước rất bất bình và bức xúc trước việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh che giấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh miền Trung; đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Ảnh: TTXVN |
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sáng 20-7, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đọc báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân cả nước rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các công trình, bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá trái luật pháp quốc tế thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tàu thuyền của Trung Quốc hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân Việt Nam.
Những việc này làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
“Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp đấu tranh đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia, vừa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; mở rộng và tăng cường các hoạt động tuyên truyền đối ngoại để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ sự chính nghĩa, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nhân dân ta; sớm đưa nước ta trở thành nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực", ông Nhân nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cử tri rất bất bình và bức xúc trước việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh che giấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh miền Trung.
“Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh, kết luận và công bố công khai nguyên nhân hải sản chết hàng loạt và chỉ rõ Công ty Formosa đã vi phạm pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường, vì vậy đã gây ra sự cố môi trường biển chưa từng có ở Việt Nam. Đồng thời đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương; giám sát Công ty Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường”, ông Nhân phản ánh.
Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; đồng thời, tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Tiếp tục đối thoại, đề ra các giải pháp hòa bình, tham gia xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, đồng thời tiếp tục có giải pháp giải quyết khó khăn và hỗ trợ sản xuất và đời sống của ngư dân.
Ngoài ra, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng, thực hiện chương trình vận động và tổ chức để các tầng lớp Nhân dân cả nước tham gia tích cực bảo vệ môi trường và giám sát toàn diện công tác quản lý, thực hiện pháp luật về môi trường của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Bổ nhiệm người thân làm giảm niềm tin của nhân dân
Theo phản ánh của cử tri, bộ máy hành chính Nhà nước ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn chưa tinh gọn. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có lĩnh vực còn chồng chéo hoặc chưa bao quát hết các hoạt động trong thực tiễn. Cơ chế xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước các cấp và người đứng đầu cấp ủy Đảng cùng cấp còn chưa rõ là một nguyên nhân của sự trì trệ trong quản lý Nhà nước và tiêu cực, tham nhũng.
Một số cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật, vi phạm quyền sản xuất, kinh doanh hợp pháp, gây bất bình trong nhân dân. “Tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín đã làm giảm niềm tin của nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn chậm, một số vụ việc tồn đọng kéo dài”, ông Nhân nói.
Cử tri và nhân dân mong muốn các hạn chế này sẽ được Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp và các cơ quan nhà nước quan tâm, ngay từ những phiên họp đầu nhiệm kỳ phải đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động của mình để giải quyết một cách triệt để. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác quản lý, giám sát việc bố trí cán bộ, công chức, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương; tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo tồn đọng.
Về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, báo cáo của MTTQ Việt Nam nêu rõ, cử tri và nhân dân đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với sự hưởng ứng, tham gia có trách nhiệm của nhân dân cả nước đã tổ chức thành công cuộc bầu cử. Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.
Tuy vậy, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết cử tri và nhân dân còn phản ánh về việc một số nơi công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử chưa thật sự sâu rộng, nhất là việc cung cấp thông tin để cử tri có thể nghiên cứu đầy đủ về tiểu sử, chương trình hành động của những người ứng cử.
Một số nơi hội nghị cử tri còn thiếu sự đối thoại giữa cử tri với người ứng cử; việc tổ chức các hội nghị cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử không đồng đều về số lượng các cuộc tiếp xúc, trong khi số ý kiến phát biểu trong một số cuộc tiếp xúc còn ít. Nhiều cử tri còn gặp khó khăn khi cùng một lúc phải lựa chọn trong danh sách hàng chục người ứng cử để bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Theo Dân Trí