Chính trị - Xã hội
Nhớ vụ án "ngôi nhà sàn giữa hồ"
Không hiểu vì lý do gì mà sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, vợ con Nguyễn Văn Phúc dắt díu nhau vào Sài Gòn sinh sống nhưng riêng ông ta thì nhất quyết ở tại Đà Nẵng. Vốn là lính quân cụ truyền tin của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, được cách mạng độ lượng khoan hồng, Phúc về sống khép kín trong một ngôi nhà sàn bằng gỗ chông chênh giữa hồ nước thủy cục tại khối Thuận Lập A, phường Thuận Phước, Đà Nẵng (nay là khu vực chợ Đống Đa). Những người sống xung quanh không ai hay biết Phúc làm nghề gì để sống.
Họ chỉ thấy ông ta bước ra khỏi nhà chủ yếu vào ban ngày, còn về đêm ông ta thường ru rú trong ngôi nhà nhấp nhô trên mặt nước nhan nhản bèo tây. Với dáng dấp bề ngoài trông vẻ trí thức, giao tiếp điềm đạm, lịch thiệp và trong nhà lỉnh kỉnh máy móc, đồ điện tử cũ kỹ nên có người tưởng ông ta làm nghề thu âm băng nhạc kiếm sống.
Vào những năm 1978-1980, tôi và anh Nguyễn Văn Tích, cảnh sát khu vực khối phố thỉnh thoảng ghé lại nhà ông thăm chơi, đồng thời qua đó làm chức năng quản lý địa bàn bằng biện pháp công khai và cũng được ông ta cho biết sửa chữa máy cát-sét hư hỏng tại nhà, chủ yếu cho khách quen. Phúc sống một mình, ngôi nhà sàn gỗ lại rộng, đồ đạc sắp xếp trật tự, ngăn nắp nên không phát hiện những dấu hiệu gì bất thường trong ngôi nhà đứng trơ trọi giữa hồ nước này...
Một số vật chứng đồi trụy, phản động thu giữ tại nhà Nguyễn Văn Phúc. Ảnh: THÁI MỸ |
Sau giải phóng, các tàn dư và lối sống lai căng của chế độ cũ đang còn rơi rớt lại ở Đà Nẵng khá nhiều, ảnh hưởng đến đời sống xã hội nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN) ban hành Nghị quyết về “Bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy, phản động” và lực lượng công an làm nòng cốt, phát động phong trào quần chúng đấu tranh tố giác.
Từ các nguồn tin, tài liệu trinh sát, ông Hoàng Quốc Dân, Phó Trưởng Ty Công an QN-ĐN chỉ đạo lực lượng an ninh (AN) xác lập chuyên án đấu tranh. 20 giờ ngày 15-6-1981, các cánh trinh sát AN phục sẵn ập vào ngôi nhà số 144-Hoàng Diệu bắt quả tang một nhóm người đang tụ tập tại đây xem phim, thu giữ một máy chiếu phim 8 ly, 9 cuộn phim đồi trụy. Qua khai thác, các đối tượng thú nhận số vật chứng này đều do Nguyễn Văn Phúc bán cho bọn chúng.
Việc bắt Phúc cũng được tính toán rất kỹ trước khi bước vào giai đoạn phá án, bởi ngôi nhà của Phúc đứng một mình trơ trọi giữa hồ nước, nếu phát hiện bị lộ, Phúc sẽ lợi dụng đêm tối ném hết vật chứng xuống hồ sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Vì vậy, ngay từ lúc chập choạng tối, ông Hoàng Quốc Dân đã chỉ đạo một tổ trinh sát AN bí mật giám sát chặt chẽ ngôi nhà, theo dõi sát sao di biến động của Phúc rồi mới tiến hành bắt sòng phim “heo” trên đường Hoàng Diệu. Ngay trong đêm đó, ông Hoàng Quốc Dân tung lực lượng AN thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp nhà Nguyễn Văn Phúc.
Ngoài sự có mặt của cảnh sát khu vực chốt chặn tại đầu cầu gỗ đi vào nhà, Đồn Công an Thuận Phước còn cử anh Thái Bá Tiên tham gia vụ án. Hay tin Nguyễn Văn Phúc bị bắt, nhiều người dân xung quanh kéo đến xì xầm, bàn tán đủ điều chật cả đường Thủy Cục (nay là đường Lương Ngọc Quyến), bởi họ không thể ngờ Nguyễn Văn Phúc lại phạm tội. Việc khám xét diễn ra từ 21 giờ ngày 15 đến 4 giờ ngày 16-6, bởi đồ đạc, giấy tờ, tranh ảnh... Phúc chứa trong ngôi nhà quá nhiều, phải kiểm tra thật kỹ lưỡng từng vật chứng để lập biên bản.
Qua sàng lọc tại chỗ, có tổng cộng 17 máy chiếu phim loại 8 ly, 2 máy chiếu 16 ly, 78 cuộn phim đồi trụy, 20 đầu sách tử vi, 60 cuộn phim có nội dung phản động, 62 đĩa nhạc trái phép cùng hàng tạ tranh, ảnh sex, sách tâm lý chiến của địch để lại… Chiếc xe U-oát của lực lượng AN phải vận chuyển tới 2 chuyến về trụ sở Ty Công an mới hết tang vật tạm giữ.
Ngay sau đó, phương án tiếp theo cũng được nhanh chóng triển khai để bắt hàng chục đối tượng tiếp tay tuyên truyền văn hóa phẩm độc hại cho Phúc. Những bản cung đầu tiên được Nguyễn Văn Phúc khai nhận rất đầy đủ về hành vi phạm tội rằng toàn bộ số vật chứng mà y chứa chấp đều xuất xứ từ trước năm 1975 dưới chế độ chính quyền Sài Gòn.
Từ năm 1975 cho đến ngày bị bắt, Phúc và đồng bọn đã lén lút truyền bá hàng trăm lượt các nội dung trụy lạc, phản động tại nhiều nơi trên địa bàn Đà Nẵng. Trước các tài liệu, chứng cứ hành vi phạm tội, Ty Công an QN-ĐN khởi tố Nguyễn Văn Phúc và đồng bọn với hai tội danh “Phá hoại chính sách văn hóa” và “Tuyên truyền văn hóa phẩm phản động, đồi trụy”. Ngày 22-3-1982, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh QN-ĐN tuyên phạt Nguyễn Văn Phúc mức án tù chung thân...
Cũng ngay trong đêm bắt, khám xét, ông Hoàng Quốc Dân đến trực tiếp ngôi nhà sàn của Nguyễn Văn Phúc để chỉ đạo. Qua kiểm tra từng cuộn phim sặc mùi độc hại, ông hỏi Nguyễn Văn Phúc: “Miền Nam đã kết thúc chiến tranh 6 năm rồi, tại sao anh không giao nộp mấy thứ này cho chính quyền? Rõ ràng anh đang cố tình phá hoại sự nghiệp xây dựng đất nước bằng những viên đạn bọc đường này phải không?”.
Ngước nhìn vị lãnh đạo Ty Công an QN-ĐN tóc bạc phơ mà chất giọng sang sảng, đầy khẳng khái, Nguyễn Văn Phúc đáp: “Thưa ông! Tôi biết tội của tôi lớn lắm rồi. Tôi xin chịu tội, mong ông đừng cho những người thân thuộc của tôi biết chuyện này”. Có lẽ Phúc cũng hổ thẹn với vợ con về việc làm nhơ nhớp của mình.
THÁI MỸ