Chính trị - Xã hội

Sớm mai đi chợ cá

08:07, 12/07/2016 (GMT+7)

Chợ cá ven đường Hoàng Sa, ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà chỉ khoảng mươi, mười lăm người bán, nhưng họp mặt quanh năm. Hải sản ở đây luôn tươi ngon vì được đánh bắt trong ngày. Chợ chỉ họp vài giờ vào sáng sớm, nhưng nhiều gia đình từ đời này sang đời khác sống nhờ vào chợ cá này.

Chợ chỉ mươi, mười lăm người bán nhưng được duy trì từ đời này sang đời khác và họp quanh năm. 				     Ảnh: MẪU ĐƠN
Chợ chỉ mươi, mười lăm người bán nhưng được duy trì từ đời này sang đời khác và họp quanh năm. Ảnh: MẪU ĐƠN

Khi mặt trời chưa ló dạng, những chiếc thuyền, chiếc thúng của bà con ngư dân Sơn Trà cập chợ cá này. Không như khi bày bán ở các chợ lớn, hải sản thường nhiều và đã qua tuyển lựa, phân loại; ở chợ cá Thọ Quang, phần lớn những mớ hải sản lẫn lộn các loại, con to, con nhỏ vì vừa đưa ở ghe lên là được trút ngay ra bán. Chỉ vào mớ ghẹ tươi vừa mua, chị Lê Hoàng Thanh (ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu) vui vẻ nói: “Sáng nào tôi cũng đi tắm biển nên là khách ruột của chợ cá này. Tuy giá cả không rẻ hơn nhiều so với chợ chính thống nhưng mình có thể chọn được hải sản còn tươi nguyên, chưa bị ướp đá”.

Từ dưới bến, những thúng cá được chuyển dần lên, các chị em bắt đầu phân loại rồi đưa ngay ra chợ. Một số khác bỏ mối chở về bán tại các chợ trong thành phố như: chợ Mới, chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa... Vừa trở về sau chuyến biển đầu tiên trong ngày, anh Đỗ Văn Nhật (38 tuổi, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) vội khoe: “Hải sản ở đây được đánh bắt ngay trong ngày, số lượng không lớn nhưng luôn giữ được độ tươi nên cứ hàng về là bán hết sạch. Người buôn bán lớn có ngày thu nhập hàng triệu đồng, người bán ít cũng kiếm vài ba trăm ngàn đồng”.

Chẳng ai nhớ rõ chợ cá Thọ Quang ra đời từ lúc nào, chỉ biết nó xôm tụ quanh năm. Hơn 60 năm nay, cuộc sống của bà Nguyễn Thị Yết (75 tuổi, ở tổ 24A, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) gắn chặt với đôi quang gánh cùng những con tôm, con cá. Tuổi già, sức yếu nên mấy năm nay, bà Yết chỉ bán buôn lẹt xẹt, kiếm ít tiền đi chợ để không phải làm phiền con cháu. Hơn nữa, vốn quen lao động từ nhỏ, quen với mùi tanh nồng của cá, mùi mặn mòi của biển nên giờ ngồi không bà Yết cảm thấy càng mệt hơn. Sáng sớm, bà cùng đứa cháu gái ra chợ, sau khi trả giá, mua lại một mớ lẫn lộn các loại cá, hai bà cháu chọn một chỗ xa xa, tỉ mỉ ngồi phân loại rồi mời chào khách mua ngay tại đây. Cứ như vậy, ngày nào bà cũng kiếm được vài ba trăm ngàn đồng, không những tự lo được cho mình, mà thỉnh thoảng còn mua cho mấy đứa nhỏ vài ba bộ quần áo, ít sách vở tới trường.

Mấy tháng trước, vì ảnh hưởng của thông tin cá chết dọc biển miền Trung khiến hoạt động đánh bắt, mua bán hải sản ở chợ giảm. Những hôm ấy, cá, tôm chẳng có là bao, bà Yết chỉ ở nhà, đôi quang gánh dựng bên hiên, đi ra đi vào mà lòng buồn rười rượi. Nhờ chính quyền thành phố quan tâm, giải quyết kịp thời, người dân lấy lại lòng tin, bắt đầu ăn cá trở lại; chợ cá sớm mai ở Thọ Quang vì vậy lại tấp nập kẻ bán, người mua. Trên gương mặt đầy nếp nhăn, làn da xạm đen vì sương gió cuộc đời của bà Yết lại có nụ cười, bà hãnh diện bảo: “Chỉ có con người phụ biển chứ biển chẳng phụ người bao giờ. Những người dân sống nhờ biển như tui thì còn biển là còn họp chợ thôi”.

MẪU ĐƠN

.