Chính trị - Xã hội

Phát biểu của Thủ tướng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu 15

09:16, 15/07/2016 (GMT+7)

Chiều nay (14/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại lễ bế mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 15 (AEBF 15) tại Cung Nhà nước, thành phố Ulan Bator. Cổng TTĐT Chính phủ xin giới thiệu bài phát biểu của Thủ tướng.
Thưa Quý vị,

Trước tiên, tôi xin chân thành cảm ơn nước chủ nhà Mông Cổ, đặc biệt là ngài Thủ tướng Mông Cổ Chimediin Saikhanbileg về sự đón tiếp nồng hậu dành cho tôi và các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam, cũng như sự chuẩn bị chu đáo cho Diễn đàn hôm nay.

Tôi rất hân hạnh được phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu, một thành tốquan trọng trong trụ cột kinh tế của ASEM, đóng vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai khu vực Á-Âu. Đặc biệt, trong bối cảnh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM bị gián đoạn từ năm 2005, Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu chính là kênh trao đổi duy nhất giữa các nhà lãnh đạo Á-Âu với cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề hợp tác kinh tế giữa hai châu lục trong những năm gần đây.

Thưa Quý vị,

Hai mươi năm trước đây, ASEM lần đầu tiên được tổ chức với phương châm “Hợp tác để tạo sự tăng trưởng hơn nữa ở cả châu Á và châu Âu”. Hướng về các doanh nghiệp, ASEM đã triển khai mạnh mẽ “Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại” và “Kế hoạch hành động xúc tiến đầu tư” nhằm thúc đẩy quan hệ giữa các doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh. Đến nay, không chỉ quan hệ hợp tác Á-Âu, mà các doanh nghiệp của hai châu lục cũng đã đạt nhiều thành quả hợp tác, chứng tỏ tầm quan trọng của mình trong mọi lĩnh vực và có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Ngày nay, thế giới nói chung và hai châu lục của chúng ta nói riêng phải đối mặt với những thách thức to lớn trong nhiều lĩnh vực về chính trị, an ninh, kinh tế, lương thực, biến đổi khí hậu và nhiều thách thức phi truyền thống khác. Đồng thời, chúng ta cũng có nhiều cơ hội mới như sự tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4- cách mạng của sự sáng tạo mạnh mẽ đang diễn ra rộng khắp, việc hình thành các khối thương mại tự do khu vực quy mô lớn với những tiêu chuẩn cao trong các khu vực đang tạo thuận lợi và mang lại hiệu quả cho dòng lưu chuyển thương mại và đầu tư quốc tế…

Tranh thủ thời cơ thuận lợi và quyết tâm vượt qua thách thức khó khăn, trước hết là nhiệm vụ quan trọng của các nhà lãnh đạo Á-Âu để thúc đẩy tiến trình hợp tác, hội nhập Á-Âu diễn ra một cách thực tế hơn, hiệu quả hơn và nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân hai châu lục vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung.

Thưa Quý vị,

Trong tiến trình hợp tác liên châu lục Á-Âu, các doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng và là động lực phát triển của các nền kinh tế. Tôi mong muốn các nhà lãnh đạo chúng ta chú ý tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), họ vừa là nơi tạo nhiều việc làm cho người dân; sáng tạo, linh hoạt trong đầu tư, kinh doanh; nhưng các doanh nghiệp SME cũng dễ bị tổn thương bởi các biến động chính trị-kinh tế-xã hội. Chính vì thế, các doanh nghiệp SME cần nhận được sự hỗ trợ trong tiến trình hội nhập của các nền kinh tế thành viên Á-Âu và mở ra cơ hội để các SME tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Vấn đề tiếp theo là chúng ta cần đi đầu trong các cơ chế hợp tác thương mại và đầu tư bền vững như: “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”; “Diễn đàn ASEM về phát triển xanh và SMEs”… để có giải pháp cho hàng loạt thách thức như: Nghèo đói do thương mại không công bằng và khoảng cách phát triển, biến đổi khí hậu và thiên tai, xâm nhập mặn… Đây chính là thách thức và là động lực đòi hỏi chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn, bảo đảm sự phát triển bền vững cho mỗi quốc gia thành viên.

Cuối cùng, chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác và các thỏa thuận thương mại tự do giữa các quốc gia trong khu vực và liên khu vực Á-Âu (như Cộng đồng ASEAN 2015, Hiệp định hợp tác toàn diện khu vực RCEP, hợp tác EU-ASEAN, Ấn Độ-ASEAN…). Đây là những minh chứng cho mức độ hợp tác ngày càng sâu rộng mà các quốc gia thành viên hai châu lục đang hướng tới.

Thưa Quý vị,

Việt Nam là một thị trường trên 90 triệu dân với mức thu nhập ngày càng tăng, bình quân trên 2.100 USD/người năm 2015 (nếu tính theo sức mua tương đương PPP là 5.600 USD/người). ASEM là đối tác rất quan trọng trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. Hiện nay tại Việt Nam có 21.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động, với số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 290 tỷ USD, đến từ trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 85% số dự án và 90% số vốn là đến từ các quốc gia, đối tác thuộc ASEM.

Việt Nam có 19/25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện thuộc khối ASEM, chiếm 70% đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế và 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việt Nam đã ký và đang đàm phán 16 các hiệp định tự do thương mại FTA, trong đó có 14 FTA là quan hệ với các đối tác ASEM.

Tháng 6/2015, Việt Nam đã ký Hiệp định FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu, có sự tham gia của Nga và 4 nước thành viên. Là một thành viên tích cực, chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy Hiệp định Đối tác và Hợp tác với EU và thúc đẩy hướng tới đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU.

Việt Nam mở rộng cửa chào đón sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp Á-Âu và cam kết tiếp tục đóng góp xây dựngquan hệ hợp tác toàn diện trong ASEM vì sự phát triển bền vững.

Chúc Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu thành công.

Cảm ơn Quý vị!

Theo Chinhphu.vn

.