Chính trị - Xã hội

Phát triển nông nghiệp đô thị

08:12, 07/07/2016 (GMT+7)

Đất nông nghiệp tại Liên Chiểu ngày càng thu hẹp, nhiều hộ không còn đất canh tác. Do đó, bà con nông dân được chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chức năng hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật để sản xuất và làm các ngành nghề mới phù hợp đặc điểm nông nghiệp đô thị.

Một hộ trồng hoa phong lan ở Liên Chiểu.  				Ảnh: Lê Văn Thơm
Một hộ trồng hoa phong lan ở Liên Chiểu. Ảnh: Lê Văn Thơm

Hội Nông dân quận và các phường thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật theo phương châm cầm tay chỉ việc, vừa dạy lý thuyết, vừa hướng dẫn thực hành; đồng thời, hội viên có nhu cầu vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất được giải quyết nhanh chóng. Những trường hợp khó khăn còn được hỗ trợ vốn, giống, vật liệu, phương tiện sản xuất.     

Từ đó, trên địa bàn quận có những mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao và tạo việc làm cho nhiều lao động. Nổi bật nhất là lĩnh vực trồng hoa-cây cảnh và rau sạch trên các vùng đất chưa quy hoạch, hoặc đã quy hoạch nhưng chưa xây dựng công trình. Toàn quận hiện có hơn 40 hộ trồng hoa, cây cảnh và hàng trăm hộ sản xuất các loại rau ngắn ngày.

Bà con nông dân ở Liên Chiểu còn tận dụng các thửa đất chưa xây dựng công trình để sản xuất rau, vừa có nguồn thu cho gia đình, vừa làm sạch đẹp cảnh quan môi trường. Đặc biệt, khu trồng rau tập trung tại cánh đồng Rộc (phường Hòa Hiệp Nam) rộng 2,3 héc-ta, thu hút hơn 40 hộ canh tác. Khu vực này vốn um tùm cỏ dại, được chính quyền huy động đoàn viên thanh niên và các đơn vị bộ đội kết nghĩa cùng phát quang, tạo mặt bằng cho nông dân trồng rau. Trên khu đất trống 500m2, ông Mai Tấn Danh trồng các loại rau muống, rau lang, hành lá, xà lách, cải cau…, mỗi ngày bán được từ 300.000 - 400.000 đồng là một minh chứng cho hiệu quả của việc tận dụng này.

Các mô hình sản xuất nấm cũng phát triển mạnh, giúp nhiều nông dân có việc làm và thu nhập ổn định. Trong đó, tổ hợp tác làm nấm bào ngư, do bà Hồ Thị Tuyết Hạnh (phường Hòa Khánh Nam) phụ trách, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố hỗ trợ một lò hấp tự động với công suất 2,5m3, mỗi lần hấp được 1.000 bịch nguyên liệu. Nhờ vận dụng tốt tiến bộ kỹ thuật, sản phẩm nấm nơi đây bảo đảm chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng, làm ra bao nhiêu đều tiêu thụ hết. Bà Hạnh cho biết, mỗi ngày tổ bán được khoảng 30kg nấm, giá 45.000 đồng/kg. Riêng dịp rằm, mồng một hằng tháng, giá tăng gấp rưỡi.

Bên cạnh các hình thức sản xuất trên, nông dân Liên Chiểu còn làm nhiều mô hình khác như: nuôi cá cảnh, sản xuất đồ mộc dân dụng, làm chổi đót, trồng vườn cây cao sản, nuôi động vật hoang dã thông thường, thiết thực góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn phát triển. “Thời gian tới, Hội Nông dân quận phối hợp với các ngành chức năng, đẩy mạnh hoạt động định hướng sản xuất-kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, tăng cường hỗ trợ nông dân trưng bày và bán sản phẩm”, Chủ tịch Hội Nông dân quận Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

LÊ VĂN THƠM

.