Chính trị - Xã hội

Sau khi xác định nguyên nhân sự cố môi trường khiến hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung:

Khẩn trương, tích cực hỗ trợ người dân ổn định đời sống, vươn khơi bám biển

10:15, 02/07/2016 (GMT+7)

Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, chính quyền các địa phương; bộ, ngành chức năng đã và đang có những biện pháp, hành động khẩn trương, tích cực để định hướng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tiếp tục vươn khơi bám biển, ổn định cuộc sống, làm giàu cho quê hương. Nước biển xa bờ, gần bờ, bãi tắm cũng thường xuyên được hệ thống quan trắc môi trường đánh giá, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người dân.

Ngư dân Quảng Bình.
Ngư dân Quảng Bình

Các địa phương nỗ lực

Tại Hà Tĩnh, Tỉnh ủy đã thành lập các tổ giúp việc Ban chỉ đạo phục hồi phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại để chỉ đạo các huyện đánh giá chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng sớm nhất có thể, đề xuất giải pháp tổng thể để khắc phục sự cố và ổn định sản xuất, đời sống người dân.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã có quyết định về việc ban hành chính sách hỗ trợ các điểm kinh doanh hải sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm do thị trường bị ảnh hưởng bởi hiện tượng hải sản chết bất thường. Ông Trần Nhật Tân, Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: Việc cấp phép, hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức thực hiện kinh doanh hải sản nhằm mục tiêu khôi phục thị trường bán lẻ hải sản, khẳng định sản phẩm hải sản an toàn với người tiêu dùng, góp phần bao tiêu, thu mua sản phẩm hải sản tồn dư của các ngư dân. Đến nay, Hà Tĩnh có 27 điểm đăng ký kinh doanh hải sản đạt tiêu chuẩn.

Tại Quảng Trị, để giúp ngư dân yên tâm bám biển, UBND tỉnh Quảng Trị khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thu mua hải sản từ các vùng biển an toàn để chế biến. Ngoài việc chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn trước khi đưa vào sản xuất, các doanh nghiệp cũng phải tự kiểm tra nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn tuyệt đối vệ sinh thực phẩm.

Ông Hồ Thanh Ngọc, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tuấn (Quảng Trị) khẳng định: “Nếu sản phẩm chế biến của chúng tôi không an toàn thì không bán được hàng và doanh nghiệp sẽ phá sản nên chúng tôi phải chú trọng tới yếu tố này”. Cùng với việc giúp tiêu thụ hải sản, trong khi ngư dân đang gặp khó khăn, UBND tỉnh Quảng Trị cũng vừa ban hành quyết định về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng của hiện tượng hải sản chết bất thường tại các xã, thị trấn ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Để bảo đảm thực hiện các chính sách hỗ trợ, ngoài số tiền 8,5 tỷ đồng đã huy động được, UBND tỉnh Quảng Trị trích ngân sách tạm ứng 8 tỷ đồng để trao cho các huyện hỗ trợ kịp thời cho bà con vùng biển.

Tại Thừa Thiên Huế, ngư dân rất phấn khởi vì được mùa cá đục. Nhiều ngư dân cho biết, cá đục xuất hiện trở lại với số lượng lớn, kéo dài hơn một tháng không chỉ mang lại thu nhập khá cho nhiều ngư dân bãi ngang mà còn cho ngư dân hy vọng về một mùa biển “đang lành”. Nhiều ngư dân sau vụ cá đục, tiếp tục ra khơi với nhiều loại hình đánh bắt khác nhau, tiếp tục nghề truyền thống. Sau khi xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường, chính quyền địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể hỗ trợ, đề xuất cấp trên hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất kinh doanh, lựa chọn ngành nghề, chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Mong mỏi lớn nhất của ngư dân Thừa Thiên Huế và ngư dân các tỉnh miền Trung hiện nay là tiếp tục có sự định hướng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa nghề, ngư cụ để ngư dân yên tâm tiếp tục vươn khơi.

Các bộ, ngành chung tay

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, trong 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng khai thác thủy sản cả nước giảm đáng kể, trong đó, tỉnh Hà Tĩnh giảm 16.000 tấn (6%); Quảng Bình giảm gần 24.000 tấn (8,7%); Quảng Trị giảm 16.000 (14,3%); Thừa Thiên Huế giảm hơn 13.000 tấn (30%). Trước trực trạng đó, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành chính sách chuyển đổi nghề, khôi phục môi trường, tạo việc làm nhằm giúp ngư dân ổn định đời sống. Dự kiến, chính sách này sẽ được ban hành trong tuần tới. Bộ cũng đề xuất phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân, đồng thời, tạo điều kiện cho mỗi hộ gia đình ngư dân ở khu vực bị ảnh hưởng có một người được đi xuất khẩu lao động nhằm ổn định cuộc sống.

Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển bảo đảm duy trì đường dây nóng, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý các vấn đề liên quan đến việc thu mua hải sản của bà con ngư dân. Các địa phương cũng được yêu cầu huy động kênh phân phối trên địa bàn tiêu thụ hải sản cho ngư dân, với tinh thần chia sẻ, khuyến khích, tạo tâm lý an tâm đối với người sử dụng. Được biết, việc đánh bắt, tồn trữ và tiêu thụ hải sản nhìn chung vẫn bảo đảm ổn định. Giá bán các loại hải sản tại khu vực đô thị, cũng như ngay tại các tỉnh miền Trung đang hồi phục, nhu cầu tiêu dùng hải sản đang gia tăng trở lại. Hiện có hơn 90 doanh nghiệp tham gia thu mua, phân phối hải sản của bà con ngư dân.

Ông Sỹ Danh Phúc, Giám đốc Siêu thị Fivimart Trúc Khê (Hà Nội) cho biết, siêu thị liên tục cập nhật thông tin về chất lượng cá nói riêng, hải sản nói chung ở các tỉnh miền Trung bảo đảm chất lượng. Đơn vị sẵn sàng tạo điều kiện để các đối tác cung cấp nguồn hải sản vào siêu thị. "Chúng tôi rất mừng vì mọi việc đã rõ ràng và sẵn sàng đẩy mạnh thu mua hải sản. Mỗi lô hàng cần có chứng từ xuất xứ, xác nhận bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng địa phương" - ông Sỹ Danh Phúc nói.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang đánh giá xem lớp trầm tích dưới đáy biển còn tồn lưu chất độc không, mức độ như thế nào và sẽ sớm công bố khi kết thúc điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm, mức độ thiệt hại. "Các nhà hải dương học đã lấy mẫu vật trầm tích các chất tồn lưu từ hợp chất phức để phân tích. Dự kiến đến ngày 15-7, Bộ TN&MT sẽ kết thúc giai đoạn khảo sát lấy mẫu, sau đó phân tích các mẫu thu thập được và sớm đưa ra thông báo, và có phương án xử lý" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Hiện nước biển xa bờ, gần bờ, bãi tắm thường xuyên được hệ thống quan trắc môi trường đánh giá, cung cấp thông tin cho người dân. Qua so sánh đối chiếu kết quả quan trắc với Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển cho thấy, chất lượng nước biển tại các bãi biển tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều nằm trong giới hạn cho phép.

Theo Hà nội mới

.