Chính trị - Xã hội
Tự ý phá hủy tài sản không hợp pháp: Có bị xử lý hình sự?
Theo đơn tố cáo của ông Tăng Lai Tú (trú 102 Tôn Đức Thắng, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), sáng 9-11-2015, hàng chục người lạ mặt xông vào khu đất của ông tại tổ 6 (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) đập phá toàn bộ cổng ngõ, tường rào bảo vệ khu đất. Thiệt hại vật chất được các cơ quan chức năng thẩm định là 14.850.000 đồng. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng quận Thanh Khê, vì tài sản của ông Tú không hợp pháp nên hành vi đập phá tài sản của những người này được xác định không cấu thành tội “Hủy hoại tài sản” dẫn đến không khởi tố vụ án hình sự.
Hiện trường vụ đập phá diễn ra ngày 9-11-2015 tại thửa đất của ông Tăng Lai Tú ở tổ 6 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. Ảnh: P.V |
Giải quyết tranh chấp bằng “luật rừng” (!?)
Vụ việc tranh chấp mảnh đất trên 400m2 tại tổ 6 phường Thanh Khê Tây giữa các hộ dân Tăng Lai Tú, Nguyễn Thanh Hải, Hoàng Trọng Vinh và Huỳnh Ngọc Thắng (có hộ khẩu thường trú nhiều địa phương khác nhau) kéo dài từ năm 2010 đến nay không những chưa được giải quyết dứt điểm, mà còn phát sinh những mâu thuẫn mới. Ông Tăng Lai Tú cho biết đã mua lại mảnh đất nói trên từ ông Ngô Văn Mua (ở tổ 3 phường Thanh Khê Tây).
Năm 2010, ông Nguyễn Thanh Hải ở tỉnh Quảng Nam đến khu vực tổ 6 Thanh Khê Tây mua lại đất nông nghiệp và xây dựng trái phép (vụ việc này đã bị chính quyền quận Thanh Khê ra quyết định phạt hành chính và buộc hoàn trả lại hiện trạng đất ban đầu). Sau khi mua mảnh đất 112m2, ông Hải tiếp tục cơi nới, lấn chiếm thêm diện tích đất khác và bán lại một phần cho ông Hoàng Trọng Vinh để làm nhà sát cạnh đất ông Tú.
Đầu năm 2015, ông Hoàng Ngọc Thắng bỗng dưng khẳng định, mảnh đất ông Tú đang sử dụng là của mình mua lại từ người khác và nảy sinh tranh chấp. Khi tiếp nhận đơn khiếu nại của các bên, ngày 28-9-2015, UBND quận Thanh Khê tổ chức cuộc họp hòa giải giữa các bên, do Chủ tịch UBND quận Nguyễn Văn Tĩnh chủ trì.
Cuộc họp xác định đây là đất nông nghiệp liên cư, liên địa giữa hai phường Thanh Lộc Đán (cũ, quận Thanh Khê) và Hòa Minh (quận Liên Chiểu), bị một số hộ dân lấn chiếm, chuyển nhượng và xây dựng trái phép. Giấy tờ mua bán giữa ông Vinh và ông Thắng được Thanh tra quận Thanh Khê xác định là giả mạo, không đúng chủ đất, không đủ cơ sở pháp lý. Tại đây, sau khi các bên chấp nhận hòa giải, rút đơn khiếu nại, chủ trì cuộc họp yêu cầu giữ nguyên hiện trạng khu đất. Tuy nhiên, ngày 9-11-2015 lại xảy ra việc hủy hoại tài sản nói trên.
Vụ việc trên được cơ quan Công an lập biên bản. Theo biên bản xác định giá trị tài sản tố tụng hình sự được lập ngày 4-12-2015 của các cơ quan chức năng của quận Thanh Khê, tổng giá trị thiệt hại vật chất là 14.850.000 đồng. Ông Tú đã gửi đơn khiếu nại và yêu cầu Công an quận Thanh Khê, Viện KSND quận Thanh Khê khởi tố hình sự vụ việc này. Tuy nhiên, đến ngày 21-3-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Khê đã gửi thông báo đến ông Tú về việc ra quyết định không khởi tố hình sự vụ việc trên với lý do “Hành vi không cấu thành tội phạm”, quy định tại khoản 2, Điều 107, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Tiếp đó, ngày 12-5-2016, Viện KSND quận Thanh Khê ra Quyết định số 11/QĐ-VKS-KT không chấp nhận khiếu nại của ông Tăng Lai Tú và giữ nguyên quyết định không khởi tố hình sự vụ việc trên, do tài sản của ông Tú là bất hợp pháp, không được pháp luật thừa nhận theo Điều 1, Bộ luật Hình sự (năm 2009-PV). Quyết định của Viện KSND quận Thanh Khê ghi: “Ông Huỳnh Ngọc Thắng, ông Hoàng Trọng Vinh có hành vi thuê người khác đập phá tường rào của ông Tú xây dựng bất hợp pháp trên đất công (tài sản không được pháp luật hình sự bảo vệ). Vì vậy, hành vi của ông Thắng và ông Vinh không cấu thành tội “Hủy hoại tài sản” theo quy định tại Điều 143, Bộ luật Hình sự”.
Cần xử lý hình sự
Luật sư Đỗ Pháp (Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp) phân tích: Hành vi xây dựng trái phép của ông Tú là vi phạm thuộc về hành chính khi chưa hoàn thành thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật để xác lập quyền sử dụng đối với lô đất này. Trong trường hợp này, chỉ UBND quận Thanh Khê mới có quyền ra quyết định xử phạt hành chính buộc tháo dỡ, nếu công dân không thực hiện thì ra quyết định cưỡng chế, tổ chức lực lượng đập phá, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép của ông Tú. Không một tổ chức, cá nhân nào khác có quyền tự tiện đập phá tường rào của ông Tú. Luật sư Đỗ Pháp cho rằng, nội dung Quyết định số 11/QĐ-VKS-KT cho thấy ông Vinh, ông Thắng có vai trò là người chủ mưu và có những người khác giúp sức thực hiện, hoàn thành hành vi hủy hoại tài sản. Hành vi này phải bị xử lý hình sự.
Ông Đỗ Thành Nhân, nguyên Phó ban Dân chủ - Pháp luật thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, hội viên Hội Luật gia thành phố cũng không chấp nhận lập luận của Viện KSND quận Thanh Khê nêu trên và cho rằng, không khởi tố hình sự vụ án hủy hoại tài sản là bỏ lọt tội phạm. Ông Nhân phân tích: Theo nội dung Quyết định 11/QĐ-VKS-KT thì ông Vinh, ông Thắng có hành vi thuê người đập phá tường rào của ông Tú là hành vi phạm tội rất rõ ràng. Ở đây, cơ quan tố tụng hình sự đã lấy việc xác định quyền sở hữu tài sản hợp pháp hoặc không hợp pháp để phủ nhận, loại trừ hành vi phạm tội hình sự đã thực hiện hoàn thành và đủ yếu tố cấu thành tội hủy hoại tài sản đã được Bộ luật Hình sự quy định.
“Nhìn dưới góc độ xã hội, việc không xử lý hành vi nguy hiểm cho xã hội, bỏ lọt tội phạm trong trường hợp này làm pháp luật không nghiêm, không có tính răn đe, giáo dục. Công tác phòng, chống tội phạm gặp khó khăn, an toàn cho nhân dân bị đe dọa. Và nguy hiểm hơn là người dân có thể cho rằng mình có quyền thấy ai sai thì tự xử theo cách của mình”, ông Nhân nói.
Chính quyền buông lỏng công tác quản lý? Từ vụ việc này, một câu hỏi được đặt ra, phải chăng chính quyền quận Thanh Khê đã buông lỏng công tác quản lý xây dựng trong nhiều năm. Tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp có thể đã chấm dứt nếu UBND quận Thanh Khê kiên quyết buộc ông Nguyễn Thanh Hải phải thực hiện Quyết định số 562/QĐ-UBND ngày 4-3-2010 của UBND quận Thanh Khê về xử phạt hành chính, phạt tiền 12,5 triệu đồng và buộc khôi phục tình trạng đất như trước khi vi phạm. Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây Huỳnh Thanh Hải thừa nhận trong năm 2015, có khoảng 10 trường hợp xây dựng nhà trái phép ở nơi đây. Chủ tịch UBND quận Nguyễn Văn Tĩnh giải thích “cái khó” của chính quyền quận Thanh Khê: Nếu cưỡng chế tháo dỡ công trình của ông Huỳnh Thanh Hải thì phải cưỡng chế hàng loạt hộ dân khác vi phạm lỗi xây dựng trái phép. Việc này sẽ gây mất an ninh trật tự khu vực này (?!). |
NHÓM PHÓNG VIÊN