Chính trị - Xã hội

Xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính

09:27, 30/07/2016 (GMT+7)

* Formosa đã bồi thường 250 triệu USD

Sáng 29-7, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,35%. Tín dụng tăng 8,16%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất siêu 1,54 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước tăng 6,1%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,7%; vốn FDI đăng ký đạt 11,3 tỷ USD, vốn thực hiện tăng 15,1%; vốn ODA ký kết mới tăng 61%. GDP tăng 5,52%, trong đó khu vực dịch vụ tăng 6,35%. Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,1%.

Hỗ trợ nhà ở cho trên 15.000 gia đình người có công, nâng tổng số lên trên 80.000 gia đình. Tạo việc làm cho 762.000 người. Điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và lương tối thiểu vùng. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 5,4%, bảo hiểm thất nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối; mạng lưới bệnh viện vệ tinh được mở rộng với 22 bệnh viện hạt nhân và 98 bệnh viện vệ tinh ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, đạt 78,6%, đã kết nối mạng 14.000 cơ sở y tế toàn quốc....

Đề cập những khó khăn, thách thức mà đất nước đang phải đối mặt, Thủ tướng cho biết, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn.

Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu ngân sách Nhà nước (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006-2010. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (5,52% so với 6,32%).

Lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 8 vấn đề trọng tâm: Lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững; thúc đẩy những lĩnh vực chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế; xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên; giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ. Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý; lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định. Số doanh nghiệp đăng ký mới, doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng cao hơn cùng kỳ. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đạt nhiều kết quả tích cực...

Ủy ban Kinh tế đề cập những diễn biến mới, những khó khăn, thách thức xuất hiện trong 6 tháng đầu năm. Diễn biến tình hình kinh tế thế giới tiếp tục giảm đà tăng trưởng; các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016. Theo đánh giá ban đầu, kết quả trưng cầu ý dân việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động đến từng quốc gia và nền kinh tế toàn cầu. Ở Việt Nam, việc đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể bị kéo dài do thay đổi một số điều khoản của hiệp định này.

Ở trong nước, sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển các tỉnh duyên hải miền Trung, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm ở phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân. Các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm như sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm quy chuẩn trong chăn nuôi, trồng trọt; sử dụng phụ gia, hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh lương thực, thực phẩm, đồ uống và kinh doanh dịch vụ còn khá phổ biến. Một vấn đề dư luận hết sức quan tâm là một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, không tạo thêm việc làm, nộp ngân sách Nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước.

Formosa đã bồi thường 250 triệu USD

Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian đề cập sự cố Formosa. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đến ngày 28-7, phía Formosa đã thực hiện cam kết chuyển số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu USD.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), người dân đang hằng ngày, hằng giờ sống cùng những lo âu khắc khoải. “Có thể nói đời sống sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng; các sản phẩm đánh bắt hải sản ven bờ, xa bờ đều khó tiêu thụ. Do đó, các tàu cá ở vùng biển và tàu khai thác gần bờ trong thời gian qua gần như nằm hoàn toàn, các hộ thu mua và kinh doanh hàng thủy hải sản cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá không hoạt động được”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, thảm họa thủy hải sản chết do sự cố môi trường biển vừa qua liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, phạm vi đối tượng bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ thỏa đáng và công bằng. Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động của Formosa để bảo đảm việc sản xuất của công ty này không gây hậu quả về môi trường tương tự trong tương lai.

Theo đại biểu, Chính phủ cần sớm đưa ra biện pháp khôi phục lại sinh thái ven bờ để sớm công bố, trả lại môi trường biển và ngư trường cho ngư dân đánh bắt hải sản. Ngoài ra, đại biểu cho rằng, về kinh phí để khắc phục sự cố môi trường, ngoài trách nhiệm của Formosa thì ngân sách của Nhà nước cũng phải dành cho công việc này thỏa đáng và kịp thời.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, ngoài việc Chính phủ đang nỗ lực xử lý hậu quả sự cố môi trường, Quốc hội cũng không thể đứng ngoài cuộc. Và việc quan trọng nhất Quốc hội cần làm là không chỉ tìm ra câu trả lời thật rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm liên quan đến sai phạm của Formosa, mà còn phải nhanh chóng rà soát lại văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân, từ đó có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người đã không còn đương chức.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, thảm họa môi trường làm khốn khổ người dân 4 tỉnh miền Trung, hệ lụy của nó chưa thể chấm dứt, mặc dù Formosa đã nhận lỗi và bồi thường. Người dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chờ câu trả lời cho câu hỏi bao giờ biển lại trong lành như xưa, liệu các sự cố có còn tiếp diễn nữa hay không. “Nếu những câu hỏi đó không có cơ sở để khẳng định thì cần xem lại sự tồn tại của dự án này. Các hiện tượng xả thải gây ô nhiễm sông, suối xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước đang dần đưa các sông, suối thành các dòng sông chết. Quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân được Hiến pháp ghi nhận đang bị xâm hại”, đại biểu Tô Văn Tám nói.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, những công việc cụ thể mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện là đang tiến hành để thực hiện xử phạt hành chính các hành vi vi phạm của Formosa (53 lỗi); cùng với đó là kế hoạch rất toàn diện về khắc phục các vi phạm như công nghệ, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải; đồng thời triển khai các hệ thống ứng phó sự cố môi trường như hồ sinh học, bể chứa sinh học chứa trước khi thải ra môi trường biển khoảng 7 ngày, có hệ thống quan trắc trực tuyến để giám sát tất cả các chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường biển.

B.T tổng hợp

.