Chính trị - Xã hội

Báo động mất cân bằng giới tính khi sinh

08:28, 24/08/2016 (GMT+7)

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS). Các chuyên gia quốc tế cho rằng, GTKS ở những nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (ưa thích con trai hơn con gái) nhưng chưa có nước nào có tốc độ gia tăng nhanh như ở Việt Nam.

Buổi nói chuyện chuyên đề “Mất cân bằng giới tính khi sinh” tại xã Hòa Phú.
Buổi nói chuyện chuyên đề “Mất cân bằng giới tính khi sinh” tại xã Hòa Phú.

Tỷ lệ GTKS năm 2007 của Việt Nam tương đương với Trung Quốc năm 1990 là 111,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Trong vòng 20 năm nữa, cơ cấu dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi thừa nam giới; đồng thời từ đây phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Nói cách khác, mất cân bằng giới tính có tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc gia. Theo báo cáo của Tổng cục Dân số, tỷ lệ GTKS 6 tháng đầu năm 2016 là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái, tăng so với năm 2015 (112,8/100). Ước tính cả năm 2016, chỉ tiêu khống chế tốc độ gia tăng tỷ lệ GTKS khó đạt kế hoạch.

Nhiều gia đình hiện nay vẫn thích có con trai. Tâm lý này được thể hiện rất rõ trong quan niệm: Có con trai để nối dõi tông đường và “con gái là con người ta”, “con rể là khách”. Bên cạnh đó, không ít gia đình, nhất là những người làm nghề biển vẫn cố tìm cho được con trai để tạo nhân lực lao động.

Vừa muốn sinh ít con, vừa muốn có con trai nên nhiều người lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện mong muốn này. Khoa học công nghệ “hỗ trợ” các cặp vợ chồng tìm con trai từ lúc bắt đầu chuẩn bị có thai, lúc thụ thai, khi đã có thai và đến cả việc giữ hay không giữ bào thai đó. Điều này dẫn đến tình trạng gia tăng mất cân bằng GTKS.

Nếu như tâm lý mong muốn có con trai là điều kiện “cần” thì việc áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong y học lại là điều kiện “đủ” dẫn đến thực trạng mất cân bằng giới tính. Nói cách khác, chỉ khi có sự kết hợp hai điều kiện này thì mới xảy ra mất cân bằng GTKS cao. Bên cạnh đó, các dịch vụ phá thai hiện nay hoạt động hợp pháp và là một phần nội dung của chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, được tiếp cận rộng rãi, với chi phí thấp khiến cho việc lựa chọn giới tính thai nhi, chấm dứt thai kỳ diễn ra rất dễ dàng.

Vai trò quản lý của cơ quan chức năng cũng là yếu tố có liên quan đến tình trạng mất cân bằng giới tính. Cơ quan chức năng còn thiếu các biện pháp giám sát, chế tài xử lý vi phạm và yếu kém trong kiểm soát hoạt động của y tế tư nhân về dịch vụ xác định giới tính thai nhi. Trên thực tế, việc nạo hút thai được coi là hợp pháp, việc “mở rộng cửa” cho tư nhân làm dịch vụ y tế, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, siêu âm thai đã “tiếp tay” cho loại hình dịch vụ này mọc lên như nấm sau mưa. Hơn nữa, việc thông báo bằng lời về giới tính thai nhi ngày càng trở nên “linh hoạt”, “đa dạng”, “giàu hình ảnh” và dễ hiểu như: nếu thai nhi là con trai thì được diễn đạt: “quả chuối”, “hoàng tử”, “có người nối dõi”...; nếu thai nhi là con gái sẽ được diễn đạt: “thị mẹt”, “công chúa”; “vịt trời”... Tất cả điều đó gây khó khăn, trở ngại cho cơ quan chức năng trong giám sát, quản lý và xử phạt việc thông báo, lựa chọn giới tính thai nhi sớm.   

Giải quyết tình trạng mất cân bằng GTKS còn rất nan giải, cần quá trình nâng cao nhận thức của nhân dân, bên cạnh đó là các chính sách của Nhà nước, chế tài xử phạt nghiêm minh để đưa công tác dân số nói chung và cân bằng GTKS vào quy trình kiểm soát chặt chẽ.

Bài và ảnh: MINH TUẤN

.