.

Cảnh giác, tránh bị lừa qua mạng

.

Gần đây, tình trạng kẻ gian sử dụng mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản... được cảnh báo nhiều, song vì thiếu cảnh giác hoặc vì hám lợi nên vẫn còn không ít người “sập bẫy”.

Các đối tượng (quê Duy Xuyên, Quảng Nam) bị Công an thành phố Đà Nẵng bắt giữ và khởi tố hành vi “sử dụng mạng máy tính, viễn thông, mạng internet và thiết bị số để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.   Ảnh: ĐẮC MẠNH
Các đối tượng (quê Duy Xuyên, Quảng Nam) bị Công an thành phố Đà Nẵng bắt giữ và khởi tố hành vi “sử dụng mạng máy tính, viễn thông, mạng internet và thiết bị số để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Theo cơ quan Công an, gần đây, kẻ gian sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi lừa đảo thông qua mạng internet. 5 thủ đoạn chính gồm: lừa đảo thông qua báo trúng thưởng, đột nhập thư điện tử, lừa mua hàng qua mạng, lừa qua mạng xã hội (Facebook), gửi đường dẫn có mã độc hại.

Ở mỗi thủ đoạn đều đã có ít nhất vài trường hợp mắc bẫy. Nạn nhân khi tỉnh ngộ thì tài sản cũng không thể lấy lại được. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ (PC46) - Công an Đà Nẵng tiếp nhận 43 trường hợp người dân đến tố cáo bị lừa qua mạng. Nguyên nhân chủ yếu do sự mất cảnh giác và phần nữa do tâm lý hám lợi.

Mới đây, PC46 khởi tố 8 đối tượng quê huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) về hành vi “lừa đảo”. Thủ đoạn của chúng là gửi thông báo trúng thưởng xe máy trị giá gần 70 triệu đồng tới người sử dụng mạng internet, rồi yêu cầu người đó nạp tiền điện thoại làm “lệ phí” nhận giải. Với hình thức này, 8 đối tượng đã lừa được 2 vụ, chiếm đoạt hơn 10 triệu đồng.

Với thủ đoạn đột nhập thư điện tử, đối tượng nghiên cứu rất kỹ tài khoản người dùng trước khi làm giả một tài khoản tương tự (chỉ khác 1 ký tự) rồi chủ động liên hệ với đối tác của người dùng, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân chứ không được chuyển qua tài khoản của công ty. Đã có 4 vụ xảy ra với hình thức trên, điển hình là trường hợp Công ty CP V.L (Đà Nẵng) bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 20.000 USD.

Các đối tượng lừa mua hàng qua mạng còn tinh vi hơn. Khi người dùng mua món hàng, chúng yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản cá nhân, nhưng khi nhận được tiền, chúng không chuyển hàng mà lại khóa mọi liên lạc.

Đối với chiêu lừa đảo qua mạng xã hội, đây là hiện tượng khá phổ biến và đã nhiều lần xảy ra. Phần lớn các đối tượng dùng chính tên tài khoản của nạn nhân để chiếm tài sản những người có trong danh sách của nạn nhân (bằng cách nhờ nạp thẻ điện thoại, tặng quà, gửi đường dẫn có mã độc rồi nhắn tin nhờ chuyển tiền...). Điển hình là mới đây, Công an Đà Nẵng khởi tố vụ án, ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Võ Thị Xuân Lan (hộ khẩu thành phố Hồ Chí Minh) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thủ đoạn của Lan là cấu kết với đối tượng lừa đảo ở nước ngoài, nhắm vào phụ nữ lớn tuổi, đơn thân, thậm chí các cô gái trẻ muốn lấy chồng ngoại. Đồng bọn của Lan lập Facebook tên Donald Jack, xưng trú ở Mỹ, là kỹ sư, đã ly hôn và muốn bảo lãnh các cô gái, phụ nữ qua Mỹ kết hôn, rồi hứa tặng quà giá trị lớn. Sau đó, Lan đóng vai cán bộ Hải quan gọi điện thông báo cho bị hại rằng quà đã về đến Việt Nam nhưng phải đóng thuế trước. Tính đến tháng 10-2015, có 10 nạn nhân ở Đà Nẵng, Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sập bẫy của Lan với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.

Người dùng hãy “thông thái” khi sử dụng mạng

Ông Đặng Hải Sơn, phụ trách Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Chi nhánh Đà Nẵng (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, cả 5 thủ đoạn nêu trên đều có điểm chung là phần lớn được phát tán qua mạng xã hội hoặc thư điện tử để lừa người dùng.

Theo ông Sơn, để không rơi vào trường hợp lừa đảo tương tự, người dùng internet không nên thực hiện việc mở thư điện tử cá nhân trên các máy tính dùng chung, hoặc đăng nhập tài khoản tại các dịch vụ internet công cộng như: quán game, dịch vụ internet hoặc các quán cà-phê wifi không an toàn.

Trong trường hợp dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để kiểm tra thư, cần bảo đảm thiết bị phải nguyên gốc từ nhà sản xuất, tức là máy ở trạng thái chưa bị bẻ khóa.

Không sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc để tránh mất mát thông tin nhạy cảm trong máy như tài khoản thư điện tử hay tài khoản mạng xã hội. Dùng một chương trình diệt virus tin cậy và được cập nhật thường xuyên để quét các tập tin được tải về từ thư điện tử. Không nhấp chuột hoặc chia sẻ những đường dẫn liên kết (URL), bài viết đáng nghi ngờ được chia sẻ trên mạng xã hội.

Đại tá Võ Văn Lanh, Phó trưởng Phòng PC46 cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các tin nhắn từ người thân thông qua mạng xã hội với nội dung nhờ mua thẻ cào, nhờ thực hiện một số yêu cầu trên máy tính, điện thoại, chuyển tiền... Nếu gặp những trường hợp này, cần liên hệ trực tiếp qua điện thoại với chủ nhân tài khoản để xác nhận. Khi gặp các trường hợp nghi lừa đảo, cần sử dụng chức năng tố cáo vi phạm mà các mạng xã hội cung cấp hoặc có thể tố cáo trực tiếp với lực lượng Công an.

Ông Đặng Hải Sơn, phụ trách Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Chi nhánh Đà Nẵng (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra một số “mẹo”:

Luôn chú ý cảnh giác những thư điện tử có nội dung, nguồn gốc khả nghi và tiến hành kiểm tra, xử lý theo hướng dẫn kiểm tra thư giả mạo của VNCERT (http://ictnews.vn/cntt/bao-mat/phat-hien-e-mail-gia-mao-khong-qua-kho-129703.ict). Nếu bạn không chắc chắn về một thư điện tử nào thì hãy tìm cách xác nhận từ phía người gửi.

Không mở tập tin đính kèm theo các thư điện tử nghi ngờ có tên tập tin liên quan đến nội dung nhạy cảm, các tập tin nén (.rar, .zip), các tập tin thực thi (.exe) và các tập tin văn bản nghi ngờ khác (.doc, .xls).

Đối với người dùng thư điện tử công vụ, cần tham khảo hướng dẫn của trung tâm VNCERT để bảo đảm an toàn cho các thư công vụ tại: http://www.vncert.gov.vn/files/huongdansudungantoanthudientucongvu.pdf.

ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.