Chính trị - Xã hội

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN TÂM THẦN

Cách làm mới, hiệu quả cao

11:12, 16/08/2016 (GMT+7)

Với những cách làm mới, sáng tạo, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố đạt nhiều hiệu quả thiết thực trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân.
 

Lao động liệu pháp giúp bệnh nhân có điều kiện cải thiện sức khỏe, tinh thần..
Lao động liệu pháp giúp bệnh nhân có điều kiện cải thiện sức khỏe, tinh thần..

Đến Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố (tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) vào buổi sáng sớm một ngày cuối tuần giữa tháng 7, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm bệnh nhân sôi nổi tập bài thể dục 9 động tác. Nhiều người thực hành thành thạo, nhưng cũng không ít người lóng ngóng, chệch choạc. Sau đó, cán bộ phụ trách từng khu dẫn bệnh nhân chạy bộ 2 vòng trong khuôn viên, rồi đưa bệnh nhân về lại phòng để xếp chăn màn, rửa mặt, chuẩn bị ăn sáng…

Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Cần cho biết: Từ đầu năm 2016, Trung tâm áp dụng quy trình quản lý mới trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Theo đó, từ 5 giờ rưỡi mỗi ngày, bệnh nhân ra sân tập thể dục, sau đó về làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng, luyện tập vật lý trị liệu, lao động liệu pháp… đến 10 giờ rưỡi ăn trưa, nghỉ ngơi. Từ 14-16 giờ, bệnh nhân tiếp tục tập luyện, lao động trị liệu và tham gia các trò chơi thể thao. Ăn tối xong, bệnh nhân được xem ti-vi, sinh hoạt văn nghệ. 21 giờ, Trung tâm mở chương trình dân ca-nhạc cổ truyền giúp bệnh nhân nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.

Theo quy trình quản lý mới, ngoại trừ bệnh nhân lên cơn, mỗi ngày 3 buổi (sáng, trưa, tối), bệnh nhân ra khỏi phòng để luyện tập, lao động liệu pháp và vui chơi giải trí. Quy trình mới giúp giảm hẳn tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm, đồng thời việc nuôi dưỡng, chăm sóc người tâm thần đạt hiệu quả cao hơn (mức độ thuyên giảm bệnh tốt hơn, số ca chuyển biến xấu giảm mạnh…).

Cùng với đó, từ tháng 4-2015, Trung tâm tiến hành thực nghiệm điều dưỡng luân phiên nhằm thực hiện chủ trương của thành phố về giảm tải việc nuôi dưỡng lâu dài. Hiện tại, Ban Giám đốc Trung tâm chọn 40 người có mức độ chuyển biến tốt sang Khu điều dưỡng luân phiên và thực hiện mỗi đợt điều dưỡng từ 3-6 tháng. Tại đây, các bệnh nhân được luyện tập trị liệu nhiều hơn và được hướng dẫn làm những công việc lao động từ đơn giản đến phức tạp.

Những bệnh nhân chuyển biến tốt về sức khỏe và năng lực hành vi sẽ được gia đình đón về. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khu Điều dưỡng luân phiên vừa hướng dẫn bệnh nhân lột vỏ tỏi, vừa bộc bạch: Phải khéo léo chỉ bảo, ân cần động viên, khích lệ từng bệnh nhân để họ phục hồi những khả năng đã có trước khi mắc bệnh. Giúp bệnh nhân làm được những công việc phổ thông cũng là cách tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng.    

Đặc biệt, lãnh đạo Trung tâm đã thành lập Ban liên lạc gia đình bệnh nhân, nhằm thực hiện chương trình phối hợp giữa Trung tâm với gia đình trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc người tâm thần. Ban này đi vào hoạt động từ đầu năm 2015 đã khắc phục được phần nào tình trạng bỏ mặc bệnh nhân của không ít gia đình, vận động gia đình nêu cao trách nhiệm phối hợp điều trị.

Mặt khác, Trung tâm còn vận động các gia đình bệnh nhân có điều kiện cùng các nhà hảo tâm tham gia đóng góp xây dựng cảnh quan trong khuôn viên. Từ đó, hệ thống đường, ghế đá, bồn hoa, cây cảnh, các thiết bị tập luyện, vui chơi được nâng cấp, nhiều phương tiện, vật dụng được mua sắm mới, ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, luyện tập của bệnh nhân. “Với tấm lòng thương yêu người tâm thần, các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng cảnh quan mà không yêu cầu phải ghi họ tên, địa chỉ”, ông Nguyễn Văn Cần chia sẻ.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.