Chính trị - Xã hội
Chờ kế hoạch hành động của Thủ tướng
Từ những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về công tác cải cách hành chính mới đây, người dân hi vọng sẽ có chuyển động tích cực trong bộ máy nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác cải cách hành chính - Ảnh: TTXVN |
Tôi ấn tượng với những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể từ khi ông nhậm chức đến nay.
Trước hết, đó là những ý kiến thẳng thắn, mạnh mẽ, mang tinh thần cải cách và đặc biệt là Thủ tướng đã nhận diện đúng tình hình.
Thủ tướng cũng tạo ấn tượng ở sự nêu gương của người đứng đầu qua các việc như không mua xe mới, nhận trách nhiệm và nói lời xin lỗi về vụ đoàn xe qua phố cổ Hội An...
Điều còn lại quan trọng hơn lời nói, mà với vị thế của một người dân tôi trông đợi là kế hoạch hành động cụ thể của Thủ tướng, của Chính phủ đối với từng lĩnh vực, từng vấn đề hạn chế, tồn tại đã được Thủ tướng chỉ ra.
Ví dụ, vấn đề yếu nhất trong cải cách hành chính, như Thủ tướng nhận định đó là công tác cán bộ, bộ máy đông mà không mạnh, công chức dư thừa mà lại thiếu người giỏi.
Thủ tướng lo rằng mình cứ hô hào nhưng bộ máy chính quyền từ trung ương đến cơ sở thì không chuyển động. Vậy Thủ tướng có kế hoạch hành động cụ thể gì để hạn chế, khắc phục những tồn tại, bất cập ấy?
Cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức lâu nay tồn tại thực trạng “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra. Bây giờ Thủ tướng nói “tìm người tài chứ không phải tìm người nhà, người tài ở bìa rừng góc bể cũng phải được trọng dụng”.
Tôi nghĩ rằng muốn đột phá phải có kế hoạch rất cụ thể như năm 2016 làm gì, năm 2017 thúc đẩy gì. Bộ máy dư thừa thì phải chỉ rõ chỗ nào dư thừa, bộ phận nào yếu, làm gì để cắt bỏ phần dư thừa và thay thế phần yếu.
Tôi kiến nghị Thủ tướng đã nhận định khâu cán bộ là yếu nhất, vậy thì hãy từ khâu yếu nhất này mà đột phá. Phải đổi mới thể chế tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Theo tôi, đối với các vị trí lãnh đạo chủ chốt, các vị trí chính khách, ở địa phương là chủ tịch, bí thư cấp tỉnh, ở trung ương là bộ trưởng trở lên vẫn theo quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm như hiện tại để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.
Số còn lại là các chức danh chuyên môn, từ thứ trưởng trở xuống đến tổng cục, cục, vụ, viện, phó chủ tịch UBND đều phải qua thi tuyển công khai, minh bạch theo các điều kiện, tiêu chí rõ ràng.
Đội ngũ công chức cũng vậy, tôi ủng hộ quan điểm của bà Phạm Chi Lan là nên bỏ cơ chế biên chế, thực hiện thi tuyển, khoán theo vị trí công việc, sau mỗi chu kỳ một hoặc hai năm lại tiến hành đánh giá (trên cơ sở chấm điểm của doanh nghiệp, người dân, đối tượng mà công chức đó phục vụ), nếu đạt yêu cầu thì tiếp tục hợp đồng, còn không phải loại bỏ.
Làm được như vậy, Thủ tướng sẽ không phải lo là mình cứ hô hào, còn bộ máy thì không chuyển động hoặc chuyển động ì ạch, sẽ đáp ứng được mong muốn của Thủ tướng là Chính phủ phục vụ chứ không phải Chính phủ hưởng thụ.
Bộ máy hành chính phải được tổ chức công khai, minh bạch, thi tuyển cạnh tranh, có lên có xuống, có vào có ra chứ không phải là tuyển một lần ngồi mãi mãi, chỉ có thăng chức chứ không có giáng chức.
Tôi cho rằng nếu Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, ban hành quy chế theo hướng này thì họ chỉ cần hai năm để đưa ra các quy định cần thiết bởi kinh nghiệm trên thế giới đã có sẵn.
TS HOÀNG NGỌC GIAO, (viện trưởng viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển), lê kiên ghi
Theo Tuổi trẻ