“Từng bước xây dựng và hình thành nếp sống văn hóa: Nông dân Việt Nam là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn, góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân” là mục đích của Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 giữa UBND thành phố và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, khẳng định đây là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chứng kiến việc lấy mẫu kiểm tra chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tại chợ Đầu mối Hòa Cường. Ảnh: PHAN CHUNG |
* Chương trình phối hợp là lộ trình dài nhằm thay đổi nhận thức của cả người sản xuất, kinh doanh lẫn người tiêu dùng. Là cơ quan chủ trì, Mặt trận cần làm gì để đạt mục tiêu đề ra?
Bà Đặng Thị Kim Liên |
- Tổ chức thực hiện chương trình này là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên với mục tiêu vận động toàn dân thực hiện an toàn thực phẩm (ATTP). Việc phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm ATTP giữa Mặt trận với UBND thành phố phải đồng bộ và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức.
Định kỳ có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng. Chúng tôi sẽ phát huy tối đa vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội, trong khi đó, cơ quan nhà nước cũng cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật ATTP.
* Cách thức triển khai thực hiện và mục tiêu cho từng giai đoạn của chương trình này như thế nào, thưa bà?
- Việc tổ chức thực hiện chương trình này được xây dựng theo một lộ trình rõ ràng, bảo đảm chất lượng, thiết thực, không phô trương hình thức. Cụ thể: từ nay đến cuối năm 2016, sẽ tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát ATTP đến 100% phường, xã, quận, huyện. Đến năm 2017, vận động ít nhất 40% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm ký cam kết bảo đảm ATTP; 30% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 50% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 3/11 xã được công nhận nông thôn mới phải đạt tiêu chí ATTP; 10/45 phường được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí ATTP.
Đến năm 2020, vận động ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm ký cam kết bảo đảm ATTP; 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 11/11 xã được công nhận nông thôn mới phải đạt tiêu chí ATTP; 45/45 phường được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí ATTP.
Sản xuất, tiêu thụ thực phẩm sạch là mong muốn của toàn xã hội.Ảnh: PHAN CHUNG |
* Làm thế nào để nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng tham gia tốt vào việc bảo đảm ATTP?
- Chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm ATTP, tập trung chủ yếu vào các tổ chức, cá nhân sản xuất, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm. Mục tiêu là làm cho các đối tượng này nắm rõ các quy định về áp dụng sản xuất nông nghiệp an toàn, thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm; các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, phụ gia thực phẩm; quy định về chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy, lưu hành sản phẩm, quảng cáo sản phẩm thực phẩm. Người dân cần hiểu rõ các quy định về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, quy định về khám sức khỏe cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, kiến thức ATTP…
Đặc biệt, Mặt trận các cấp và các cơ quan Nhà nước sẽ tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP; quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
* Trước thực trạng thực phẩm bẩn và những vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam sẽ tập trung giám sát những vấn đề gì để hạn chế tình trạng trên?
- MTTQ các cấp sẽ tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật ATTP đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, như: các hộ nông dân, sản xuất rau và 5 vùng trồng rau tập trung ở Túy Loan, Hòa Nhơn, Nam Nhơn, Yến Nê, La Hường; hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; 103 cơ sở chăn nuôi heo quy mô từ 50 con trở lên; cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô lớn; 8 cơ sở giết mổ tập trung gia súc, gia cầm; 24 hộ kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Bên cạnh đó, Mặt trận sẽ tổ chức giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng đối với các hộ nông dân sản xuất rau, vùng sản xuất rau tập trung và việc sử dụng chất cấm, thuốc thú ý, dư lượng kháng sinh, thức ăn đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời, giám sát phương tiện, nguồn gốc đánh bắt, khai thác, sử dụng phụ gia, hóa chất trong bảo quản đối với thủy sản đánh bắt; thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; giám sát điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ trong giết mổ, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật đối với cơ sở giết mổ động vật.
Đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô lớn (70 chợ truyền thống, 6 trung tâm thương mại, 50 siêu thị lớn nhỏ), Mặt trận cùng cơ quan chức năng sẽ tổ chức quản lý, giám sát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa thực phẩm đầu vào qua các phương tiện tàu, thuyền, ô-tô; giám sát nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có hợp đồng về nguồn cung cấp theo quy định và còn hạn sử dụng, phụ gia thực phẩm trong danh mục được phép sử dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô lớn.
* Theo bà, để đạt mục tiêu đề ra trong chương trình phối hợp, việc triển khai thực hiện gặp những khó khăn gì?
- Tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, nhất là thông tư chưa kịp thời. Đội ngũ thanh tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm mà chưa chú trọng biểu dương, khuyến khích những tập thể, cá nhân làm tốt ATTP; chưa phát huy được vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm ATTP.
Khó khăn lớn nhất là phải thay đổi được nhận thức, thức tỉnh lương tâm của bộ phận không nhỏ người sản xuất, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm để họ không vì lợi nhuận trước mắt mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe người khác.
* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Đặng Nở thực hiện