Đó là chủ đề của chương trình giao lưu tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, Quỹ ATGT và phát triển cộng đồng phối hợp với Ban ATGT thành phố Đà Nẵng tổ chức tối 30-7 tại Quảng trường Tượng đài 29-3. Chương trình có sự tham dự của hàng ngàn người hành nghề tài xế trên địa bàn Đà Nẵng, đoàn viên, thanh niên và đông đảo người dân.
Tại buổi giao lưu, Ủy ban ATGT quốc gia, Quỹ ATGT và phát triển cộng đồng, UBND thành phố tặng 10 phần quà hỗ trợ 10 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do TNGT; trao bằng khen, tặng áo phao, mũ bảo hiểm cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác giữ gìn trật tự ATGT.
Phát biểu tại đêm giao lưu, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, trong những năm gần đây, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt nên TNGT được kiềm chế. Đặc biệt, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, TNGT trên cả nước đã giảm cả ba tiêu chí. Riêng Đà Nẵng là một trong những địa phương giảm sâu TNGT trong nhiều năm liền. Trong thời gian đến, bên cạnh sự cố gắng hoàn thiện hạ tầng giao thông của Nhà nước, mọi người dân cần phát huy tinh thần tự giác khi tham gia giao thông bằng những hành động đơn giản nhưng rất quan trọng như: không uống bia, rượu khi tham gia giao thông; không phóng nhanh, vượt ẩu; đội mũ bảo hiểm phải đạt chuẩn...
T.S
* Ngày 30-7, tại cửa hàng Red Apron (46 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu), Diễn đàn uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) phát động chiến dịch tuyên truyền phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn với chủ đề “Nâng cao nhận thức về quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi”.
Đây là hoạt động nhằm kêu gọi cộng đồng thực hiện quy định về việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn của người dưới 18 tuổi tại Quyết định số 244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách Quốc gia phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Chiến dịch tuyên truyền này sẽ được triển khai tại 300 cửa hàng kinh doanh đồ uống có cồn ở nhiều địa bàn trên cả nước, trọng điểm là Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Dự buổi phát động, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu: Theo Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới năm 2014, người vị thành niên dưới 18 tuổi trong số nạn nhân tai nạn giao thông có cồn trong máu chiếm khoảng 15%. Vì vậy, chiến dịch tuyên truyền phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn với chủ đề “Nâng cao nhận thức về quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi” là một trong những giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn nói chung; đặc biệt là tai nạn giao thông đối với người vị thành niên dưới 18 tuổi mà nguyên nhân là do vi phạm nồng độ cồn.
S.TRUNG
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8, vi phạm nồng độ cồn, có thể bị phạt tới 18 triệu đồng.
Nghị định quy định người điều khiển ô-tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng.
Mức phạt này cũng áp dụng đối với người điều khiển ô-tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, về chất ma túy của người thi hành công vụ. Cũng với các hành vi trên, người điều khiển xe máy bị phạt từ 3-4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng. Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mức phạt này là rất nặng, bởi mức quy định đối với hành vi vi phạm tương tự của ô-tô tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP, chỉ là từ 10-15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng; của xe máy là từ 2-3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.
TTXVN