Chính trị - Xã hội
Khẳng định vai trò lịch sử cách mạng khu B1 - Hồng Phước
Sáng 12-8, UBND quận Liên Chiểu tổ chức hội thảo khoa học “Vị trí, vai trò Khu căn cứ lõm cách mạng B1-Hồng Phước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về quá trình xây dựng, nét đặc sắc, nổi bật của Khu căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước; vị trí, vai trò, những đóng góp của B1-Hồng Phước đối với phong trào chiến tranh du kích ở Quảng Đà và phong trào đấu tranh chính trị tại thành phố Đà Nẵng; các trận đánh tiêu biểu xuất phát từ B1-Hồng Phước, những tấm gương, cơ sở cách mạng điển hình của B1- Hồng Phước…
Khu vực B1-Hồng Phước nằm trên địa bàn xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), ở trong vùng địch tạm chiếm, được Ban cán sự Đảng khu tây Đà Nẵng chủ trương xây dựng thành căn cứ lõm từ năm 1960 và trở thành nơi nuôi giấu, đón đưa cán bộ, tập kết các đơn vị biệt động, bộ đội, du kích, chuẩn bị cho nhiều trận đánh vào Đà Nẵng.
Tại B1-Hồng Phước, có 64 gia đình thì cả 64 gia đình đều tham gia cách mạng, đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ, thắp những ngọn đèn hằng đêm báo hiệu cho cán bộ, du kích. Nhiều đồng chí hoạt động ở B1-Hồng Phước đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp… Nơi đây đã có 23 người hy sinh được công nhận liệt sĩ, 129 đối tượng chính sách, hàng chục người bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng đều một lòng kiên trung với cách mạng.
Hiện nay, lãnh đạo quận Liên Chiểu đang làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với Khu căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước. Khu Di tích lịch sử cách mạng B1-Hồng Phước dự kiến được hoàn thành vào dịp 29-3-2017.
LÊ VĂN THƠM