Chính trị - Xã hội
Không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế - xã hội
Trước những bức xúc về ô nhiễm môi trường được các đại biểu đề cập, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh khẳng định, thành phố sẽ không bao giờ đánh đổi môi trường với việc phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Nho Trung khẳng định, thành phố sẽ xem xét tác động môi trường của dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Hòa Nhơn. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh đã chủ trì phiên thảo luận ở hội trường vào buổi sáng và phiên chất vấn, trả lời chất vấn vào chiều 10-8, kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo chủ tọa kỳ họp, có 19 vấn đề thảo luận và 42 ý kiến chất vấn tập trung vào các nhóm vấn đề: quản lý đô thị, kinh tế, văn hóa- xã hội. Điểm mới của chất vấn tại HĐND thành phố nhiệm kỳ này là người trả lời chất vấn không biết trước câu hỏi.
Công khai việc xử lý các dự án chậm triển khai
Tham gia phiên thảo luận của HĐND thành phố tại hội trường về vấn đề phát triển kinh tế, đại biểu (ĐB) Trần Đình Hồng cho rằng, tình hình kinh tế thành phố 6 tháng cuối năm sẽ không gặp thuận lợi như 6 tháng đầu năm do bất lợi về thời tiết, một số khoản thu không duy trì được như thuế nhập khẩu ô-tô. Do đó, để đạt kết quả tốt, thành phố cần có nhiều giải pháp phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, mở rộng thị trường; đồng thời đẩy mạnh chống thất thu thuế và quan tâm đến các lĩnh vực chưa đạt 50% kế hoạch trong 6 tháng đầu năm.
ĐB Nguyễn Đức Trị bày tỏ mong muốn lãnh đạo thành phố tiếp tục triển khai cụ thể, hiệu quả các đề án hỗ trợ DN; đổi mới công tác gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với DN; quan tâm đến mặt bằng cho DN vừa và nhỏ… nhằm phát triển cộng đồng doanh nghiệp thành phố ngày càng vững mạnh.
Trước tình trạng nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng kẽ hở pháp luật để sở hữu quyền sử dụng đất tại các dự án đất nền ven biển thành phố, ĐB Huỳnh Minh Chức đề nghị lãnh đạo thành phố quản lý chặt chẽ đất ven biển, sớm thu hồi các dự án chậm triển khai. Đồng thời, trước khi cấp phép các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài nên cân nhắc kỹ các vị trí nhạy cảm, quan trọng, phối hợp với các cơ quan chức năng cùng thẩm định về môi trường, an ninh quốc phòng. Về vấn đề này, ĐB Lê Thị Mỹ Hạnh kiến nghị lãnh đạo thành phố tăng cường công tác giám sát việc xử lý các dự án chậm triển khai; công khai việc rà soát, xử lý cho người dân cùng biết, cùng giám sát.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn, hiện thành phố có 22 dự án (trong đó có 14 dự án ven biển, 8 dự án ở trung tâm và ven đô thành phố), 8 dự án đã đưa vào hoạt động và 14 dự án chậm tiến độ. Trong thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, thành lập các đoàn kiểm tra tiến độ từng dự án và mời các nhà đầu tư làm việc, ký cam kết gia hạn trong 24 tháng. “Sau thời gian gia hạn, nếu dự án nào cố tình chậm triển khai sẽ chấm dứt hoạt động và có biện pháp thu hồi, xử lý sau khi thu hồi…”, ông Trần Văn Sơn khẳng định.
Về việc thu hồi dự án chậm triển khai, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: “Nói chung, có những dự án mà hết nhiệm kỳ HĐND lần này mới có thể xử lý được vì phải làm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, phải công khai. Nếu nhiệm kỳ HĐND lần này làm không được thì nhiệm kỳ HĐND sau sẽ tiếp tục triển khai. Trách nhiệm của mình đến mức độ nào thì mình làm đến mức độ ấy”.
Không nhân nhượng các cơ sở gây ô nhiễm
"Có những dự án mà hết nhiệm kỳ HĐND lần này mới có thể xử lý được vì phải làm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, phải công khai. Nếu nhiệm kỳ HĐND lần này làm không được thì nhiệm kỳ HĐND sau sẽ tiếp tục triển khai. Trách nhiệm của mình đến mức độ nào thì mình làm đến mức độ ấy" Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh |
Liên quan ô nhiễm môi trường, ĐB Trần Đình Hồng cho rằng, hiện nay, người dân Hòa Vang rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác đất, đá ở xã Hòa Nhơn phục vụ các dự án và đề nghị thành phố cần quan tâm giải quyết dứt điểm vấn đề này. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đối thoại trực tiếp với người dân về dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Hòa Nhơn nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cũng cho rằng, để triển khai dự án này, thành phố đã xem xét, nghiên cứu nhiều vị trí và thống nhất xây dựng dự án tại xã Hòa Nhơn. Trong thời gian tới, thành phố sẽ đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc, đưa công nghệ tiên tiến vào sử dụng và chọn nhà thầu phù hợp.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng, thực hiện dự án này là chủ trương lớn của thành phố để cải thiện môi trường. Đến năm 2020, khu bãi rác Khánh Sơn sẽ quá tải và hiện chỉ còn một hố chôn lấp nên cần có giải pháp mới để ứng phó. Do đó, việc thực hiện dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Hòa Nhơn là rất cần thiết. Thành phố sẽ thực hiện đấu thầu công nghệ hiện đại để có thể thực hiện xử lý 90% rác thải, bảo đảm quy định về môi trường. Muốn làm được, cần thực hiện tốt công tác quản lý và quy hoạch.
ĐB Lê Thị Mỹ Hạnh đề nghị lãnh đạo thành phố quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp xử lý điểm nóng về môi trường, đặc biệt là giao cho những chủ thể chính thức có trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp xử lý điểm nóng về môi trường cũng như kiểm định chất lượng kết quả của các giải pháp; giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong việc không để tái diễn những điểm nóng môi trường đã xử lý, không để phát sinh mới những điểm ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh khẳng định, thành phố Đà Nẵng sẽ không bao giờ đánh đổi môi trường với việc phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu không nên nhân nhượng với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; cần xử lý ở mức cao nhất bất cứ cơ sở nào vi phạm về môi trường, nên áp dụng chế tài đóng cửa sau khi đã nhắc nhở, xử phạt 1, 2 lần.
ĐB Trần Tuấn Lợi chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Quang Nam: “Tình trạng ô nhiễm sông Phú Lộc, đặc biệt dọc hai tuyến đường Yên Khê 1 và Yên Khê 2 hiện vẫn là “điểm nóng” về môi trường, qua bao năm vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để, đề nghị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phải đưa ra biện pháp khắc phục một cách cụ thể”. Ông Lê Quang Nam cho biết, để xử lý mùi hôi sông Phú Lộc, trước mắt sẽ có giải pháp tình thế là phun chế phẩm khử mùi. Ông Nam thừa nhận, điểm nóng môi trường sông Phú Lộc gây bức xúc kéo dài cho người dân nhưng việc xử lý dứt điểm vẫn khó khăn do sự bất hợp lý về thiết kế hệ thống thu gom rác thải dọc đường Yên Khê 1 và Yên Khê 2. “Về giải pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Sở Xây dựng đánh giá, nghiên cứu việc thiết kế, quy hoạch hệ thống thu gom rác thải tại các tuyến đường này nhằm có sự bố trí hợp lý”, ông Nam nói.
Trước chất vấn của ĐB Cao Thị Huyền Trân về ô nhiễm môi trường tại các mỏ khai thác đất, đá trên địa bàn huyện Hòa Vang, ông Nam cho biết, thời gian tới, Sở sẽ kiểm tra, rà soát chặt chẽ các cơ sở khai thác. Trong khi đó, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng, số tiền 500 triệu đồng ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường như hiện nay còn thấp, đề nghị các cấp, ngành nghiên cứu nâng mức tiền ký quỹ đối với các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố. “Các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố hiện nay gây ô nhiễm nặng nề, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đây là vấn đề không mới, nhưng thiếu giải pháp quyết liệt, căn cơ. Tôi đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Hòa Vang tăng cường công tác phối hợp, xem xét kỹ việc cấp phép cho các mỏ khai thác mới; đồng thời đề nghị HĐND giám sát chặt chẽ vấn đề này để đem ra mổ xẻ, đánh giá kết quả thực hiện ở những kỳ họp tới”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.
Về vấn đề xả thải trực tiếp ra biển, ông Lê Quang Nam cho biết, những giải pháp hiện nay là phun chế phẩm khử mùi, giao cho Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đào, san lấp tại các cửa xả ven biển. “Tuy nhiên, vấn đề gây khó khăn ở đây là các cửa xả ven biển thiết kế không hợp lý, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng sẽ phối hợp, cùng tìm kiếm công ty, chuyên gia nhằm có phương án hỗ trợ công nghệ”, ông Nam nói.
Các đại biểu thảo luận bên lề kỳ họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Công tác quy hoạch bộc lộ bất cập
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Tô Văn Hùng đề nghị cần nâng cao năng lực lập đồ án quy hoạch và tuân thủ quy trình lập quy hoạch, thận trọng trong quy hoạch đô thị ở phía Tây của thành phố. Chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng, ông Tô Văn Hùng cho rằng, công tác quy hoạch hiện nay bộc lộ bất cập, gây tình trạng thiếu không gian xanh, trường học, công viên, nạn ùn tắc giao thông, vậy giải pháp khắc phục là gì, tiêu chí nào được gọi là khu đô thị (KĐT) sinh thái?
Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, sắp tới Sở sẽ tham mưu UBND thành phố xây dựng quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành với sự tham gia của nhiều sở, ngành khác để khắc phục những bất cập trong quy hoạch đô thị. Trước đó, thảo luận tại hội trường, ông Vũ Quang Hùng nói rằng, việc điều chỉnh đồ án quy hoạch có thể xuất phát từ các nguyên nhân: thay đổi chủ trương, nguyện vọng của nhà đầu tư, do hoàn cảnh cụ thể và nhu cầu của nhân dân, điều kiện tài chính chưa cho phép… “Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân khác như: triển khai quy hoạch quá nhanh, thông tin, số liệu chưa cập nhật đầy đủ, ý tưởng sáng tạo chưa chín muồi… dẫn đến sự bất cập trong triển khai một số dự án. Đây là điều cần rút kinh nghiệm”, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng nhận định. Về KĐT sinh thái, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, hiện tại ở Việt Nam chưa có định nghĩa nào cũng như tiêu chí về KĐT. Các nhà đầu tư dựa vào khái niệm, tiêu chí của nước ngoài rồi tự đặt ra tên gọi cho dự án đầu tư của mình.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Thu Hà về mật độ chung cư ở phường Nại Hiên Đông cao nhưng thiếu đất cho trường học, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thành phố đã bố trí 11 khu đất với tổng diện tích 30.000m2 để xây dựng trường học, đáp ứng được 40.000 người dân trong tương lai. Tuy nhiên, do thiếu quỹ đất và kinh phí đầu tư nên việc bố trí 25% diện tích cho cây xanh, bãi đỗ xe ở nhiều khu chung cư tại thời điểm xây dựng chưa được xem xét. Trong thời gian đến, khi triển khai xây dựng các khu chung cư mới, Sở sẽ tham mưu bảo đảm đủ các tiêu chí này.
Về việc cấp phép nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc sai quy chuẩn về khoảng cách cách ly với khu dân cư, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, hai doanh nghiệp này đang phối hợp với các ngành triển khai các biện pháp khắc phục.
Coi tội phạm là mục tiêu săn đuổi
Trước bức xúc của người dân về tình trạng trộm cắp tài sản, tội phạm cố ý gây thương tích, tội phạm ma túy ngày càng tinh vi và phức tạp, ĐB Lê Thanh Hải đề nghị thành phố cần giám sát các đơn vị thực hiện tốt bộ tiêu chí đánh giá an ninh trật tự; tăng cường phối hợp tốt giữa các cơ quan về quản lý người nước ngoài và các dự án có yếu tố nước ngoài; tuyên truyền nâng cao cảnh giác, phòng chống tội phạm; chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt ở cơ sở để bảo vệ an ninh trật tự. ĐB Nguyễn Bá Cảnh đề nghị Công an thành phố tăng cường kiểm tra, quản lý chặt việc tạm trú, tạm vắng trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, bên cạnh việc thực hiện chương trình “5 không, 3 có” và thành phố “4 an”, UBND thành phố và ngành Công an cần tăng cường quản lý địa bàn khu dân cư và đối tượng; đồng thời xây dựng lực lượng dưới cơ sở đủ mạnh và ra quân trấn áp tội phạm. Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh khẳng định, thành phố không thể để Đà Nẵng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm. Bên cạnh việc truy bắt tội phạm, các cán bộ, chiến sĩ Công an phải có đạo đức trong sáng, coi tội phạm là mục tiêu săn đuổi để xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Đại biểu Trần Đình Hồng cho rằng, người dân Hòa Vang hiện rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác đất, đá ở xã Hòa Nhơn phục vụ các dự án. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
58 điểm ngập, mới xử lý 8 điểm
Chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng, ĐB Lê Minh Trung nêu thực trạng thành phố có đến 58 điểm ngập úng vào mùa mưa nhưng trong nhiều năm qua mới chỉ xử lý được 8 điểm, nhiều điểm ngập đã đưa ra thời hạn giải quyết vào nghị quyết của HĐND thành phố nhưng xử lý rất chậm, thậm chí có điểm ngập phải mất một nhiệm kỳ mới xử lý được.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận công tác xử lý các điểm ngập úng hiện nay rất chậm. Nguyên nhân chậm là kinh phí phục vụ các công trình xử lý ngập úng phần lớn phải vay của Ngân hàng Thế giới, phụ thuộc vào kế hoạch giải ngân. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh đồng tình việc các công trình xử lý ngập úng cần vốn lớn nhưng đề nghị Sở Xây dựng phân loại các điểm ngập cần xử lý cấp bách, điểm nào xử lý sau và phải có mốc thời gian giải quyết dứt điểm ngập úng.
Chất vấn Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), ĐB Phùng Phú Phong đặt vấn đề về giải pháp chống ùn tắc giao thông như thế nào trước tình hình gia tăng rất nhanh về phương tiện cá nhân, thành phố có lộ trình giảm phương tiện giao thông cá nhân chưa. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung khẳng định: Tại Đà Nẵng, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm đang xuất hiện nhiều. Nguyên nhân do hạ tầng giao thông chưa theo kịp, đường chủ yếu có 2 làn, dự báo gia tăng số lượng phương tiện chưa tốt, trong hơn 3.000 nút giao thông chỉ có 3 nút khác mức, còn lại là cùng mức; du khách tập trung về Đà Nẵng nhiều, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Thành phố đã triển khai các giải pháp trước mắt để hạn chế ùn tắc giao thông. Nhằm phát triển giao thông công cộng, Sở đã triển khai 11 tuyến đường có xe buýt công cộng và đến năm 2018 sẽ tăng thêm 10 tuyến đường nữa. Đồng thời, Sở đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông thành phố đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.
Siết chặt quản lý du lịch
Tại phiên thảo luận, ĐB Huỳnh Minh Chức đề nghị thành phố có chế tài xử lý mạnh đối với các cá nhân có hành vi ảnh hưởng đến môi trường du lịch; hướng dẫn viên (HDV) du lịch nước ngoài hoạt động chui, diễn giải không đúng lịch sử, địa lý nước Việt Nam. Song song đó, ĐB kiến nghị lãnh đạo thành phố nghiên cứu đề án thành lập cảnh sát du lịch nhằm bảo vệ môi trường du lịch Đà Nẵng văn minh, thân thiện.
Trả lời chất vấn của ĐB Lê Thanh Hải về vấn đề quản lý hoạt động lữ hành, Giám đốc Sở Du lịch Ngô Quang Vinh cho biết, thời gian qua, lượng khách Hàn Quốc và Trung Quốc đến Đà Nẵng tăng đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách Trung Quốc đến thành phố ước đạt 211.000 lượt, khách Hàn Quốc ước đạt 217.000 lượt. Theo ông Ngô Quang Vinh, để quản lý hoạt động du lịch, Sở đã phối hợp cùng các ban, ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra xác định các đơn vị, cá nhân có nghi vấn hoạt động lữ hành, HDV trái phép trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành, khách sạn, HDV Việt Nam có hành vi tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động lữ hành quốc tế trái phép; tiếp tục theo dõi các trường hợp người nước ngoài hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế trái phép đã xử lý, nhắc nhở; nếu phát hiện tái phạm thì đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiến hành các biện pháp trục xuất, cấm nhập cảnh.
Trong khi đó, về phát triển du lịch đường sông, đường biển, ĐB Trần Công Thành cho rằng: “Sau những sự việc đáng tiếc vừa qua, thiết nghĩ Sở nên có lộ trình dài hạn để phát triển du lịch trong lĩnh vực này”. Giám đốc Sở Du lịch Ngô Quang Vinh cho biết, Sở sẽ xem xét, nghiên cứu triển khai các dịch vụ hai bên bờ sông, xây dựng thêm cầu cảng cho tàu neo đậu, nâng cấp các bến thuyền du lịch. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh trăn trở: “Du khách đến Đà Nẵng vẫn còn than buồn vì thiếu địa điểm vui chơi về khuya, cần phải xem xét, cho phép mở cửa các địa điểm vui chơi giải trí quá giờ quy định để phục vụ du khách”.
Sáng nay (11-8), phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiếp tục diễn ra vào buổi sáng.
Công trình khách sạn 18 không ảnh hưởng Nhà trưng bày Hoàng Sa Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Công Thành về công trình khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp, trước Đồn Biên phòng Sơn Trà có ảnh hưởng đến Nhà trưng bày Hoàng Sa và có tính đến yếu tố quốc phòng- an ninh không, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, đây là công trình khách sạn 18 tầng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Hiếu nằm trên vệt quy hoạch thương mại - dịch vụ đã được UBND thành phố phê duyệt năm 2010. Theo thiết kế, công trình này cách Nhà trưng bày Hoàng Sa đến 24m nên không có ảnh hưởng gì và được cấp phép xây dựng từ ngày 8-8-2016. Còn Nhà trưng bày Hoàng Sa đã có 3 mặt tiền thông thoáng và công trình này đã hai lần thay đổi vị trí. Bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân ĐB Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, hiện nay, các dự án đầu tư về nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp chưa được triển khai, thiếu nhà trẻ và thiết chế văn hóa tinh thần cho công nhân. Do đó, thành phố cần quan tâm bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở, nhà trẻ, thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động; quan tâm đầu tư kinh phí cùng với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; có chính sách phát triển cơ sở giáo dục mầm non cho con em người lao động. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị thành phố sớm rà soát lại quy hoạch, dành riêng những khu có điều kiện tiện ích cho công nhân như trường học, chợ… và có cơ chế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời đưa vấn đề này vào nhiệm vụ 6 tháng cuối năm để giám sát. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền Về vấn đề phân cấp, phân quyền, ĐB Trần Đình Hồng cho rằng, chỉ còn 4 tháng nữa Đà Nẵng sẽ kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương. ĐB đề nghị thành phố mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cũng đồng tình với ý kiến này và lưu ý, khi phân cấp, phần quyền phải gắn với việc giao trách nhiệm cho địa phương. Đồng thời, Chủ tịch HĐND thành phố cũng cho rằng, cần giao một phần vốn, ngân sách về cho quận, huyện để giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, cần phân cấp mạnh hơn nữa việc thu thuế doanh nghiệp hoặc giao dịch đất đai về cho địa phương để các quận, huyện có thêm nguồn thu. |
NHÓM PHÓNG VIÊN