.

Nghị trường "nóng" nhiều vấn đề bức xúc

.

Chiều 9-8, HĐND thành phố khoá IX chia thành 3 tổ để thảo luận trên cơ sở những vấn đề do Thường trực HĐND thành phố gợi ý. Các ý kiến thảo luận tập trung vào các vấn đề: xúc tiến đầu tư, chống thất thu thuế, quy hoạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trật tự giao thông…

Các đại biểu thảo luận tại tổ. 					  Ảnh: ĐẶNG NỞ
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Nan giải thu hút đầu tư, chống nợ thuế

Về vấn đề thu hút đầu tư, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Như Hoa cho rằng công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng; xúc tiến đầu tư trong 6 tháng đầu năm không những không tăng mà còn âm 4,3 triệu USD. Do đó, thành phố cần quan tâm hỗ trợ cho những nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại thành phố; nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung nguồn lực để xây dựng thành phố khởi nghiệp bằng những chính sách cụ thể. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Đức Trị đề nghị thành phố cần đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp (DN), trong đó tập trung thực hiện Đề án phát triển DN đến năm 2020. ĐB Nguyễn Bá Cảnh cho rằng phải đổi mới mạnh mẽ hơn hoạt động xúc tiến đầu tư.

Trong khi đó, ĐB Võ Văn Thương bày tỏ lo ngại tình trạng nợ thuế có xu hướng gia tăng, nợ toàn ngành thuế là 1.740 tỷ đồng; vì vậy thành phố cần có giải pháp chống thất thu, nợ đọng thuế. ĐB Lê Văn Quang cho rằng, hiện nay chính sách hỗ trợ DN thiếu đồng bộ trong cơ chế và sự phối hợp giữa các ngành nên DN khó tiếp cận và chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều quỹ hỗ trợ DN chưa được giải ngân, chẳng hạn như Quỹ Khoa học công nghệ, Quỹ Hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ...

Vì vậy, từ nay đến cuối năm, thành phố cần tìm ra các giải pháp cụ thể hơn, tạo sự phối hợp ăn ý để sử dụng hiệu quả các nguồn quỹ. Bên cạnh đó, phải xác định DN nào cần hỗ trợ và hỗ trợ như thế nào để giúp đỡ DN thiết thực hơn. ĐB Nguyễn Thị Thúy Mai cũng cho rằng, ngành công thương cũng có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ DN nhưng hiệu quả chưa cao; do đó, cần rà soát, xem xét lại các đề án hỗ trợ DN sao cho phù hợp; nếu không cần thiết thì hủy bỏ để tập trung làm cho các chương trình tốt hơn.

Phải quan tâm đời sống nhân dân sau khi quy hoạch

ĐB Lê Xuân Hòa nêu thực trạng thành phố có quá nhiều dự án chậm triển khai gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Trong quá trình chỉnh trang đô thị, người dân đã đồng thuận cùng chia sẻ với thành phố nhưng đời sống nhân dân trong những vùng quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức”, ĐB Hòa nói và cho rằng nguyên nhân là do sự bất cập trong khớp nối quy hoạch.

Cuối năm 2014, thành phố có 58 điểm ngập úng và đã được đưa vào Nghị quyết của HĐND thành phố về việc xóa các điểm ngập nhưng mãi đến tháng 6-2016 mới chỉ xóa được 8 điểm. ĐB Nguyễn Thành Tiến nêu thêm: Chưa khớp nối quy hoạch là thực hiện chưa đúng quy định rằng sau khi có quy hoạch chung 30 ngày thì phải có quy hoạch phân khu.

Thực tế có dự án mất gần 3 năm sau mới có quy hoạch phân khu. Chính vì những bất cập trong công tác quy hoạch dẫn đến đầu tư dàn trải, thiếu tập trung và hệ lụy là xuất hiện nhiều dự án treo, dự án chậm triển khai, gây bức xúc cho người dân trong vùng quy hoạch. Một thực trạng khác là khi quy hoạch chỉ chú trọng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, thiếu quan tâm quy hoạch hạ tầng xã hội, dẫn đến các khu dân cư mới thiếu diện tích đất dành cho trường học, công viên, thiết chế văn hóa, cơ sở y tế… ĐB Huỳnh Đức Thơ cho rằng, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa là xuất phát từ nhu cầu của các quận, huyện, phường, xã. Do đó, các địa phương cần xem xét, cân nhắc trong việc đề xuất xây dựng các thiết chế văn hóa, cái gì cần thiết thì làm, còn không cần thiết thì thôi để tránh lãng phí.

Các đại biểu thảo luận tại tổ. 					  Ảnh: ĐẶNG NỞ
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Chưa xử lý triệt để các điểm nóng ô nhiễm

Đề cập vấn đề xử lý các điểm nóng môi trường chưa triệt để, ĐB Tiến nêu điển hình là việc xử lý nước rỉ từ bãi rác Khánh Sơn do Công ty TNHH Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc Việt đảm nhận chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam kéo dài từ năm 2009 đến nay nhưng vẫn không khắc phục. Nên chăng thành phố có chế tài xử phạt doanh nghiệp này.

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Thương cho biết, khó khăn nhất trong xây dựng nông thôn mới vẫn là việc giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường ở các mỏ khai thác đất, đá trên địa bàn xã Hòa Nhơn. Theo ông Thương, trước mắt huyện sẽ thực hiện việc tưới nước tất cả tuyến đường để tránh bụi, ô nhiễm, đồng thời kiến nghị thành phố xem xét, nghiên cứu việc di dời người dân trong khu vực ô nhiễm để tránh ảnh hưởng. Ông Thương cũng đề nghị thành phố hỗ trợ, tăng cường lực lượng chức năng cùng phối hợp với UBND huyện Hòa Vang nhằm xóa triệt để tình trạng khai thác vàng trái phép ở xã Hòa Bắc.

ĐB Lê Thị Mỹ Hạnh cho rằng hướng đến xây dựng thành phố môi trường vào năm 2020, thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho nhiều dự án, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Nhưng nhìn từ thực tiễn thì đến nay vẫn còn quá xa so với mục tiêu đề án đề ra. Do đó, thành phố cần đầu tư thích đáng về nguồn lực mới có thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. ĐB đề nghị HĐND thành phố đưa vào chương trình giám sát trong năm 2017.

Cần làm chuyển biến rõ nét về an toàn vệ sinh thực phẩm

ĐB Võ Văn Thương băn khoăn về báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa-Xã hội đánh giá thực phẩm bẩn tràn lan. “Cần đánh giá đúng mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh gây ảnh hưởng đến du lịch của thành phố”, ĐB Thương nói. ĐB Nguyễn Thị Thu Hà cho hay trên 80% thực phẩm được cho là an toàn nhưng vẫn còn một số cơ sở kinh doanh thực phẩm ở trung tâm thành phố đến nay chưa dám bán hải sản. Thành phố cần công bố mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm cho cử tri thành phố biết.

ĐB Ngô Thị Kim Yến đồng tình và cho rằng thành phố đã làm rất mạnh mẽ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, hằng tuần đoàn công tác của thành phố đi kiểm tra và xử phạt các cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chưa công bố kết quả xử lý. ĐB cũng nêu hạn chế của công tác này nói chung trong cả nước là cả 3 ngành y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bữa ăn của người dân.

Hi vọng rằng chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố với UBND thành phố vừa ký kết triển khai sẽ làm chuyển biến rõ nét về an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian đến. Một số ý kiến khác đề nghị thành phố tăng cường thêm nguồn nhân lực cho công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vì hiện nay khối lượng công việc quá nhiều.

Quy hoạch mạng lưới trường học nội thị

Về vấn đề giáo dục, ĐB Lê Minh Trung cho rằng, để thực hiện chủ trương học 2 buổi/ngày, hiện nay nhiều trường học phải lấy sân chơi của nhà trường để xây dựng mở rộng trường học nên không gian nhà trường ngày càng thu hẹp, do đó cần có quy hoạch mạng lưới trường học.

Còn theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đình Vĩnh, việc sửa chữa, mở rộng trường học để đáp ứng nhu cầu dạy 2 buổi/ngày tạo ra một khối lượng lớn công việc cần giải quyết như sân chơi, chương trình học, giáo viên… Hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn một số công trình trường học triển khai chậm và dự kiến đến hết tháng 12-2016 mới xong, do đó đề nghị thành phố tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình đang triển khai.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất thành phố chuyển đổi công năng một số trung tâm giáo dục thường xuyên không hiệu quả sang trường học để phù hợp với quy hoạch tổng thể mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn quận Liên Chiểu còn hai trường quá tải học sinh do mật độ dân cư tăng, cho nên việc chuyển đổi công năng một số trung tâm giáo dục thường xuyên thành trường học là cần thiết để giảm tải học sinh ở một số địa phương.

Ngoài ra, theo ĐB Lê Minh Trung, việc tăng mức học phí đối với các trường cao đẳng nghề là không phù hợp mà cần khuyến khích học sinh học nghề. Tuy nhiên, ĐB Trần Chí Cường cho rằng, việc miễn học phí học nghề cho học sinh sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhưng các trường nghề không chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố mà cho cả khu vực. Do đó, thành phố cần có chính sách khác sẽ phù hợp hơn. ĐB Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố, cũng cho rằng, việc tăng mức học phí đối với các trường cao đẳng nghề là nên làm để tiến tới việc tự chủ, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy nhằm tạo ra những người thợ có kỹ năng chuyên môn cao.

Quan tâm đúng mức cho văn hóa, đời sống công nhân

Về phát triển văn hóa-du lịch, ĐB Lê Trung Chinh cho rằng, việc xây dựng thiết chế văn hóa trong thời gian qua được quan tâm đúng mức, tuy nhiên việc sử dụng chưa hiệu quả, do đó đề nghị thành phố tổng rà soát tất cả nhà sinh hoạt cộng đồng tại các tổ dân phố, nên gom nhiều tổ dân phố vào một nhà sinh hoạt nhất định, tránh tình trạng dư thừa, không sử dụng hết công năng. Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Huỳnh Văn Hùng đề nghị thành phố cần nghiên cứu bảo vệ di tích thành Điện Hải vì đây là di tích lịch sử có một không hai ở Việt Nam. Hiện có tình trạng vi phạm di tích của 28 hộ dân, 38 công trình xây dựng trên tường thành.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Bùi Văn Tiếng đề nghị khôi phục lại việc treo cờ trên nóc tòa thị chính nay là trụ sở của HĐND thành phố bởi đây là nơi lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận đã hai lần (chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ-PV) nhiều thế hệ người Việt Nam phải hy sinh rất nhiều xương máu mới cắm được lá cờ chiến thắng tại đây. Ông hy vọng vào dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm nay sẽ có 2 lá cờ (cờ Đảng và cờ Tổ quốc) tung bay tại vị trí này.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị thành phố cần có sự quan tâm đối với đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động trên địa bàn thành phố. Thực trạng hiện nay có tới 3.600 DN nợ BHXH và nhiều DN nợ từ 30-66 tháng. Chính việc nợ BHXH gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Nên chăng có chính sách khoanh nợ đối với DN thực sự khó khăn, cho phá sản đối với DN không còn khả năng trả nợ BHXH và tài sản thanh lý được ưu tiên giải quyết chế độ cho người lao động. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có 19.000 công nhân đang ở thuê trong những căn nhà trọ chật hẹp, kém chất lượng, khi có bão phải sơ tán; đời sống tinh thần cũng rất nghèo nàn. Thành phố cần có quy định về tiêu chuẩn đối với nhà trọ cho công nhân thuê, quan tâm xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư có nhiều nhà trọ để phục vụ cho cả công nhân.

Phải kiên quyết thu hồi dự án “treo”

Đại biểu Lê Thị Mỹ Hạnh nhấn mạnh, theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách, đến nay thành phố mới thu hồi một dự án ven biển, vậy trong thời gian tới, thành phố có tiếp tục thu hồi các dự án ven biển nữa hay không. ĐB Lê Trung Chinh cũng nêu lên thực trạng nhiều dự án chậm triển khai trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), đề nghị thành phố cần khẩn trương xem xét, thu hồi các dự án này. Trong khi đó, ĐB Huỳnh Minh Chức đề nghị thành phố khi cấp phép cho các dự án nước ngoài cần chú trọng đến việc bảo đảm an ninh quốc gia, tài nguyên môi trường, đặc biệt đối với các dự án ven biển.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn cho biết, đến nay trên địa bàn thành phố có 22 dự án đầu tư nước ngoài chậm triển khai, trong đó có 14 dự án ven biển và 8 dự án nằm ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, để thực hiện thu hồi dự án phải trải qua nhiều quy trình đúng theo quy định của luật pháp. Hiện nay, hầu hết các dự án chậm triển khai đã gia hạn tiến độ và thực hiện triển khai lại.

Đề nghị có chỗ ngồi và bảng tên cho đại biểu huyện Hoàng Sa

Tại buổi thảo luận, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Bùi Văn Tiếng đề nghị HĐND thành phố phải bố trí chỗ ngồi và có bảng tên đại diện HĐND thành phố đại diện huyện Hoàng Sa là ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ. Ông Đồng phải được ngồi ở vị trí ngang hàng với đại biểu HĐND thành phố là tổ trưởng Tổ đại biểu của 7 quận, huyện kia.

Ông Bùi Văn Tiếng cũng đề nghị HĐND thành phố xem xét đổi đất để di dời công trình khách sạn cao 22 tầng đang được xây dựng gần Nhà trưng bày Hoàng Sa (chỉ cao 18 mét).

S.TRUNG-Q.KHẢI-ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.