Chính trị - Xã hội

Niềm hy vọng cho nạn nhân bom mìn

08:29, 22/08/2016 (GMT+7)

Ngày 25-8-2016, Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Chi hội) sẽ ra mắt theo quyết định thành lập của Trung ương Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Thời gian qua, Chi hội có nhiều hoạt động thiết thực trong tuyên truyền về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn; đồng thời có những chương trình hành động nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân trên địa bàn thành phố.

Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng tặng bò giống phát triển kinh tế cho nạn nhân Phạm Văn Lưỡng (trú thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang).
Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng tặng bò giống phát triển kinh tế cho nạn nhân Phạm Văn Lưỡng (trú thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang).

Hiện nay, Chi hội đã kết nạp được 40 hội viên, mỗi hội viên là một tuyên truyền viên về hậu quả bom mìn tại các địa phương, đơn vị. Chi hội còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn, biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế tối đa hậu quả do bom mìn gây ra. Thông qua công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của người dân về thực trạng hậu quả của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chi hội là hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bom mìn. Qua khảo sát, tại Đà Nẵng, có 483 trường hợp là nạn nhân của bom mìn, hầu hết các nạn nhân phải mang thương tật suốt đời. Nhiều nạn nhân sau khi gặp tai nạn đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bản thân cũng không có công ăn việc làm ổn định, phải sống dựa vào sự trợ dưỡng của người thân.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, cùng với nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, có những trường hợp đã vươn lên thoát nghèo, có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Tuy vậy, những nạn nhân bị thương tật nặng nề vẫn cần nhiều hơn nữa sự chung tay, góp sức của cộng đồng để có cuộc sống ổn định.

Với những hoàn cảnh khó khăn, Chi hội thường xuyên thăm hỏi, động viên và tư vấn phương pháp để phát triển kinh tế gia đình. Qua quá trình tìm hiểu, khảo sát, Chi hội tham mưu, đề xuất với Trung ương Hội nhằm hỗ trợ bò giống, phương tiện sinh kế cho 20 nạn nhân khó khăn nhất. Anh Phạm Văn Lưỡng (thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), một nạn nhân của bom mìn cho biết: “Năm 1976, trong một lần khai hoang mở đất tại địa phương, không may gặp phải mìn nổ khiến bản thân bị mù hai mắt và nhiều thương tật trên cơ thể.

Từ đó đến nay, cuộc sống gia đình rất khó khăn, dù đã làm nhiều nghề mưu sinh nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Giờ được Chi hội hỗ trợ con bò giống, tôi sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt, làm động lực để gia đình phát triển kinh tế bền vững trong tương lai”.

Thời gian tới, Chi hội tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các quận, huyện khảo sát thêm nhiều trường hợp nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn để giúp họ ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, Chi hội còn tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức, ủng hộ vào quỹ khắc phục hậu quả bom mìn, tạo thành phong trào thiết thực giúp đỡ nạn nhân. “Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn thành phố chính là cầu nối nhân ái giữa các cá nhân, tổ chức từ thiện với nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn.

Mong rằng với sự chia sẻ, giúp đỡ này, các nạn nhân sẽ vượt lên nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống”, Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5, Chi hội trưởng Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn thành phố cho biết.

THANH HOÀNG

.