.

Ông Trịnh Xuân Thanh để thua lỗ nghìn tỷ: Cần xét trách nhiệm hình sự

.

Cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm hình sự của ông Trịnh Xuân Thanh với tư cách người đứng đầu PVC trong việc để thất thoát, thua lỗ gần 3.300 tỷ.

Ông Trịnh Xuân Thanh-nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang
Ông Trịnh Xuân Thanh-nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

Như tin đã đưa, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về báo cáo nội dung liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang).

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại văn bản số 1578 về việc chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ Công an điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng giai đoạn 2011 - 2013 tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), báo cáo Tổng Bí thư và Thủ tướng.

Năm 2009, ông Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Vốn là một trong những tổng công ty chủ lực của Tập đoàn Dầu khí, PVC đã đột ngột trở thành một trong những đơn vị kinh doanh thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng trong 2 năm 2012-2013.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thời gian 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế; đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Những vi phạm, thua lỗ này là nghiêm trọng. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm này. 

Còn theo báo cáo của Ban kiểm soát tại Đại hội cổ đông thường niên PVC năm 2013, khoản thua lỗ của công ty chủ yếu do các khoản trích lập dự phòng. Các công trình có hiệu quả kinh tế thấp, gây lỗ do chưa có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ đề xuất, đánh giá toàn diện khối lượng và dự toán các gói thầu nên dẫn đến công trình phát sinh nhiều. Công tác quản lý và sử dụng vốn của Tổng công ty và các đơn vị thành viên đạt hiệu quả chưa cao…

Những hành vi sai phạm cụ thể, nguyên nhân và trách nhiệm của từng chủ thể trong các sai phạm gây thua lỗ, thất thoát tài sản của nhà nước lên đến hơn 3.200 tỷ đồng cần được các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ.

Với những kết luận ban đầu, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự, Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng trách nhiệm hình sự đối với ông Trịnh Xuân Thanh với tư cách người đứng đầu Tổng công ty trong việc để ra thất thoát, thua lỗ cần được nghiêm túc xem xét.

“Việc để thất thoát một số tiền lớn như vậy, cơ quan điều tra chắc chắn phải vào cuộc trả lời nguyên nhân vì sao. Có thể là lãng phí hay cố ý làm trái hay tham ô, lừa đảo… Tôi tin rằng sau khi cơ quan điều tra vào cuộc sẽ tìm ra được dấu hiệu tội phạm trong việc để thất thoát gần 3.300 tỷ. Có thể đây là vụ án tham nhũng lớn”, ông Đinh Văn Quế nói.

Liên quan đến hành vi gây thất thoát tài sản của nhà nước, sau khi xác định nguyên nhân, tùy tính chất, mức độ hành vi, hậu quả, lỗi của các chủ thể, dấu hiệu về khách thể của tội phạm… là cơ sở để xác định tội danh, hình phạt khác nhau.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành thì có các tội danh đối với hành vi gây thất thoát, tài sản của nhà nước như tội tham ô, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc một trong các tội thuộc nhóm tội phạm kinh tế… Tuy nhiên, khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, chính sách hình sự xử lý hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước cần thay đổi.

Theo luật sư, phải quy định chi tiết hơn các hành vi gây thất thoát tài sản. Các tội tham ô, tham nhũng thì đã rõ nhưng cũng có trường hợp lại chưa rõ mà chỉ thấy hậu quả thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Cần quy định rõ trách nhiệm hình sự của người đứng đầu, người ký phê duyệt, người lập dự toán như thế nào, không như hiện nay thì vẫn buông lỏng, không cụ thể hành vi nên khi truy cứu trách nhiệm hình sự rất khó.

Các hành vi gây thất thoát tài sản của nhà nước thường để lại hậu quả nghiêm trọng với số tiền thất thoát lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Vì thế, chính sách hình sự cần cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn. Theo Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đăng Dung, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, không chỉ trong các quy định và trong xử lý hình sự đối với các chủ thể, đặc biệt đối với người đứng đầu để xảy ra thất thoát, thua lỗ tài sản nhà nước cần đảm bảo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

“Dư luận lên án việc một quan chức có thể tham ô hàng tỷ đồng có thể không bị tù giam nhưng người dân bình thường trộm cắp 500.000 đồng cũng có thể bị tù giam. Cho nên làm sao phải có sự công bằng trong xét xử. Công bằng là một trong những nội dung cơ bản được đề cập trong Hiến pháp. Công lý tức là công bằng”, GS.TS Nguyễn Đăng Dung nói.

Một nền tư pháp trong sạch, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân và mang lại cho người dân niềm tin vào công lý khi mà những nguyên tắc quan trọng được bảo đảm thực thi nghiêm. Đó là nguyên tắc không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Theo đó, không có vùng cấm hay sự khác biệt nào trong xét xử trách nhiệm hình sự, chỉ có tính thượng tôn pháp luật được đề cao.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.