Chính trị - Xã hội

Trụ sở làm việc của Thành ủy là biểu tượng của thành phố Đà Nẵng

08:13, 25/08/2016 (GMT+7)

Sau khi Báo Đà Nẵng số ra ngày 24-8 đăng bài “Dự án mở rộng trụ sở Thành ủy: Hợp lý và đồng thuận cao”, tiếp tục có nhiều ý kiến đồng ý với việc di dời trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố (số 70 Bạch Đằng) và cho rằng chủ trương vừa giải quyết vấn đề bức thiết của trụ sở Thành ủy hiện nay, vừa đem lại cơ sở vật chất khang trang hơn, rộng rãi hơn cho Mặt trận thành phố.

Ông Nguyễn Thành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng:

Khi ông Lê Đào, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng còn làm việc tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố hiện nay, trần nhà đã từng đổ sập. Trụ sở này đã xuống cấp từ hồi đó và gây nguy hiểm cho cán bộ làm việc tại đây. Từ đó đến nay, công tác sửa chữa được tiến hành theo kiểu chắp vá. Cải tạo lại nơi này để mở rộng trụ sở Thành ủy là cần thiết.

Ông Phạm Phát, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng:

Trụ sở làm việc của Thành ủy là biểu tượng của thành phố Đà Nẵng với bạn bè trong nước và quốc tế. Việc cải tạo, mở rộng trụ sở khang trang, hiện đại, bảo đảm công tác điều tiết giao thông, bảo đảm an ninh khi đón tiếp các đoàn lãnh đạo Trung ương, bạn bè, đối tác quốc tế là rất cần thiết. Đây không phải là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, việc này “gạo đã thành cơm” rồi. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải làm cho “cơm” phải thật ngon hơn thôi.

Ông Lê Tự Cường, Chủ nhiệm CLB Thái Phiên:

Trong suốt những năm còn đương chức, bản thân tôi đã từng nhiều lần đến làm việc tại trụ sở số 70 Bạch Đằng, tôi nhận thấy rằng với khối lượng công việc như hiện nay thì trụ sở cũ của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố không thể đáp ứng được, thậm chí gây quá tải. Sự xuống cấp là điều dễ nhận thấy vì tòa nhà đã hơn 100 năm tuổi, nếu cơi nới, sửa chữa thêm cũng chẳng đâu vào đâu. Do đó, theo tôi, chủ trương di dời trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố từ 70 Bạch Đằng sang khu nhà 10-12 Trần Phú để mở rộng Thành ủy là chủ trương hợp lý, vừa giải quyết vấn đề bức thiết của trụ sở Thành ủy hiện nay, vừa đem lại cơ sở vật chất khang trang hơn, rộng rãi hơn cho Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, tương xứng với vị thế của nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

KTS Trần Văn Hoàng, Trưởng ban Quy hoạch, xây dựng và môi trường, Ban quản lý Khu công nghệ cao:

Là người đã từng tham gia thực hiện đề tài khoa học “Đánh giá các công trình kiến trúc cũ có giá trị của thành phố Đà Nẵng và các giải pháp bảo tồn, tu tạo, khai thác sử dụng” (năm 2006) do PGS.TS.KTS Phạm Đinh Việt làm chủ nhiệm, dựa theo các tiêu chí đánh giá sau: giá trị văn hóa-lịch sử, giá trị về tuổi, giá trị nghệ thuật công trình, giá trị về vị trí, giá trị sử dụng, khu nhà số 70 Bạch Đằng không nằm trong số 16 công trình công cộng cần bảo tồn. Tôi xin nói rõ rằng, không phải bất cứ công trình nào nhiều tuổi cũng là công trình có giá trị, nếu muốn khẳng định phải thực hiện việc nghiên cứu, đánh giá qua nhiều tiêu chí, công trình khoa học. Bên cạnh đó, tôi cho rằng có những cổ vật vô giá, có những vật cổ chỉ là do… tồn tại lâu năm không nhiều giá trị. Kiến trúc nhà cổ ở Đà Nẵng còn nhiều cái rất đáng giữ gìn, tồn tại rải rác ở đường Trần Phú, Lê Lợi, Pasteur, Trưng Nữ Vương, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Bạch Đằng… như đề tài khoa học ở trên đã đề cập.

Bà Trương Thị Kép, tổ 169, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ:

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nắm rõ về chủ trương di dời nơi làm việc của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tại số 70 Bạch Đằng nhằm mở rộng trụ sở Thành ủy. Bên cạnh đó, tôi cũng được biết rằng các cơ quan chức năng thành phố đã đánh giá và kết luận trụ sở đã xuống cấp, không thể tiếp tục làm việc cũng như không thể bảo tồn vì không có giá trị về mặt kiến trúc. Về vấn đề này, theo tôi, một khi trụ sở đã xuống cấp thì khó có thể giải quyết được công việc một cách hiệu quả, chưa kể về lâu dài có thể ảnh hưởng đến tính mạng người làm việc tại đây. Về mặt tình cảm, khu nhà 70 Bạch Đằng đã gắn bó lâu dài trong tâm thức người dân thành phố, nếu đập bỏ đi sẽ gây chút tiếc nuối, nhưng nếu giữ lại thì cũng không thể tôn tạo, do đó việc di dời nơi làm việc của Mặt trận thành phố để mở rộng trụ sở Thành ủy cũng là điều phù hợp.

SƠN TRUNG-QUỐC KHẢI ghi

.