.

Bảo đảm điều kiện làm việc của HĐND quận, huyện

.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho biết, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sau khi tái lập HĐND các quận, huyện nhiệm kỳ 2016-2021, theo chủ trương của HĐND thành phố, các địa phương triển khai các bước rà soát thực trạng điều kiện làm việc để đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới trụ sở HĐND quận, huyện nhằm đáp ứng yêu cầu công tác, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương.

Phòng làm việc tạm của các ban HĐND quận Liên Chiểu.
Phòng làm việc tạm của các ban HĐND quận Liên Chiểu.

Thiếu phòng làm việc  

Qua tìm hiểu thực tế, Trung tâm Hành chính (TTHC) quận Liên Chiểu được xây dựng từ hơn 18 năm trước (1998), do vậy, trước khi tái lập HĐND quận khóa IV, nhiệm kỳ 2016-2021, địa phương thiếu phòng làm việc ở một số đơn vị. Trước thực trạng trên, kèm với dự báo sau khi tái lập HĐND quận Liên Chiểu sẽ thiếu nhiều phòng làm việc, ngày 18-1-2016, UBND quận Liên Chiểu có tờ trình xin chủ trương đầu tư công trình trụ sở HĐND quận Liên Chiểu trong khu quy hoạch TTHC quận Liên Chiểu.

Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành khảo sát thực trạng các khối nhà làm việc của TTHC và cho biết UBND quận Liên Chiểu đang thiếu 517m2 diện tích làm việc, chưa tính nhu cầu phòng làm việc của HĐND quận.

Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND thành phố đồng ý chủ trương theo phân cấp, cho địa phương đầu tư nguồn vốn hơn 4,9 tỷ đồng để xây dựng công trình trụ sở HĐND quận Liên Chiểu.

Ngày 29-2-2016, Chủ tịch UBND thành phố có văn bản thống nhất theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời giao UBND quận Liên Chiểu rà soát nhu cầu thực tế, tổ chức triển khai việc đầu tư xây dựng công trình trụ sở HĐND quận Liên Chiểu từ vốn ngân sách thành phố đã phân bổ cho quận, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả theo quy định.  

Theo ông Dương Thành Thị, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểu, sau kỳ họp thứ nhất đến nay, hoạt động của HĐND quận gặp không ít trở ngại do phải ghép phòng làm việc các ban: Kinh tế-Xã hội, Pháp chế và chuyên viên chung một phòng.

Phòng làm việc của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch HĐND quận cũng chỉ bố trí tạm thời. “Công trình trụ sở HĐND quận Liên Chiểu bao gồm các phòng làm việc Thường trực HĐND, phòng họp nhỏ, phòng tiếp công dân, phòng văn thư lưu trữ, văn phòng... dự kiến đưa vào hoạt động cuối tháng 9-2016 sẽ góp phần bảo đảm yêu cầu làm việc của HĐND quận và giảm tình trạng thiếu phòng ở khu nhà UBND quận”, ông Dương Thành Thị cho hay.

Công khai, minh bạch chủ trương đầu tư  

Tình trạng thiếu phòng làm việc và phải bố trí ghép phòng làm việc các ban và chuyên viên HĐND cũng diễn ra ở huyện Hòa Vang. Để khắc phục tình trạng này, phòng họp tầng 1 của UBND huyện Hòa Vang được ngăn làm đôi để bố trí các phòng làm việc cho HĐND huyện.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết, qua rà soát thực trạng, việc xây dựng trụ sở HĐND huyện là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm nhiều hoạt động quan trọng của HĐND huyện. Trên cơ sở đó, huyện Hòa Vang đề xuất phương án xây dựng trụ sở HĐND huyện nằm trong TTHC huyện với kinh phí đầu tư khoảng 4,7 tỷ đồng từ ngân sách thành phố hỗ trợ.

“Nếu không có nơi làm việc nghiêm túc thì hoạt động của HĐND huyện chắc chắn sẽ không thể đạt hiệu quả như mong muốn. Người dân muốn đến cơ quan công quyền để kiến nghị, đề xuất cũng có nơi tiếp đón thuận lợi, đàng hoàng.

HĐND huyện cam kết việc xây trụ sở mới sẽ bảo đảm đúng quy trình, tất cả chủ trương sẽ phải thông qua HĐND huyện và mong người dân cùng giám sát”, ông Trần Văn Trường khẳng định. Trong khi đó, từ tháng 7-2016, HĐND quận Ngũ Hành Sơn làm việc tại khu nhà Mặt trận và các đoàn thể được xây dựng với quy mô 2 tầng, kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Toàn bộ khu vực tầng 2 của khu nhà này được bố trí các phòng làm việc của HĐND quận. Điều kiện làm việc của HĐND quận cơ bản bảo đảm các yêu cầu đề ra.

Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, nguyên nhân dẫn đến thiếu phòng làm việc là do các TTHC quận, huyện xây dựng sau khi chia tách tỉnh, cơ sở vật chất thiếu, bất cập... Từ năm 2009, thành phố Đà Nẵng thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.

Từ đó đến nay đã không đầu tư mới nơi làm việc cho HĐND quận, huyện. Hiện nay, việc tái lập HĐND quận, huyện, phường đòi hỏi phải bố trí nơi làm việc thuận lợi theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và HĐND thành phố sẽ công khai, minh bạch chủ trương này để người dân nắm rõ. Việc xây dựng mới, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng rà soát, thẩm định trước khi quyết định trên tinh thần tiết kiệm ngân sách, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đang có.

Điều 126, Luật Tổ chức chính quyền địa phương ghi rõ: Trụ sở làm việc của chính quyền địa phương được bố trí cho HĐND và UBND, được trang bị các phương tiện để đáp ứng yêu cầu phối hợp công tác giữa các cơ quan của chính quyền địa phương và phục vụ nhân dân.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.