Chính trị - Xã hội

Chuyện cuối tuần

Người hùng thầm lặng

08:33, 10/09/2016 (GMT+7)

Rạng sáng 9-9, người Việt Nam lại một lần nữa vỡ òa sung sướng trong niềm vui chung, khi vận động viên khuyết tật Lê Văn Công của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đoạt huy chương vàng môn cử tạ hạng cân dưới 49kg tại Paralympic Rio 2016 và phá kỷ lục thế giới trong một trận đấu “nghẹt thở”. Vậy là chỉ trong vòng một tháng, thể thao Việt Nam lần đầu tiên được vinh danh trên ngôi cao nhất tại đấu trường Olympic thế giới tới hai lần; và hai lần các vận động viên đều phá kỷ lục.

Mặc dù trước đó, họ cũng đều từng giành được huy chương tại các đấu trường châu lục và quốc tế, tuy nhiên, họ vẫn chưa được dõi theo một cách chăm chú; bởi những môn thi đấu ấy dường như chìm lấp giữa những môn thể thao “vua”. Tuy nhiên, với lòng kiên trì, nhẫn nại và nhất là đam mê chinh phục đỉnh cao, họ tập trung rèn luyện đêm ngày, không nản chí và thi đấu với tinh thần vì màu cờ sắc áo, vì danh dự của Tổ quốc và lòng mong đợi của nhân dân. Chính vì thế, họ là những anh hùng thầm lặng, vượt qua những thời khắc cam go nhất, căng thẳng nhất để viết nên kỳ tích trên đấu trường thế giới, làm rạng danh đất nước.

Sau khi giành được chiến thắng vinh quang, nhiều người mới ngỡ ngàng trước hoàn cảnh gia đình, điều kiện luyện tập của họ. Đó là một xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tập luyện trong điều kiện thiếu thốn trăm bề; là một Lê Văn Công khuyết tật từ nhỏ, phải bươn chải từ quê nhà Hà Tĩnh vào mưu sinh chật vật tại thành phố Hồ Chí Minh để rồi tại đây anh mới được phát hiện, đi vào khổ luyện một thời gian dài, trước khi ngồi trên bục vinh quang.

Từ trong thầm lặng, họ đã chuẩn bị một nền tảng vững chắc và viết nên kỳ tích, để rồi vụt tỏa sáng và trở thành tấm gương cho nhiều người noi theo.

Những ngày này, mọi người cũng nghĩ về một tấm gương khác với tâm trạng như thế. Đó là tấm gương của tài xế Phan Văn Bắc ở Hợp tác xã vận tải ô-tô Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã dũng cảm, mưu trí để kịp thời giải cứu cho một xe du lịch đang chở 30 hành khách thoát nạn khi xe này mất thắng trên đoạn đường quanh co, hiểm trở trên đèo Bảo Lộc ngày 6-9. Nếu không có kinh nghiệm và nhất là bản lĩnh trong quá trình hành nghề, chắc chắn Lê Văn Bắc không bao giờ dám “liều mình”. Bên cạnh đó, cái cao quý hơn chính là “tinh thần nghĩa hiệp vì đồng nghiệp, đồng bào” như trong nội dung thư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa gửi anh Phan Văn Bắc. Cũng như các vận động viên Hoàng Xuân Vinh, Lê Văn Công, anh Phan Văn Bắc đã được vinh danh một cách kịp thời và xứng đáng, với thư khen của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, được đặc cách nhận giải thưởng Vô lăng vàng 2016 và được đề xuất trao tặng Huân chương Dũng cảm - một phần thưởng cao quý vinh danh những hành động cao cả, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với sự khen ngợi từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những cống hiến ấy của những cá nhân luôn được cả xã hội tôn vinh. Hoàng Xuân Vinh, Lê Văn Công, Phan Văn Bắc… cùng những tấm gương thầm lặng hy sinh và cống hiến khác đã được xã hội tôn vinh, ca ngợi, tạo nên một làn sóng ủng hộ những hành động, nghĩa cử, việc làm tốt đẹp, góp phần đem lại vinh quang chung cho Tổ quốc, đem lại những điều tốt đẹp, bình an cho cuộc sống này.

Trong thư khen gửi tài xế Phan Văn Bắc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang “đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tăng cường phát hiện, kịp thời động viên, cổ vũ, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Trong thư gửi vận động viên khuyết tật Lê Văn Công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “đề nghị ngành Thể dục thể thao và các cấp, các ngành, các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học tập tấm gương về ý chí, nỗ lực vượt bậc của vận động viên Lê Văn Công, góp phần cổ vũ, động viên mọi người dân, nhất là người khuyết tật tích cực tham gia tập luyện thể dục thể thao, hòa nhập với cộng đồng, vươn lên làm chủ cuộc sống, đồng thời phát huy khả năng và tham gia đóng góp cho sự phát triển của ngành thể dục, thể thao và của toàn xã hội”.

Xã hội cần cổ vũ, động viên kịp thời những con người hy sinh thầm lặng, những nghĩa cử tốt đẹp ấy để góp phần cho một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn!

ANH QUÂN

.