Chính trị - Xã hội
Cục trưởng CSGT: Người dân đã biết sợ uống rượu, bia khi lái xe
Theo đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng, thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông do các nguyên nhân chạy quá tốc độ, đi sai làn, thao tác lái xe sai... đều xuất phát từ nguyên nhân người điều khiển phương tiện uống rượu bia, nhưng chưa tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện gây tai nạn nên không có được số liệu chính xác.
Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn lái xe. (Ảnh: TTXVN) |
Nghị định 46 với chế tài xử phạt nặng đã đủ sức răn đe người vi phạm và hiện nay, đa số người dân đã lo sợ khi uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông.
Rượu bia “cướp” 4.000 mạng người mỗi năm
Tại cuộc họp về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tháng Tám, triển khai nhiệm vụ tháng Chín vào ngày 7/9, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực lực lượng chức năng, tám tháng của năm nay, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, tiếp tục được kéo giảm về số vụ, số người chết, số người bị thương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, tình hình trật tự an toàn giao thông lại có chiều hướng diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, còn xảy ra nhiều sự cố uy hiếp an toàn, an ninh hàng không đặc biệt tăng tai nạn cả 3 tiêu chí, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng.
Cụ thể, tai nạn giao thông tháng Tám, toàn quốc xảy ra 1.760 vụ, làm chết 705 người, làm bị thương 1.495 người. So với cùng kỳ năm 2015 tăng 48 vụ (2,8%), tăng 51 người chết (7,8%), giảm 96 người bị thương (-6,03%). Tính tổng số tai nạn giao thông tám tháng vừa qua, cả nước xảy ra 13.612 vụ, làm chết 5.728 người, làm bị thương 11.781 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.010 vụ (-6,91%), giảm 93 người chết (-1,6%), giảm 1.456 người bị thương (-11%).
Chỉ ra nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng cho rằng, còn tình trạng buông lỏng trong quản lý Nhà nước về an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải, kỹ thuật phương tiện trong đó tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo và của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa quyết liệt; hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường tại một số địa phương chưa được thường xuyên, liên tục; còn hiện tượng, xuê xoa, và có dư luận về tiêu cực trong một bộ phận lực lượng thực thi công vụ.
“Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Đặc biệt, tình trạng người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng,” Phó Thủ tướng nói.
Dẫn chứng, theo thống kê, tuy số vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu, bia chỉ chiếm 17 vụ (tương đương 2,13%), nhưng thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông do các nguyên nhân chạy quá tốc độ, đi sai làn, thao tác lái xe sai... đều xuất phát từ nguyên nhân người điều khiển phương tiện uống rượu bia, nhưng chưa tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện gây tai nạn nên không có được số liệu chính xác.
Đặt câu hỏi tới cuộc họp khi cho rằng, tháng Tám tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí nhưng tháng tiếp theo liệu có giảm không? Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn chứng, ngay đầu tháng Chín đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đáng báo động. Một năm, số người chết tai nạn giao thông dưới 9.000 người thì con số tử vong liên quan đến bia, rượu chiếm tỷ lệ rất lớn (khoảng 40%, tương đương 4.000 người).
“Ở nước ngoài, lái xe uống không rượu, bia thì sẽ không dám điều khiển phương tiện, nhưng nước ta thì vẫn vô tư cầm lái. Vậy, văn hóa về giao thông và ý thức công dân đã chấp hành pháp luật chưa? xử phạt đúng mức chưa? Lực lượng thi hành công vụ có thực hiện nghiêm hay không?,” Phó Thủ tướng bày tỏ sự nghi ngờ.
Xử phạt người say không đơn giản
Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thừa nhận khó khăn hiện nay trong việc tiến hành đo nồng độ cồn, lấy máu của người say điều khiển xe rất phức tạp.
“Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã được tuyên truyền rộng rãi và thực tế đa số người dân đã có ý thức lo sợ về uống rượu, bia khi điều khiển xe do chế tài nặng. Trong tháng cao điểm vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý gần 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong đó tập trung ở 4 thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ,” Thiếu tướng Hà đánh giá.
Tuy thế, Vị Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cũng thừa nhận, xử phạt người say rượu điều khiển phương tiện vi phạm Luật giao thông không đơn giản, mà phải huy động các lực lượng gồm cảnh sát hình sự, cơ động, giao thông lên tới cả chục người. Hơn nữa, Luật giao thông quy định khi xử lý vi phạm phải chứng minh được lỗi vi phạm trong khi không có camera đối chiếu, nên nhiều trường hợp phải đối đầu với vi phạm đã dẫn đến mâu thuẫn giữa người thực thi công vụ và đối tượng vi phạm.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hạ tầng đường bộ còn 876 điểm đen tai nạn giao thông’ Trong năm 2016 và 2017 sẽ xử lý được khoảng 550 điếm tập trung vào các điểm nguy hiểm cấp bách và các điểm có kinh phí nhỏ lẻ với kinh phí khoảng 500 tỷ, thực hiện ngay bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ.
“Các điểm khác trước mắt xử lý tạm thời bằng biển báo, gờ giảm tốc, phát quang, gương cầu. Các điểm còn lại (sau khi đã xử lý tạm) 293 điềm (kinh phí 1.224 tỷ) sẽ xử lý dần trong kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc bằng các dự án xây dựng cơ bản,” ông Huyện nói.
Bên cạnh đó, ông Huyện cho biết, các tỉnh thành đã xử lý thay thế 3.271 biển báo dưới 50km và giao thông đảm bảo. Tuy nhiên, theo Quy chuẩn 41 đến ngày 1/11/2016 có hiệu lực, các tỉnh, thành tiếp tục rà soát bổ sung các biển báo chữ nhỏ không phù hợp, sẽ thay thế sửa chữa, nếu làm ngay là 2.200 tỷ kinh phí rất lớn nên cần làm dần. Các đường có bề rộng trên 5,75m có sơn kẻ vạch đường, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Liên quan đến trật tự an toàn giao thông tuyến vận tải “nóng” Hà Nội-Hải Phòng, ông Huyện tiết lộ, đến ngày 15/9 tới đây sẽ cắm biển báo cho xe dừng đỗ, đón trả khách đồng thời xây dựng phần mềm giám sát tất cả các xe khách trên tuyến này.
Ngoài ra, Tổng cục cũng đề nghị thành phố Hà Nội xây dựng quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách Hà Nội-Hải Phòng. Sau một tháng thí điểm sẽ làm giám sát chặt chẽ, nhằm chống “xe dù” tranh giành khách nhau.
Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới; tiếp tục triển khai tái cơ cấu các phương thức vận tải; duy trì và đổi mới phương thức thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện; siết chặt công tác quản lý điều kiện kinh doanh vận tải và an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá, đặc biệt là đối với xe khách giường nằm, xe container; tổng kết, đánh giá kết quả đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó trọng tâm là cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, trên cơ sở đó mở rộng và duy trì cường độ thực hiện kiểm soát nồng độ cồn như trong dịp cao điểm cho đến hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán...
Theo Vietnam+