Chính trị - Xã hội
Dấu ấn hạ tầng giao thông
Gần 20 năm qua, hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng phát triển vượt bậc với hàng chục cây cầu có thiết kế độc đáo cùng hệ thống đường bộ hiện đại được kết nối hoàn chỉnh, trở thành đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Cầu quay Sông Hàn - bước khởi đầu vượt sông của Đà Nẵng. |
Bộ sưu tập những cây cầu “độc, lạ”
Suốt một thời gian khá dài sau ngày giải phóng, hình ảnh giao thông của thành phố chỉ là những con đường nhỏ, xuống cấp, hệ thống cầu qua sông Hàn chỉ là hai cây cầu Trần Thị Lý và Nguyễn Văn Trỗi cũng đang trong tình trạng xuống cấp nặng. Mãi đến năm 2000, khi thành phố khánh thành cầu quay Sông Hàn thì mọi sự đã có thay đổi lớn. Đúng 9 năm, từ khi cầu Sông Hàn đưa vào sử dụng, năm 2009, cầu Thuận Phước được khánh thành.
Đặc biệt, ngày 29-3-2013, thành phố Đà Nẵng khánh thành cùng lúc 2 cây cầu có thiết kế rất độc đáo là cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Ngoài ra, Đà Nẵng có khá nhiều cây cầu khác mang trọng trách kết nối, mở rộng không gian đô thị thành phố và là cú hích cho kinh tế, xã hội thành phố phát triển. Đó là cầu Tiên Sơn có tải trọng lên đến 30 tấn, nằm trên hệ thống lưu thông quan trọng tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Cầu Nguyễn Tri Phương bắc qua sông Cẩm Lệ, nối liền trung tâm thành phố với khu vực đông nam thành phố. Mới đây nhất là cầu vượt ngã ba Huế, không những giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía bắc thành phố mà còn là công trình cầu vượt 3 tầng có quy mô lớn nhất nước.
Hứa hẹn từ những công trình mới
Ngày 19-3-2016, UBND quận Hải Châu tổ chức công bố quy hoạch chi tiết công trình nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn. Chưa đầy một tháng sau, ngày 8-4, UBND quận Thanh Khê cũng đã tổ chức lễ công bố quy hoạch công trình nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương. Cả hai công trình đều là hầm chui nằm ở khu vực trung tâm thành phố nhằm giải quyết vấn nạn nan giải lâu nay là ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng. Theo đó, công trình hầm chui tại nút phía tây cầu Sông Hàn sẽ được ưu tiên hướng đi (trên mặt đất) cho trục Lê Duẩn-cầu Sông Hàn; dọc đường Trần Phú sẽ xây hầm chui, bắt đầu từ trước Thư viện Khoa học tổng hợp kéo dài đến ngã tư Trần Phú-Phan Đình Phùng. Còn hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương được thiết kế có hình dáng chữ Y. Trong đó, hai nhánh nằm trên đường Điện Biên Phủ sau khi chui qua nút sẽ nhập lại thành một đường hầm với lối đi lên ở trước cổng Công viên 29-3.
Đặc biệt, dư luận rất quan tâm về công trình giao thông vượt sông Hàn dự kiến nằm ở vị trí gần nút giao thông Đống Đa- Trần Phú - 3 Tháng 2. Để hoàn thiện “bộ sưu tập cầu” độc đáo trên sông Hàn, lãnh đạo thành phố đang có bước đi rất thận trọng là tổ chức thi thiết kế mang tầm quốc tế cho công trình này, bên cạnh lấy ý kiến rộng rãi của người dân và chuyên gia. Đây không chỉ là công trình giao thông giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm thành phố mà còn là một công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ để bổ sung vào bộ sưu tập những cây cầu trên sông Hàn. Với hàng loạt công trình mới chuẩn bị xây dựng trong năm 2016 và trong vài năm đến, hy vọng bài toán ùn tắc giao thông khu trung tâm thành phố sẽ có lời giải tốt nhất.
Thúc đẩy mở rộng không gian đô thị
Cùng với việc xây dựng những cây cầu qua sông, gần 20 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp gần 800 con đường. Đây có thể là một con số kỷ lục, và điều quan trọng hơn là hệ thống giao thông có tính kết nối cao giữa vùng trung tâm với ngoại ô, vùng đô thị với nông thôn và liên kết với các địa phương lân cận. Sau khi cầu Nguyễn Tri Phương đưa vào khai thác, thành phố cũng đã hoàn thành giai đoạn I tuyến đường vành đai phía Nam, mở rộng không gian đô thị ra vùng đông nam thành phố. Tuyến đường vành đai phía Nam giai đoạn II đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng để khi hoàn thành, tuyến vành đai này nối từ quận Ngũ Hành Sơn đến huyện Hòa Vang. Trước đó, nhánh 4 trục I Tây Bắc cũng đã hoàn thành, mở không gian đô thị của 2 quận Liên Chiểu và Thanh Khê đến sát vịnh Đà Nẵng.
Đối với tỉnh Quảng Nam, thành phố đã và đang hoàn thành mạng lưới kết nối để hai địa phương cùng phát triển. Sau khi hoàn thành tuyến đường ven biển và trục đường Trần Đại Nghĩa kết nối với phố cổ Hội An và thị xã Điện Bàn, lãnh đạo hai địa phương đã thống nhất phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai thêm nhiều tuyến đường quan trọng. Đó là mở rộng quốc lộ 14B đoạn Túy Loan-cầu Hà Nha từ 2 làn xe lên 4 làn, quốc lộ 14G đoạn Túy Loan-thị trấn Prao... Với tỉnh Thừa Thiên-Huế, cùng với hai hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia chính thức đi vào hoạt động, việc Bộ GTVT khởi động dự án xây thêm một tuyến đường hầm qua hầm đường bộ Hải Vân sẽ tạo nên sự kết nối giao thông thuận lợi và an toàn giữa hai địa phương; từ đó vươn mạnh hơn về phía bắc.
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn