Chính trị - Xã hội
Khi "dân công trình" khất nợ
Thời gian gần đây, ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) có nhiều công trình xây dựng được triển khai; theo đó, các hoạt động thương mại-dịch vụ ngày càng nở rộ. Nhiều cửa hàng tạp hóa mọc lên, tư thương tăng cường mang hàng thiết yếu từ thành phố lên phục vụ công nhân xây dựng công trình. Tuy nhiên, nhiều hệ lụy đã xảy ra khi người bán tin tưởng bán chịu cho người mua, dẫn đến vừa mất hàng hóa vừa mất tiền...
Chị Thu - người bán thực phẩm hằng ngày ngán ngẩm kể lại chuyện bị mất nợ. |
Công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan qua xã Hòa Bắc đang trong những ngày thi công, cuộc sống của người dân xã miền núi như rộn ràng hơn bởi người qua lại đông vui so với trước. Một số nhà dân không chỉ làm dịch vụ cơm nước hằng ngày cho các chuyên gia, kỹ sư, công nhân mà còn mở các điểm lưu trú, cho ở trọ, mở quán nhậu, phòng karaoke... Thấy chúng tôi bày tỏ niềm vui trước sự đổi thay này, nhiều bà con thở dài: “Ngó rứa thôi chứ có thu về được bao nhiêu đâu. Nợ nần đầm đìa từ ngày ni qua ngày khác, có khi cả năm chưa lấy lại vốn”. Chúng tôi được người dân cho hay, một số đơn vị thi công, nhà thầu đưa người lên đây nhưng việc ăn, ở phải tự túc. Do đó các toán thợ, đội công trình thường cắt cử một ai đó làm nhiệm vụ “đi chợ, nấu ăn” phục vụ cho cả tập thể. Xã Hòa Bắc chưa có chợ họp tập trung nên chủ yếu thực phẩm đưa lên hằng ngày bằng xe máy của người bán rong. Dân làm công trình mua lại thức ăn, nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng từ những người bán lẻ hoặc tại các đại lý, cửa hàng tạp hóa ở địa phương.
Anh Nguyễn Văn Lạc (thôn Giàn Bí) nói: “Ở đây bà con bán đồ bị mua nợ là chuyện thường ngày. Gặp người tử tế thì họ lĩnh lương là thanh toán các khoản nợ, gặp người không đàng hoàng khi công trình chưa xong họ đã “lặn” mất tiêu, biết đâu mà đòi”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người dân có nhà gần khu vực xây dựng công trình mở quán bán hàng, ban đầu họ không cho công nhân nợ, nhưng nhiều công nhân kể lể hoàn cảnh xa nhà, lương mấy tháng mới nhận “một cục” nên nhiều người bán hàng cho nợ và yêu cầu đưa giấy chứng minh nhân dân làm tin. Thế nhưng, người mua hàng cũng “quên” luôn giấy tờ, một đi không trở lại, để lại một mớ tiền nợ mua lương thực, thực phẩm...
Chị Nguyễn Thị Thu (ở thôn Phò Nam) tâm sự: “Ở trên ni buôn bán lời lãi có bao nhiêu đâu. Vợ chồng tui chở hàng thực phẩm đi bán. Hồi đầu mấy anh công nhân cũng sòng phẳng lắm, mua thứ chi cũng trả tiền liền. Khi có được lòng tin, họ nói cho mua nợ. Sau đó họ đi luôn làm vợ chồng tui mất 2 triệu đồng. Ở miền núi làm ăn khó khăn, mất số tiền nớ coi như cụt vốn đi buôn. Chồng tui bỏ luôn không đi bán nữa”.
Vợ chồng chị Thu là người buôn nhỏ nên số tiền bị nợ không nhiều. Ở các thôn Tà Lang, Nam Yên có một số người từng là nạn nhân bị quỵt nợ cả chục triệu đồng như anh L, chị H. Dò hỏi nguyên cớ mất nợ, hầu như ai cũng ngại nói ra bởi tâm lý muốn bán được nhiều hàng, một phần cũng do ham lời nhiều hơn so với việc bán lẻ cho bà con. Có đại lý lớn, mỗi tháng công nhân công trình tiêu thụ hàng mấy chục tạ gạo, hàng chục thùng nước mắm, dầu ăn, mì chính, bột giặt... nên chấp nhận cho nợ.
Chuyện người dân buôn bán ở Hòa Bắc bị nợ nần và mất nợ đã xảy ra. Thế nhưng, điều đó cũng không ngăn cản việc buôn bán của họ. Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: “Từ khi trên địa bàn xã có nhiều dự án được triển khai, tình hình buôn bán, kinh doanh của người dân ở đây sôi động hẳn, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của giới công nhân thực hiện dự án. Nhưng điều đáng lo ngại là nhiều người hám lời, sẵn sàng cho bán nợ với số tiền khá lớn. Việc này, chính quyền xã đã phối hợp với các trưởng thôn đến từng hộ kinh doanh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên bán nợ cho công nhân, kẻo mất cả vốn lẫn lời. Thực tế đã có nhiều hộ dân không thể thu hồi được nợ. Khi thực hiện xong dự án là họ cao chạy xa bay đi làm công trình khác, mặc kệ món nợ với những người bán hàng”.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH