Chính trị - Xã hội
Kiên quyết xử lý hành vi bán hàng đa cấp bất chính
Phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 02/CT-BCT về tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) chiều 19-9, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ sẽ quyết tâm xử lý mạnh các hành vi BHĐC bất chính, trục lợi, gây hại lớn cho người dân.
Tại hội nghị, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, tính đến tháng 9-2016, cả nước có 50 doanh nghiệp đủ giấy phép hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm, các công ty BHĐC đạt tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 452 tỷ đồng. Số lượng người tham gia BHĐC hiện có 500.000 người, giảm 57% so với hơn 1,1 triệu người của cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo ông Trịnh Anh Tuấn, Nghị định số 42 quy định về quản lý hoạt động BHĐC trên lãnh thổ Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1 - 7 - 2014. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, các quy định hiện hành bộc lộ một số bất cập, khiến loại hình kinh doanh này vốn được đánh giá cao ở nhiều quốc gia nhưng lại bị biến tướng tại Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, 48 Sở Công thương địa phương đã kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả, 26 doanh nghiệp trên tổng số 48 công ty nằm trong diện kiểm tra có dấu hiệu vi phạm và bị xử phạt với số tiền lên tới gần 4,5 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, với quy mô số người tham gia bán hàng đa cấp lên tới 1,2 triệu người, dù không phải công ty đa cấp nào cũng vi phạm nhưng nếu đổ vỡ sẽ có tác động rất lớn đến đời sống người tham gia và cả người tiêu dùng. Theo Bộ trưởng, hiện có rất nhiều hiện tượng BHĐC bất chính, lợi dụng BHĐC lừa đảo, huy động tài chính, thậm chí các hình thức biến tướng khác… Nếu không kịp thời nghe ý kiến từ dư luận, xã hội, tăng cường biện pháp quản lý thì chắc chắn nguy cơ rất lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, gây bất ổn xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường nói rằng, việc kiểm tra, xử lý các Công ty BHĐC rất khó khăn do nhiều công ty có địa chỉ ảo, tổ chức bán hàng lén lút, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; giao dịch tiền ảo, làm từ thiện ảo, hô hào đầu tư vào các dự án có tính chất “bánh vẽ”, thực hiện theo mô hình kim tự tháp, lấy tiền của người sau trả cho người trước... “Theo tôi, nên sớm hoàn thành các quy định quản lý BHĐC chặt chẽ hơn, cùng với việc tăng cường kiểm tra kiểm soát, thanh tra các doanh nghiệp BHĐC trên toàn quốc”, ông Tín kiến nghị.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, nếu chỉ tăng cường thanh tra, kiểm tra thì sẽ không bao giờ đủ nguồn lực để thực hiện mà cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. “Tôi đồng tình là có nhiều cách làm, vấn đề là bịt các kẽ hở, thực hiện hậu kiểm để xử lý các sai phạm. Ngăn chặn các hành vi trục lợi, lừa đảo. Các hành vi BHĐC biến tướng, lừa đảo sẽ còn tiếp diễn như dạng dùng đồng tiền ảo bitcoin. Cho nên, phải có giải pháp ngăn chặn các hình thức biến tướng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Đấu tranh chống BHĐC bất chính, lừa đảo không dễ...Chúng tôi thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn, tiếp cận mua chuộc, đe dọa... Việc kinh doanh (trái phép) trong lĩnh vực này đem lại lợi nhuận lớn. Nhưng với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Bộ Công thương sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động BHĐC trái phép, trục lợi gây thiệt hại lớn cho người dân”.
Theo Dân Trí