Chính trị - Xã hội
Làng hoa lên phố khách sạn
Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay chỉ biết đến Phước Mỹ là “phố khách sạn” mà ít ai biết, cách đây 20 năm, nơi đây từng là làng hoa nổi tiếng nhất Đà Nẵng và các tỉnh Trung Bộ.
Hàng xe du lịch, taxi nối dài trên “phố khách sạn” của Phước Mỹ. |
Ký ức làng hoa
Những năm thập niên 80 của thế kỷ trước là thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của làng hoa Phước Mỹ với gần 500 hộ chuyên trồng hoa cung cấp cho thị trường Quảng Nam-Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận. Mặc dù hoa Đà Lạt, Tuy Hòa (Phú Yên) chuyển về rất nhiều, nhưng hoa Phước Mỹ vẫn có chỗ đứng. Từ năm 1997, sau khi UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ quy hoạch chỉnh trang đô thị, làng hoa nổi tiếng một thời ngày một thu hẹp rồi mất hẳn.
Ông Phan Phú Cửu (tổ 3 khối phố Phước Trường, một trong những người đầu tiên khai sinh làng hoa Phước Mỹ) kể rằng, gia đình ông từng sở hữu diện tích vườn đến 4.000m2 với đủ loại hoa từ cao cấp đến bình dân. Ngày đó, hễ Đà Lạt xứ hoa có hoa gì là ông có hoa nấy, thậm chí chất lượng còn vượt mà giá lại rẻ hơn. Đặc biệt, vườn nhà ông nổi tiếng với hoa lay ơn nhung 16 bông, trong khi lay ơn Đà Lạt chỉ đạt 12-14 bông. Nhờ vườn hoa này, ông và vợ đã nuôi 7 đứa con ăn học nên người.
Với 700m2 đất, vườn nhà ông Cho, bà Nhí (đường Hà Đặc) cũng ngập tràn sắc hoa. Nhất là vạn thọ với cây to, lá xanh mướt, sắc cam vàng óng không đâu bằng. Ngày ấy, hầu như nhà nào ở Đà Nẵng cũng đã từng chưng hoa vạn thọ, lay ơn nhung Phước Mỹ vào mỗi dịp Rằm, Tết.
Hiện tại, Phước Mỹ không còn đất cho việc trồng hoa, chỉ một số ít người dân muốn “níu kéo” lại thời hoàng kim của làng hoa hoặc không có nghề nghiệp gì ngoài nghề trồng hoa nên đã tận dụng những lô đất trống (đã có chủ) để trồng ít rau, hoa màu bán theo thời vụ. Nghề trồng hoa Phước Mỹ trên thực tế cũng không còn phù hợp với sự phát triển của đô thị. Do đặc điểm thổ nhưỡng, thời “đỉnh cao” Phước Mỹ cũng chỉ trồng 1 năm 2 vụ hoa từ trước Tết Âm lịch đến mồng 5 tháng 5 âm lịch là... đất khô cỏ cháy. Người dân có thu nhập nhưng bấp bênh.
Từ sau giải tỏa, chỉnh trang đô thị, vấn đề chuyển đổi ngành nghề cho các hộ trồng hoa một thời làm chính quyền Phước Mỹ “đau đầu”; bởi người nông dân vốn sẵn tư tưởng “tiểu nông” khó mà chuyển sang “tiểu thương” được.
Phố khách sạn
“Hồi mới giải tỏa, không ai nghĩ Phước Mỹ sẽ phát triển như ngày hôm nay. Có lẽ, những lãnh đạo thành phố thời điểm đó cũng không ngờ, một khu vực mà đất nông nghiệp chiếm phần lớn, người dân chủ yếu làm nông, đi biển giờ trở thành khu vực tập trung nhiều khách sạn nhất (với 75 khách sạn và 20 nhà nghỉ), góp phần thu hút một lượng khách du lịch lớn cho thành phố”, ông Đinh Văn Hùng, cán bộ nông-lâm-thủy sản phường Phước Mỹ tự hào.
Trước khi bãi biển Mỹ Khê được lọt vào top 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh do tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn, chính quyền thành phố đã “giải tỏa trắng” khu vực Phước Trường (nơi diện tích trồng hoa lớn nhất Phước Mỹ thời điểm đó), thu hồi đất nông nghiệp, mở rộng đường sá, chuẩn bị cơ sở hạ tầng để dọn đường cho nhà đầu tư đến với Phước Mỹ.
Hiện nay, chỉ tính riêng 3 tuyến đường Hà Bổng - Hồ Nghinh - Võ Nguyên Giáp có gần 30 khách sạn, nhà nghỉ tọa lạc. Đi dọc các tuyến đường này vào buổi sáng sẽ thấy lượng lớn du khách chờ ngắm bình minh và chạy thể dục ven biển. Còn vào mỗi buổi chiều, khách du lịch nườm nượp đổ ra đường dạo phố, tắm biển khiến nơi đây không thua kém một địa điểm du lịch nổi tiếng nào.
Từ khi du lịch “chạm ngõ”, cuộc sống người dân Phước Mỹ theo đó đổi thay. Theo một thống kê chưa đầy đủ của UBND phường Phước Mỹ, sự phát triển du lịch địa phương đã tác động đến chọn lựa nghề nghiệp của học sinh THPT khi đa phần các em chọn những ngành nghề liên quan đến du lịch, dịch vụ. Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ, cho biết, du lịch đã thúc đẩy kinh tế của phường phát triển, thể hiện qua việc thu ngân sách. Phước Mỹ là phường duy nhất trong số 7 phường của quận Sơn Trà, Nhà nước không phải cấp bù ngân sách. Thêm vào đó, Phước Mỹ cũng là phường có số hộ nghèo thấp nhất quận (với 263 hộ nghèo/2.968 hộ).
Qua thời gian, việc đầu tư cho phát triển du lịch của Phước Mỹ là hướng đi đúng đắn của lãnh đạo thành phố. Từ vùng đất trồng hoa, nơi người nông dân vẫn giữ những thói quen cũ như không xây nhà vệ sinh, cùng với bao nếp sống nhà nông khác, nay ai về Phước Mỹ cũng bất ngờ vì sự đổi thay của phố xá, nhà cửa và đời sống người dân. Trong tương lai, với sự góp sức của thế hệ trẻ, chắc chắn Phước Mỹ sẽ càng sôi động và đem lại sự đổi thay nhiều hơn nữa.
Bài và ảnh: QUỲNH TRANG