Chính trị - Xã hội

Mỗi học sinh là một tình nguyện viên

14:20, 22/09/2016 (GMT+7)

Khi phong trào Chữ thập đỏ lan tỏa, tại Đà Nẵng, mỗi học sinh trở thành một tình nguyện viên tích cực trong hoạt động xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Kỹ năng sơ cấp cứu rất cần thiết đối với mỗi học sinh. TRONG ẢNH: Hội Chữ thập đỏ thành phố tập huấn công tác kỹ năng sơ cấp cứu cho học sinh các trường tiểu học.
Kỹ năng sơ cấp cứu rất cần thiết đối với mỗi học sinh. TRONG ẢNH: Hội Chữ thập đỏ thành phố tập huấn công tác kỹ năng sơ cấp cứu cho học sinh các trường tiểu học.

Bà Lê Thị Như Hồng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố cho biết, năm vừa qua, đơn vị tổ chức hơn 1.000 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng công tác Hội CTĐ, kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu và phòng ngừa thảm họa cho gần 22.000 lượt cán bộ, giáo viên các trường. Đồng thời, Hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cùng Ban An toàn giao thông thành phố, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tổ chức hội thi tuyên truyền an toàn giao thông và sơ cấp cứu; hội thi phòng tránh tai nạn thương tích, phòng ngừa ứng phó thảm họa, thiên tai cho học sinh các trường tiểu học, THCS vùng ven biển, nông thôn, miền núi. Nhờ vậy, nhiều học sinh đã có kỹ năng  phòng, chống tai nạn thương tích để tự giúp mình và kịp thời hỗ trợ các bạn khi cần thiết. Đơn cử như tại Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà), mỗi lớp  đều có 2 học sinh được tập huấn và hướng dẫn cho các bạn khác cách phòng, chống dịch bệnh và bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, an toàn thực phẩm, phòng ngừa tai nạn thương tích ngay tại lớp học… “Mỗi đội viên tình nguyện CTĐ của trường là một tuyên truyền viên tích cực và là cầu nối thông tin giữa hoạt động của lớp với nhà trường. Các em có nhiệm vụ thông báo và giúp đỡ bạn trong lớp khi bạn bị ốm, tai nạn đột xuất”, ông Lê Đình Sơn, Hiệu phó nhà trường cho biết.

Theo ông Lê Đình Sơn, cũng thông qua mô hình hoạt động Đội Thiếu niên CTĐ, nhà trường đã nắm được từng hoàn cảnh cụ thể của học sinh, được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của các em. Hào hứng khi được tham gia vào Đội tình nguyện CTĐ, em Nguyễn Đạo Thông (lớp 9/1, Trường THCS Lê Độ) nói: “Em rất vui vì được tham gia công tác CTĐ. Năm ngoái, chúng em đã cấp cứu kịp thời cho một số bạn bị ốm”.

“Thời gian qua, nhiều phong trào tại các trường trên địa bàn Đà Nẵng đã thu hút đông đảo học sinh tham gia và có tác dụng giáo dục sâu rộng như Tuần lễ tấm lòng vàng, Tết vì bạn nghèo, Ủng hộ học sinh nghèo miền núi, Heo đất giúp bạn đến trường, Bạn nghèo vui Tết… Nhờ đó, phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với địa chỉ nhân đạo” do Hội CTĐ thành phố phát động được triển khai hiệu quả”, bà Lê Thị Như Hồng khẳng định. Bà Hồng cho biết thêm, qua đó, các trường trong thành phố đã vận động, hỗ trợ cho gần 5.000 địa chỉ nhân đạo gồm học bổng cho học sinh nghèo với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các hoạt động tình nguyện gắn với xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn với các mô hình: Vườn hoa em chăm, Cây xanh em trồng, Tiếng trống môi trường, Nhặt rác trên nền nhạc… cũng được các trường triển khai hiệu quả.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, việc tích hợp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở một số môn học đã giúp các em rèn luyện hành vi có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và có khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống, đồng thời góp phần hưởng ứng phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. “Chúng tôi rất chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, thanh thiếu niên tích cực tham gia các phong trào nhân đạo, và xem đây là một trong những phương thức hiệu quả nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh”, bà Thuận cho biết.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

.