Chính trị - Xã hội

Nữ Đại úy nhiều sáng kiến

08:55, 27/09/2016 (GMT+7)

Ở Trường Cao đẳng nghề số 5 (Quân khu 5), cán bộ, giáo viên, học viên đều yêu mến Đại úy Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử. Cô giáo có vóc dáng mảnh mai này là tác giả của nhiều sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ có giá trị thực tiễn cao.

Đại úy Nguyễn Thị Thanh Tâm áp dụng sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ hướng dẫn kỹ năng nghề cho học viên khoa Điện - Điện tử.
Đại úy Nguyễn Thị Thanh Tâm áp dụng sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ hướng dẫn kỹ năng nghề cho học viên khoa Điện - Điện tử.

Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), với vốn kiến thức cơ bản khá vững vàng, từ khi bước chân vào Trường Cao đẳng nghề số 5, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm luôn đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một giáo viên dạy nghề giỏi, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Trước thực tế các trang thiết bị, mô hình phục vụ đào tạo nghề trên thị trường có giá thành rất cao, để bảo đảm yêu cầu “gắn lý thuyết với thực hành, thực hành gắn liền với thực tế sản xuất”, cô giáo Tâm chủ động tham gia cùng tổ bộ môn làm mô hình “Băng chuyền vận chuyển và đếm sản phẩm” đoạt giải nhì cấp Quân khu, giải khuyến khích toàn quân; mô hình “Điều khiển động cơ điện không đồng bộ 3 pha” đoạt giải nhì thành phố Đà Nẵng...

Sau khoảng thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, cô tự mình nghiên cứu, đăng ký và hoàn thành mô hình “Đường dây và trạm biến áp”, giúp học viên nắm rõ hơn về nguyên lý truyền tải điện năng và thực hành lắp đặt hoàn thiện một trạm biến áp như trong thực tế. Cô còn mày mò nghiên cứu và hướng dẫn các học viên học nghề điện dân dụng thực hiện “Hệ thống điều khiển, khống chế đèn chuông”.

Mô hình được sử dụng trong tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi đố vui để học, đồng thời giúp người học tiếp thu bài giảng hứng thú hơn. Đầu năm 2015, cô tiếp tục hoàn thành mô hình “Điều khiển hoạt động của băng chuyền bằng phần mềm PLC” được nhà trường tặng giấy khen. Tháng 9-2016, cô cho ra đời mô hình “Băng chuyền pha màu, đóng nắp và trộn sơn tự động điều khiển, giám sát bằng phần mềm WINCC và PLC”. So với thị trường, giá thành băng chuyền từ 100 - 200 triệu đồng được rút lại còn khoảng 20 triệu đồng mà vẫn bảo đảm giá trị sử dụng lâu dài, an toàn, hiệu quả.

Những tâm huyết của cô giáo Thanh Tâm đã giúp nhà trường tiết kiệm chi phí đầu tư mô hình học cụ, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động miền Trung và Tây Nguyên.

“Để nghiên cứu khoa học, theo tôi, quan trọng nhất là cần có niềm đam mê và nghị lực, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ chuyên môn. Với chị em thì ngoài việc cơ quan còn phải cân bằng hài hòa việc nhà. Do vậy, lãnh đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị, tổ chức Công đoàn cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa và nhất là hãy “đặt niềm tin” để chị em thêm tự tin, bền lòng theo đuổi con đường lao động sáng tạo. Đây chính là động lực, tiền đề vững chắc chắp cánh cho phụ nữ vươn tới thành công”, Đại úy Nguyễn Thị Thanh Tâm nói.

Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP

.