Chính trị - Xã hội
Sắp xếp cán bộ không chuyên trách phường, xã: Cơ hội chuẩn hóa cán bộ
Việc tuyển dụng cán bộ không chuyên trách (CBKCT) làm việc tại phường, xã từ nay trở đi phải bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. CBKCT sẽ là nguồn phát triển thành cán bộ chuyên trách và nguồn cán bộ chủ chốt cho cấp phường, xã. Đó là mục tiêu đề ra trong nghị quyết HĐND thành phố và quyết định của UBND thành phố đang được 56 phường, xã tích cực thực hiện. Theo quy định, đội ngũ CBKCT ở phường, xã loại 1 được bố trí không quá 22 người và không quá 20 người đối với phường, xã loại 2.
Sắp xếp đội ngũ cán bộ không chuyên trách là cơ hội chuẩn hóa cán bộ ở phường, xã. Trong ảnh: Bộ phận “Một cửa điện tử” phường Hòa Hiệp Nam. Ảnh: Sơn Trung |
Bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân, việc sắp xếp lại CBKCT là một chủ trương đúng đắn và đây còn là cơ hội để chuẩn hóa cán bộ ở phường, xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Việc sắp xếp có ảnh hưởng nhất định đến những người thuộc diện dôi dư, không đủ chuẩn nên phải làm thật cẩn thận, công khai, dân chủ, công bằng, khách quan. Sau khi công bố chủ trương của thành phố đến toàn thể cán bộ, công chức và CBKCT của xã, Ban Thường vụ Đảng ủy xã họp đến 3 lần để rà soát từng chức danh CBKCT và dự kiến bố trí người đảm nhiệm, rồi tổ chức lấy ý kiến thăm dò trong tập thể cán bộ xã. Đề án sắp xếp phải trải qua 2 lần rà soát của Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ mới hoàn chỉnh.
Xã Hòa Phong có 3 người dôi dư sau khi sắp xếp đều thông chủ trương của thành phố và tự nguyện có đơn xin nghỉ. Chị Nguyễn Đặng Thái có 16 năm công tác ở xã Hòa Phong được giải quyết nghỉ việc trong đợt này cho biết: “Yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, mình không đáp ứng được thì cũng nên thôi, nhường cho lớp trẻ được đào tạo bài bản”.
Trưởng phòng Nội vụ huyện Hòa Vang Trà Đình Thứ cho hay, UBND huyện đã sớm ban hành hướng dẫn thực hiện quyết định của UBND thành phố. Huyện ủy, UBND huyện khuyến khích việc sắp xếp theo hướng có thể giảm hơn số người quy định nếu không đạt chuẩn và tiếp tục tuyển mới. Trong đợt này, 11 xã sẽ giảm 45 người không đủ chuẩn và tuyển mới 38 người vào các chức danh CBKCT. Đồng thời, huyện Hòa Vang tiến hành xây dựng quy chế tuyển dụng mới vào các chức danh này với tiêu chuẩn đầu vào phải tốt nghiệp đại học chính quy. Một cán bộ xã cho biết, nếu có chuẩn đầu vào là đại học, thì xã có cơ hội chọn người đáp ứng được nhiệm vụ, đồng thời tránh áp lực “gửi gắm” từ trên xuống những người chưa qua đào tạo như đã từng xảy ra.
Tại quận Liên Chiểu, UBND quận cũng đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp CBKCT ở 5 phường. Bí thư Quận ủy Võ Công Chánh cho biết, do quản lý tốt về biên chế những năm trước đây, nên khi sắp sếp lại CBKCT ở 5 phường, số dôi dư không nhiều, chỉ có 13 người. 7 người đã có đơn tự nguyện thôi công tác, 6 người còn lại được UBND quận giới thiệu làm việc tại Ban quản lý các chợ của quận. Đây là đơn vị tự chủ hoàn toàn nên việc giới thiệu việc làm cho những người này không ảnh hưởng đến chủ trương tinh giản biên chế. Ở các phường thuộc các quận còn lại, công tác sắp xếp CBKCT cũng đang tích cực thực hiện.
Cần chính sách hỗ trợ hợp lý
Về chế độ, chính sách, những người không đủ chuẩn và dôi dư sau khi sắp xếp đội ngũ CBKCT ở phường, xã được thành phố trợ cấp mỗi năm công tác có đóng BHXH 1,5 lần mức phụ cấp hiện hưởng hằng tháng. Ngoài ra, các quận, huyện cũng có chính sách hỗ trợ thêm cho những người này. Quận Liên Chiểu hỗ trợ 15 triệu đồng/người, quận Hải Châu hỗ trợ 10 triệu đồng/người; huyện Hòa Vang hỗ trợ 10 triệu đồng/người đối với người có từ 10 năm công tác trở lên và 5 triệu đồng/người đối với người có dưới 10 năm công tác; quận Thanh Khê hỗ trợ 5 triệu đồng/người. Hầu hết những người này mới được tham gia BHXH từ năm 2006, đây là năm thành phố có chủ trương đóng BHXH bắt buộc cho CBKCT phường, xã. Như vậy, người tham gia BHXH lâu nhất mới chỉ có 10 năm, nhưng thực tế là nhiều người đã công tác trước năm 2006, có người đã trên 20 năm làm việc. Những người này đều có nguyện vọng thành phố xem xét tính thêm hỗ trợ vào số năm họ chưa được tham gia BHXH nếu họ có giấy tờ chứng minh được quá trình công tác. Lãnh đạo của một quận nhận xét: Số tiền hỗ trợ thêm không quá lớn hay quá sức của thành phố và nên làm để động viên vì họ là những CBKCT từ thời kỳ chế độ, chính sách chưa hoàn thiện.
Đối với CBKCT còn làm việc, sau khi sắp xếp cũng băn khoăn về việc tham gia BHXH. Từ năm 2006, CBKCT ở phường, xã được tham gia BHXH, BHYT theo hệ số phụ cấp thực tế. Nay họ chỉ được tham gia BHXH, BHYT theo mức phụ cấp là 1,0 mức lương cơ bản hiện hành; CBKCT là nữ không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Dù đây lại là quy định của pháp luật về BHXH tuy nhiên những CBKCT hiện đang làm việc ở phường, xã vẫn trông đợi những chế độ thỏa đáng để họ yên tâm công tác.
3 điểm mới có lợi cho CBKCT ở phường, xã Quyết định 16/2016/QĐ-UBND có 3 điểm mới về chế độ, chính sách đối với CBKCT: Trung ương quy định mức phụ cấp chỉ 1,0 lương cơ sở, thành phố hỗ trợ thêm đủ theo trình độ chuyên môn của CBKCT. Khoán chi hành chính năm 2016 là 9 triệu đồng/người/năm, cao hơn trước 3 triệu đồng. Thực hiện khoán quỹ phụ cấp (52 lần lương cơ sở đối với phường, xã loại 1 và 47 lần lương cơ sở đối với phường, xã loại 2) tạo điều kiện tăng thu nhập cho CBKCT. |
SƠN TRUNG