.

Phải giữ cái gốc của an sinh xã hội

.

Với gần 9.000 căn hộ chung cư, Đà Nẵng là địa phương có nhà ở xã hội (NƠXH) thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước rất lớn, quỹ nhà này để cho thuê. Rất nhiều người nghèo, hộ chính sách, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) khó khăn về nhà ở được thụ hưởng từ chương trình này. Đây chính là cái gốc an sinh xã hội, Nhà nước cần phải gìn giữ, chăm lo. “Đã là an sinh xã hội thì đừng tính toán lợi nhuận gì ở đây”, Giám đốc Công ty Quản lý nhà chung cư (QLNCC) Nguyễn Bá Bình nói về công tác quản lý nhà chung cư của thành phố cần đổi mới phù hợp với quy định mới nhưng phải bảo đảm an sinh xã hội theo chủ trương “thành phố 4 an”.

Nhà C3 Chung cư An Cư 5 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) trước khi có Luật Nhà ở đã bố trí lẫn lộn cả cán bộ, công chức thuê dạng nhà ở xã hội và cho hộ giải tỏa ở không thu tiền thuê nhà.
Nhà C3 Chung cư An Cư 5 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) trước khi có Luật Nhà ở đã bố trí lẫn lộn cả cán bộ, công chức thuê dạng nhà ở xã hội và cho hộ giải tỏa ở không thu tiền thuê nhà.

* Thưa ông, vì sao Công ty QLNCC không bố trí các hộ giải tỏa tái định cư vào NƠXH?

- Hiện nay, có sự thay đổi quy định pháp luật, cụ thể là trước đây chúng ta quản lý sử dụng căn hộ chung cư do thành phố đầu tư bằng vốn ngân sách theo Nghị định số 34/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 14/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng và các văn bản của HĐND thành phố, UBND thành phố. Trong đó có việc bố trí căn hộ cho hộ giải tỏa tái định cư không thu tiền thuê nhà nếu ở đúng đối tượng.

Hiện nay theo Luật Nhà ở năm 2014, Hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10-12-2015) và Thông tư 19/2016/TT-BXD (có hiệu lực từ 15-8-2016) khẳng định nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (SHNN) có 4 loại: Nhà công vụ, NƠXH, nhà ở tái định cư, nhà ở cũ. Về việc đầu tư, quản lý vận hành, cách thức tính giá  thuê, thuê mua, mua và hợp đồng thuê nhà đều khác nhau.

Điều này có nghĩa các quy định mới tại Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đối với từng loại nhà cụ thể nhà ở thuộc SHNN: Đối với nhà ở công vụ thì chỉ cho thuê. Đối với NƠXH thì được cho thuê, thuê mua. Đối với nhà ở tái định cư thì được thuê, thuê mua, mua. Đối với nhà cũ thì cho thuê và bán.

Gần 9.000 căn hộ chung cư do công ty đang quản lý là NƠXH thuộc vốn ngân sách Nhà nước. Thực hiện Luật Nhà ở, công ty đã thông báo về việc dừng chuyển đổi tên quyền ký hợp đồng thuê nhà ở chung cư của các hộ giải tỏa, đồng thời chưa bố trí các hộ giải tỏa tái định cư vào NƠXH của thành phố.

* Như vậy, hộ bị giải tỏa thuộc trường hợp nào thì được bố trí căn hộ chung cư NƠXH do thành phố quản lý? Họ có phải ký hợp đồng thuê nhà với công ty không, thưa ông?

- Căn cứ Luật Nhà ở, tại khoản 10 Điều 49, các trường hợp giải tỏa nếu được bố trí vào NƠXH phải đáp ứng đầy đủ đối tượng và điều kiện theo hướng dẫn của Nghị định 99/2015/NĐ-CP và Thông tư 19/2016/TT-BXD như sau: Chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở; có nhà hợp pháp thuộc diện bị giải tỏa khi Nhà nước thu hồi đất (đã được công nhận quyền sở hữu); có đất gắn với nhà ở và phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở và không có chỗ ở nào khác; phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có NƠXH; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố, đồng thời phải đóng BHXH từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố nơi có NƠXH.

Đồng thời, phải có đơn đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở phục vụ tái định cư theo mẫu phụ lục số 08 ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành. Nếu các hộ giải tỏa được bố trí vào NƠXH thì sẽ mất đi quyền lợi của người tái định cư. Các hộ giải tỏa trước đây được bố trí chung cư vẫn giữ nguyên.

Hiện nay, công ty chưa bố trí cho các đối tượng giải tỏa được bố trí NƠXH vì đơn vị cơ quan quản lý nhà tại địa phương chưa trình cho chủ sở hữu phê duyệt về giá thuê nhà tái định cư, vận hành cũng như công tác tài chính của nhà tái định cư.

* Công ty QLNCC sẽ tham mưu xử lý như thế nào đối với 560 hộ không chính chủ đang ở nhà chung cư của thành phố nhưng không đóng tiền thuê nhà?

- Số liệu 560 hộ không chính chủ đang ở nhà chung cư của thành phố nhưng không đóng tiền thuê nhà hằng tháng, do đơn vị báo cáo cụ thể những vướng mắc, tồn đọng trong buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND thành phố vừa qua. Tuy nhiên, số liệu đến nay đã giảm xuống sau khi đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát chung cư.

Đây là vấn đề nảy sinh từ trước khi thành lập Công ty QLNCC. Lúc đó các Ban Quản lý dự án được quyền bố trí căn hộ chung cư cho hộ giải tỏa nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai dự án. Trong quyết định chỉ ghi là bố trí căn bộ chung cư nên nhiều hộ dân hiểu nhầm “bố trí” tức là cấp không cho họ căn hộ chung cư, nên xảy ra tình trạng chuyển nhượng trái phép căn hộ chung cư, ở không chính chủ tại các khu chung cư Hòa Minh, Thuận Phước..., nên công ty không có cơ sở để ký hợp đồng thuê nhà chung cư, dẫn đến việc công ty không thu tiền thuê nhà được.

Hướng xử lý việc này là tổ chức ký hợp đồng thuê nhà lại đối với các hộ này để hợp thức hóa việc sử dụng căn hộ chung cư cho đúng quy định. Trước khi ký hợp đồng, Công ty QLNCC sẽ phối hợp với UBND phường nơi có nhà chung cư rà soát những hộ đang ở ổn định từ 3 năm trở lên, lập danh sách đăng công khai trên báo chí trong một thời gian cụ thể. Sau thời hạn đó, nếu không có ai tranh chấp quyền thuê căn hộ chung cư, Công ty QLNCC sẽ trình Sở Xây dựng và UBND thành phố cho tiến hành ký hợp đồng cho thuê đối với các hộ này.

* Thưa ông có ý kiến cho rằng: Nên tăng cho thuê mua, bán căn hộ chung cư do thành phố quản lý để vừa tăng thu ngân sách và giảm tình trạng thành phố phải “bao cấp” nhà ở, vừa tăng ý thức bảo quản khi sử dụng của chủ căn hộ. Theo ông, đây có phải là một giải pháp tăng hiệu quả quản lý nhà chung cư do thành phố quản lý?

- Hiện nay, công ty đang thực hiện bán thí điểm khu nhà T1, T2 chung cư 12 tầng tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà để tái đầu tư NƠXH, đã thu nộp ngân sách trên 61 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện bán thí điểm 2 block Khu chung cư Phong Bắc. Việc giải quyết theo hình thức bán thuê mua, có thể tiến hành trong vài năm tới. Việc bán thuê mua chỉ nên áp dụng với các khu từ 7 tầng trở lên có đầy đủ thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) bảo đảm, có giá trị đầu tư cao mới có cơ sở tái đầu tư NƠXH. Nhà 5 tầng trở xuống không có hệ thống PCCC, giá trị đầu tư thấp nếu bán thuê mua sẽ dẫn đến hậu quả như 22 khu nhà tập thể xuống cấp trên địa bàn nội thị hiện nay.

Thành phố đã đầu tư vào đây trên 2.500 tỷ đồng để đưa thành phố Đà Nẵng có quỹ NƠXH rất lớn với gần 9.000 căn hộ chung cư dùng để cho thuê. Đây là kết quả của chương trình “Có nhà ở” trong chương trình “Thành phố 3 có” mà lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ rất tâm huyết. Rất nhiều người nghèo, hộ chính sách, CBCCVC khó khăn về nhà ở được thụ hưởng từ chương trình này.

Rõ ràng an cư mới lạc nghiệp, có chỗ ở ổn định người ta tính đến việc khác. Có nhà ở chính là cái gốc của chính sách bảo đảm an sinh xã hội của thành phố, đã là an sinh xã hội thì đừng tính toán lợi nhuận gì ở đây.

Mới đây, thành phố có chủ trương xây dựng “Thành phố 4 an” chính là sự kế thừa,  phát huy chương trình “Thành phố 5 không” và “Thành phố 3 có” trước đây. Tôi cho rằng, để bảo đảm an sinh xã hội, thành phố có “bao cấp” trong thực hiện chính sách, pháp luật về NƠXH là việc cần phải làm để gìn giữ thành quả từ việc đầu tư trên 2.500 tỷ đồng cho NƠXH.

Đồng thời cần phải xử lý những bất cập để bảo đảm kinh phí phục vụ sửa chữa, duy tu, bảo trì nhà chung cư được kịp thời; tạo mọi điều kiện, giúp đỡ, chia sẻ, thông cảm cho đơn vị quản lý NƠXH thuộc sở hữu Nhà nước nhằm bảo đảm an sinh xã hội được tốt hơn.

*Cảm ơn ông!

SƠN TRUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.