Chính trị - Xã hội

Ra đi, Bác dặn: "Còn non nước..."

09:29, 01/09/2016 (GMT+7)

Kỷ niệm Quốc khánh 2-9 lần thứ 71 năm nay cũng là dịp cả dân tộc Việt Nam ta tưởng nhớ 47 năm Bác Hồ vĩnh viễn ra đi. Một cảm xúc thành kính thiêng liêng của triệu triệu người con dân tộc Việt hướng về lãnh tụ kính yêu, xen lẫn với bao nỗi niềm muốn thưa cùng Bác.

Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại, khi nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, Người đã biểu hiện quyết tâm sắt đá và niềm tin mãnh liệt vào tương lai: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người, Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.

Đó là nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về chiến công huy hoàng của cả dân tộc “thắng giặc Mỹ”. Nhưng còn bao nhiêu cuộc chiến đấu khác, bao thứ “giặc” khác mà chúng ta phải đương đầu. Giặc nội xâm, giặc ngoại xâm. Chưa bao giờ những cụm từ như “bất trắc”, “khó lường” lại trở nên hiện hữu thực tế như lúc này.

Có thể là Người không nói hết mọi điều suy nghĩ trong một bản Di chúc cô đúc, ngắn gọn. Nhưng với một trí tuệ anh minh, thiên tài như Bác, với tâm hồn mang nặng “nỗi đau dân nước, nỗi năm châu”, chắc hẳn là Người muốn gửi gắm trong đây cái nhìn xuyên thấu lịch sử, cả quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai. Nhớ lại, trong thư khen cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các địa phương đã anh dũng chiến đấu hy sinh, làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ tháng 5-1954, chỉ một ngày sau khi chiến trường im tiếng súng, trong khí thế hân hoan của cả nước, Người không quên căn dặn: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch”. Bác còn nhấn mạnh thêm: “Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn…”. Sau đó, trong buổi gặp hẹp hơn khi đến chúc mừng Bộ Tổng tham mưu và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, bằng sự từng trải và nhãn quan nhìn xa trông rộng của mình, Bác lại căn dặn tiếp: “…Chúc mừng chú thắng trận. Nhưng đừng chủ quan, các chú còn phải đánh với Mỹ nữa. Sớm hay muộn gì chúng cũng sẽ nhảy vào Đông Dương thế chỗ Pháp…”. Và tất cả chúng ta đã chứng kiến, đã trải qua, đã tận mắt nhìn thấy những gì Bác đã dặn dò, ngay từ những ngày mọi thứ còn đang chưa định hình trước mắt ấy.

Chúng ta cũng không ai quên câu nói lịch sử của Bác tại Đền Hùng trong buổi trò chuyện với cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 (ngày 19-9-1954) trước khi về tiếp quản Thủ đô: “Hùng Vương là người sáng lập ra nước ta, là Tổ tiên của dân tộc ta… Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Chắc hẳn Người đang suy nghĩ và muốn trao dặn lại thế hệ kế tiếp: Dựng nước đã khó, giữ nước sẽ càng khó hơn!

Và lịch sử dân tộc vẫn đi tiếp những chặng đường đầy gian nan thử thách khốc liệt nhưng cũng đầy thắng lợi huy hoàng.

Nhưng lịch sử không đi theo con đường thẳng đã vạch sẵn. Lịch sử thường đi những lối không ngờ! (Tố Hữu). Phải chăng, Bác của chúng ta đã tiên lượng nhiều khúc quanh bất ngờ của lịch sử. Năm 1960, những bất hòa trong phong trào cộng sản quốc tế khiến Người phải suy nghĩ, ưu tư. Buổi chiều ngày 6-12-1960, Bác trở về nước sau cuộc hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân thế giới, Tố Hữu đã đọc thấy nỗi ưu tư của Bác: Bác về tóc có bạc thêm/ Năm canh bốn biển có đêm nghĩ  nhiều. (“Cánh chim không mỏi”- tập Gió lộng). Sau đó mấy năm, trong Di chúc, Bác bày tỏ trực tiếp tâm sự của mình: “là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”. Phải chăng Người đã hình dung những bất trắc sẽ còn diễn ra, không chỉ là sự “bất hòa” về quan điểm mà còn bao nhiêu diễn biến khó lường khác.

Những gì đã diễn ra trong mấy thập kỷ qua, từ sau ngày đất nước ta hoàn toàn thống nhất, bắt đầu từ sự kiện biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, tiếp đó là những đụng độ trên khu vực biển đảo thuộc chủ quyền lãnh hải nước ta những năm gần đây đã cho thấy lịch sử đã bước đi những lối rẽ bất ngờ nhất, kể cả trong chính lịch sử của “phong trào cộng sản và công nhân quốc tế” như Bác chúng ta đã từng quan tâm khi nó mới chỉ là những mối “bất hòa”. Những tham vọng bá quyền vẫn ngày đêm muốn gặm nhấm mảnh đất thân yêu của dân tộc ta, trên đất liền, nơi hải đảo. Chúng ta đã và đang kiên quyết, kiên trì, bằng biện pháp ngoại giao hòa bình để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vũ khí huyền diệu nhất của chúng ta lúc này lòng yêu nước và tư thế của một dân tộc chính nghĩa, cùng với sự hỗ trợ của luật pháp quốc tế.

Và lúc này đây, ôn lại Di chúc Bác, chúng ta như vẫn thấy Bác bên mình, truyền cho ta một niềm tin mãnh liệt: Chúng ta còn non, còn  nước, còn người, còn lớp lớp thế hệ những người con ưu tú của dân tộc, những người yêu nước nhiệt thành, không run sợ trước mọi thủ đoạn hăm dọa, không vì chút lợi lộc trước mắt mà quên đi lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc. “Còn non, còn nước, còn người”, nhất định không có khó khăn thử thách nguy nan nào khiến dân tộc ta chùn bước, không có kẻ thù nào chúng ta không đánh thắng, cho dù “năm năm, mười năm, hai mươi năm hay lâu hơn nữa”.

NẠI HIÊN

.