.

Vì sao phát hiện tham nhũng ở cấp tỉnh, bộ ngành quá ít?

.

Thực tế chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở xã, phường hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng, còn ở cấp tỉnh, bộ, ngành phát hiện và xử lý còn ít.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Đây là vấn đề được đặt ra tại phiên họp thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chiều 9/7

Chỉ có 5 người đứng đầu bị xử lý hình sự

Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2016, có 18 người thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự, con số này giảm hơn 155% so với cùng kỳ năm 2015. Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng điều này chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể các trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, nhất là 5 trường hợp người đứng đầu bị xử lý hình sự được nêu trong báo cáo là do họ có hành vi tham nhũng hay do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Còn theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong, chính việc giao cho thủ trưởng tự kiểm tra quân của ngành mình là một “điểm nghẽn” trong công tác PCTN.

Liên quan đến ý kiến cho rằng còn có biểu hiện chưa coi trọng việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, đây cũng là hạn chế mà Chính phủ đã nghiêm túc chỉ ra khi tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN.

Nguyên nhân được chỉ ra là do còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích.

“Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị”, Tổng Thanh tra Chính phủ thẳng thắn và cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ có những đề xuất sửa đổi Luật PCTN để khắc phục những hạn chế trên.

Còn 5 trường hợp xử lý hành chính hình sự đối với người đứng đầu nêu trong báo cáo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã nắm được địa chỉ. Cụ thể là Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp; Chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội); Trưởng Công an xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội); Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (Hà Nội) và Chi cục Trưởng Hải quan sân bay Nội Bài.

“Cụ thể có phải địa phương xử lý hình sự trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng hay là xử lý người đứng đầu tham nhũng thì sẽ kiểm tra rõ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội” – Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu cho biết.

Phát hiện tham nhũng ở cấp tỉnh, bộ ngành còn ít

Báo cáo Ủy ban Tư pháp nêu rõ, qua khảo sát ở một số tỉnh cho thấy, tỷ lệ cho hưởng án treo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử dưới khung luật định đối với các vụ án tham nhũng tại địa phương còn cao.

Ví dụ, Thanh Hóa xét xử 8 bị cáo về các tội danh tham nhũng, cho hưởng án treo 3 bị cáo, 25% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Nghệ An xét xử 7 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì cho 3 bị cáo được hưởng án treo, 100% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Thực tế cho thấy tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, phường, thị trấn hoặc những vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, còn ở cấp tỉnh, cấp huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn ít. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, các ngành cần đánh giá rõ hơn về nguyên nhân của tình trạng này.

Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cũng nêu lên một thực tế hiện nay chỉ có dân và nhà báo tố tham nhũng, còn cán bộ, đảng viên thì giấu cho thủ trưởng.

Cùng quan điểm, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng, cán bộ công chức viên chức hiện “tê liệt”, không dám tố giác tham nhũng vì sợ bị trù dập, mất lương nên phải có cơ chế, chính sách để bảo vệ.

Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu cũng thẳng thắn chỉ rõ trình độ, năng lực, nghiệp vụ chuyên môn của một bộ phận cán bộ thanh tra còn hạn chế, nên chưa phát hiện được nhiều tội phạm tham nhũng. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng khi sửa Luật PCTN nhằm tạo điều kiện cho cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có điều kiện xem xét, kết luận rõ về hành vi có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sau đó chuyển ngay cho cơ quan tố tụng.

Để chỉ rõ được “nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt công tác PCTN”, Thanh tra Chính phủ đã ban hành bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN năm 2016, trước mắt áp dụng đối với UBND cấp tỉnh.

Hiện nay đã có 37 địa phương thực hiện xong việc chấm điểm công tác PCTN. Thanh tra Chính phủ đang cử 3 tổ công tác đôn đốc, hướng dẫn các địa phương chưa hoàn thành việc chấm điểm, kiểm tra, rà soát để bảo đảm việc chấm điểm được chính xác, đúng tiêu chí, kết quả phải có bằng chứng cụ thể. Phấn đầu sẽ hoàn thành việc chấm điểm đối với 63 địa phương trong tháng 9 này để kịp thời báo cáo với Quốc hội.

Theo Hiếu Minh/VOV

;
.
.
.
.
.