“Chủ động, tích cực, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó bão Sarika (bão số 7) nói riêng và thiên tai nói chung nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến về ứng phó với bão số 7 diễn ra chiều 16-10. Hội nghị trực tuyến được triển khai tại 22 điểm cầu từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc phòng, chống bão số 7. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Bão số 7 có tầm ảnh hưởng rộng
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, đến chiều 16-10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 750km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16. Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 10 giờ ngày 17-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17. Theo ông Cường, sau khi vượt qua quần đảo Hoàng Sa, bão sẽ chệch hướng Tây, bão có cường độ mạnh cấp 13, 14 và duy trì ở cấp 14. Đây là cơn bão có cường độ mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, tầm ảnh hưởng rất rộng.
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định bão số 7 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp; nếu đường đi của bão không thay đổi so với dự báo thì đây là cơn bão muộn, trái mùa đối với khu vực Bắc Bộ và xảy ra trong bối cảnh mưa lũ liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày ở Bắc Trung Bộ. Vì vậy, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương đề nghị các cơ quan, đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực tính toán ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão triển khai tính toán theo thời gian thực đối với bão số 7 để xác định vùng có nguy cơ ngập, mức độ ngập làm cơ sở để hỗ trợ quyết định chỉ đạo việc sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa chủ động nắm bắt thông tin, duy trì công tác trực ban, thông báo cho tàu thuyền thoát khỏi các vùng nguy hiểm; kiểm đếm tàu thuyền, giữ liên lạc với các tàu thuyền. Căn cứ tình hình dự báo thời tiết để chủ động cấm biển, cho học sinh nghỉ học, chằng chống, cắt tỉa cây xanh đô thi; kiểm tra an toàn hồ đập, rà soát các công trình trọng điểm, các khu vực dân cư ven biển để có biện pháp di dời khi cần thiết. Bộ Giao thông vận tải bảo đảm an toàn các tàu vận tải, kiểm tra việc neo đậu phương tiện được an toàn, bảo đảm an toàn cả đường sắt, đường bộ, đường không và đường thủy. Bộ Công thương bảo đảm an toàn hệ thống điện, hệ thống hầm lò khai thác khoáng sản. Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn với các Bộ, ngành địa phương trong việc chằng chống các công trình nhà cửa, các tháp, các công trình đang xây dựng có máy móc, thiết bị đang thi công, an toàn hồ đập, thủy điện…
Đà Nẵng, không lơ là, chủ quan
Sau Hội nghị trực tuyến của Trung ương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành để triển khai công tác phòng chống bão số 7. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và công điện ứng phó mưa lũ, bão số 7; chủ động, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão và mưa lũ.
Ông Hồ Kỳ Minh đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền thành phố; phối hợp với các địa phương và Cảnh sát giao thông đường thủy, Chi cục Thủy sản tổ chức di dời tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và Vịnh Mân Quang, nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn; hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu và sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn. Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo các địa phương thông báo tình hình bão, mưa lũ cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh; sẵn sàng phương án phòng chống bão, lũ, triển khai phương án sơ tán nhân dân tại những vùng trũng, thấp, vùng ven biển, sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại khu vực ven sông Cu Đê, Túy Loan; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống để phòng lũ lớn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán nhân dân và cứu nạn kịp thời ở các khu vực nguy hiểm.
Bên cạnh đó, đề nghị Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện và các sở liên quan đến công tác xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khẩn trương tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng; phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai các biện pháp phòng chống ngập tại các khu dân cư; thực hiện công tác chằn chống nhà cửa, tăng cường ổn định cho các nhà tạm chờ tái định cư; tháo dỡ các đường công vụ chắn ngang các tuyến thoát lũ để tăng cường khả năng thoát lũ, nhất là tại khu vực hạ du hồ Hòa Trung và các khu tái định cư Hòa Liên.
Sở Thông tin và Truyền thông triển khai việc thông báo rộng rãi tình hình bão cho nhân dân biết, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt kể cả trong bão. Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng có phương án bảo đảm an toàn điện trong thời gian có bão, lũ và nhanh chóng tổ chức khắc phục sự cố điện sau bão lũ. Sở Y tế sẵn sàng công tác cấp cứu, thuốc men; Sở Công thương chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, nhiên liệu để sẵn sàng hỗ trợ khi thiên tai xảy ra. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng phối hợp với UBND huyện Hòa Vang và các đơn vị, liên quan quản lý tốt hồ chứa. Các lực lượng quân đội, công an đóng trên địa bàn thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ nhân dân sơ tán cũng như khẩn trương cứu nạn khi có thiên tai xảy ra…
NGỌC PHÚ
* Trước diễn biến của bão Sarika, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng bảo đảm quân số thường trực 24/24 giờ, bảo đảm thông tin liên lạc để kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển nhanh chóng tìm nơi trú tránh, cùng với việc tổ chức bắn pháo hiệu để ngăn cấm tàu thuyền ra khơi và kịp thời thông báo các tàu thuyền tìm nơi tránh bão.
Tính đến 17 giờ ngày 16-10, Đà Nẵng còn 10 phương tiện/83 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó có 2 tàu/22 lao động ở vùng biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi; 5 tàu/40 lao động di chuyển tránh bão tại Quy Nhơn, Bình Định; 2 tàu/14 lao động hoạt động tại vùng biển Khánh Hòa; 1 tàu hoạt động tại vùng ven biển Đà Nẵng và đang di chuyển vào bờ. BĐBP thành phố Đà Nẵng đã liên lạc được với tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển.
Hiện nay, BĐBP thành phố duy trì nghiêm 5 trạm thông tin liên lạc trên biển và kêu gọi, hướng dẫn 28 phương tiện/253 lao động biết hướng di chuyển của bão để tìm nơi trú tránh an toàn; bố trí 10 tàu, 14 xuồng, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Đồn Biên phòng Sơn Trà phối hợp với Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang hướng dẫn, sắp xếp neo đậu trú tránh bão cho 747 phương tiện tại Âu thuyền Thọ Quang.
BÁ VĨNH
29 người chết và mất tích do lũ Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 16-10, lũ lụt ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã làm 21 người chết, trong đó Nghệ An 2 người, Hà Tĩnh 2 người, Quảng Bình 15 người, Thừa Thiên - Huế 2 người; 8 người mất tích, trong đó Hà Tĩnh 1 người, Quảng Bình 7 người; 18 người bị thương, trong đó Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 3 người, Huế 2 người. Lũ, lụt cũng đã làm hơn 100.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại nặng và hàng trăm con gia súc chết, bị nước cuốn trôi. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các địa phương tập trung tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi nạn nhân các gia đình có người chết, mất tích. Không được để bất kỳ người dân nào, hộ gia đình nào bị đói. Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương sau khi lũ rút phải khôi phục hạ tầng để tiếp tục sản xuất, sửa chữa nhà cửa cho người dân để sớm ổn định cuộc sống; đồng thời tiến hành vệ sinh môi trường, chú ý nước sạch cho người dân, tẩy rửa môi trường để không xảy ra dịch bệnh, các khu chăn nuôi an toàn. Không được để xảy ra sự cố liên quan đến các hồ, đập thủy điện. |