Chính trị - Xã hội
Chủ tịch nước: "Trịnh Xuân Thanh trốn đi đâu cũng bị lôi ra ánh sáng"
"Vụ Trịnh Xuân Thanh, các cơ quan chức năng đã vào cuộc tích cực khởi tố vụ án, truy nã quốc tế, kiên quyết làm sáng tỏ. Dù có lẩn trốn đi đâu thì đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật cũng bị lôi ra ánh sáng. Trốn ra nước ngoài 5-6 năm cũng không thoát", Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trò chuyện với bà con cử tri TPHCM |
Sáng 4/10, Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi tiếp xúc cử tri quận 1, 3, 4 để lắng nghe ý kiến của cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14.
Tại hội nghị, cử tri TPHCM đã đề nghị nêu rõ quan điểm chống tham nhũng, xử lý các đối tượng tham nhũng và đặc biệt là vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Đáp lại sự quan tâm của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Đảng, Nhà nước luôn coi tham nhũng, lãng phí là quốc nạn, là giặc nội xâm. Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Hàng trăm vụ án kinh tế tham nhũng, những đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử nghiêm minh.
Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chủ trì cuộc họp để quán triệt công tác tiếp tục phát hiện, đấu tranh xử lý đối tượng tham nhũng, lãng phí. Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo đưa ra 6 vụ án kinh tế lớn mà dư luận đặc biệt quan tâm ra xét xử.
"Đảng và Chính phủ đang, còn và sẽ tiếp tục chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, tuyên chiến, kiên trì đấu tranh với tham nhũng, lãng phí. Chúng tôi coi đây là giặc nội xâm, ảnh hưởng sự tồn vong của nước ta", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch nước, mặc dù công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thời gian qua có kết quả tích cực nhưng quốc nạn này vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc cho nhân dân. Công tác tập trung thu hồi tài sản mà các đối tượng tham nhũng chiếm đoạt cũng gặp nhiều khó khăn nhất định do đối tượng tham nhũng lấy tiền nhà nước đi chi tiêu bừa bãi.
"Khâu phát hiện rất khó khăn và đối tượng tham nhũng không dễ gì bắt hết. Khi bị phát hiện, chúng có nhiều biện pháp, thủ đoạn che đậy", Chủ tịch nước nói.
Do đó, Chủ tịch nước đề nghị phải tăng cường công tác phòng ngừa để các đối tượng tham nhũng không có điều kiện tham nhũng. Phải ban hành các cơ chế chính sách không tạo kẽ hở để đối tượng tham nhũng lợi dụng. Cần có cơ chế bảo vệ người tố giác, phát huy vai trò của báo chí trong vai trò chống tham nhũng.
Lần đầu tiên cử tri 3 quận (1, 3, 4) của TPHCM cùng tham gia một hội nghị tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội. |
Nhắc lại những vụ việc cụ thể như vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang với những sai phạm trong thời điểm điều hành Tổng công ty Xây lắp dầu khí PVC, Chủ tịch nước cho biết, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan đã vào cuộc đồng bộ, tích cực. Những sai sót thuộc cá nhân, tổ chức nào thì tuỳ tính chất, mức độ để xử lý, từ rút kinh nghiệm đến hình sự.
Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và đang truy nã trong nước cũng như quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Với những lo ngại về khả năng Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài trước khi vụ án được khởi tố, truy nã, Chủ tịch nước khẳng định, trước đây có đối tượng trốn ra nước ngoài 5-6 năm cũng không thoát. Điển hình là vụ Dương Chí Dũng (Vinashin) dù trốn ra nước ngoài cũng bị bắt; sắp tới, cơ quan tố tụng cũng sẽ đưa ra xét xử Giang Kim Đạt (Vinalines) bị bắt vào tháng 7/2015 sau nhiều năm lẩn trốn ở nước ngoài.
"Các cơ quan chức năng đã vào cuộc tích cực, kiên quyết làm sáng tỏ vụ việc Trịnh Xuân Thanh. Dù có lẩn trốn đi đâu thì đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật cũng bị lôi ra ánh sáng. Phải điều tra xử lý đến nơi đến chốn. Không có vùng cấm, không chịu áp lực nào trong phòng chống tham nhũng, lãng phí", Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.
Chủ tịch nước cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ rà soát lại tất cả quy trình quy chế trong việc phân công, bổ nhiệm cán bộ. "Phải đúng quy trình thực chất chứ đừng như kiểu đúng quy trình nhưng không thực chất mà báo chí nêu", Chủ tịch nước nói.
Công Quang
Theo Dân trí