Chính trị - Xã hội

Chuyện cuối tuần

Khơi thông sông đào di sản

08:15, 15/10/2016 (GMT+7)

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp chống nhiễm mặn, thiếu nước và bảo đảm nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tỉnh Quảng Nam đang có chủ tương xây dựng đập cứng chặn sông Vĩnh Điện nhằm ngăn mặn, giữ ngọt bền vững không chỉ gây nhiều phản ứng trái chiều, còn gây bức xúc về ứng xử với di sản lớn của cha ông.

Theo “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, từ năm Minh Mạng thứ ba (1822) đến năm Minh Mạng thứ sáu (1825), vua 3 lần cắt cử quần thần huy động dân công đào sông Vĩnh Điện. Đến năm Minh Mạng thứ bảy (1826), vua lại sai sửa sang đường sông, mở rộng miệng sông để đón tiếp nước hợp lý từ trên sông lớn (sông Thu Bồn) để tránh bồi lấp. Năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), sông Vĩnh Điện được khắc trên Dụ đỉnh thuộc Cửu Đỉnh đúc bằng đồng trong quần thể kiến trúc Kinh thành Huế.

PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ với phóng viên Báo Đà Nẵng rằng, khi đi thuyền trên sông Vĩnh Điện, ông hết sức ngạc nhiên trước tầm nhìn và giá trị di sản của cha ông để lại.

Giá trị của con sông đào di sản này bị bỏ quên đã lâu, nay rất phù hợp để “khơi thông” và sử dụng lại sông vì lợi ích nhân sinh. Theo PGS.TS Trần Tân Văn, hiện có một đứt gãy dọc sông Vu Gia theo hướng đông bắc - tây nam làm cánh phía bắc đã nâng lên thành một khối nâng dạng vòm với đường kính hàng cây số đang chặn dần dòng chảy sông Vu Gia, dẫn đến tích tụ phù sa, bồi lắng lòng sông, cản trở dòng chảy về Đà Nẵng.

Trước mắt, vẫn có thể nạo vét, thậm chí đào sâu hẳn xuống với khối lượng nạo vét rất lớn, kéo dài hàng cây số để khơi thông dòng chảy với chi phí vô cùng đắt, nhưng về lâu dài, xu hướng trên vẫn tiếp diễn. Vì thế, Đà Nẵng và Quảng Nam cần phải hợp tác “khơi thông” lại sông Vĩnh Điện để chia sẻ nước từ sông Thu Bồn cho Đà Nẵng.

Trong quá trình bàn thảo và thực hiện nội dung liên kết giữa Đà Nẵng - Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần đề nghị nạo vét, khơi thông cửa sông Vĩnh Điện - Thu Bồn để nước từ sông Thu Bồn chảy về đẩy mặn, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân thành phố trong bối cảnh tác động của các nhà máy thủy điện làm nước sông Cầu Đỏ thường xuyên bị nhiễm mặn nặng trong những năm qua. Tuy nhiên, với lý do tiến hành nạo vét sẽ gây xói lở bờ sông nên tỉnh Quảng Nam không đồng ý.

Trong bối cảnh hiện nay và tương lai, việc “khơi thông” sông Vĩnh Điện để bảo đảm cấp nước cho thành phố Đà Nẵng là biện pháp phù hợp. Bởi bản chất của việc thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia là do nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 chuyển gần một nửa trữ lượng nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện. Một bất lợi nữa cho hạ du là hiện tỷ lệ phân chia nước sông Vu Gia về sông Quảng Huế đã tăng lên gấp đôi so với trước đây, còn lưu lượng nước về sông Yên, sông Cầu Đỏ giảm đi và xu hướng này đang tiếp diễn.

Lòng sông Quảng Huế đang bị xói sâu và mở rộng, trong khi lòng sông Vu Gia đang bị bồi lấp, đáy sông bị nâng lên. Điều này đồng nghĩa rằng, cùng với một cao trình mực nước sông Vu Gia tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa nhưng lượng nước về hạ du bị giảm đi so với trước đây. Vì thế, việc chia nước về sông Vu Gia từ các nhà máy thủy điện không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước. Do đó, việc chia nước về Đà Nẵng từ sông Thu Bồn thông qua sông Vĩnh Điện là bức thiết. Nếu thực sự như vậy, nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 chỉ cần trả dòng chảy môi trường về sông Vu Gia, thoải mái xả nước phát điện về sông Thu Bồn, các bên đều có lợi.

Cần xem việc “khơi thông” sông đào di sản Vĩnh Điện như là giải pháp đa mục tiêu, vừa bảo đảm nguồn nước cho hạ du sông Vu Gia, vừa khơi thông tuyến du lịch đường sông từ Đà Nẵng lên Thánh địa Mỹ Sơn để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế dân doanh và khôi phục lại tuyến giao thông đường thủy quan trọng này thành tuyến vận chuyển hàng hóa đặc thù, phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương dọc tuyến.

HOÀNG HIỆP

.