Chính trị - Xã hội

Dành mọi nguồn lực cho khuyến nghề

08:22, 29/10/2016 (GMT+7)

Khuyến học là hoạt động thể hiện khá rõ nét truyền thống hiếu học của người Việt. 20 năm qua, Hội Khuyến học thành phố đã đóng góp rất nhiều cho nỗ lực phục hưng truyền thống hiếu học ở Đà Nẵng theo hai hướng: một là hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần những người hiếu học nhưng lại thiếu điều kiện để đến trường; hai là tôn vinh về tinh thần và tặng thưởng về vật chất cho những người không chỉ hiếu học mà còn học giỏi. Gắn khuyến học với khuyến tài như vậy là rất đúng, bởi hoạt động khuyến học vừa chắp cánh cho những mầm mống của tài năng có điều kiện bộc lộ nảy nở như mong đợi, lại vừa tiếp sức cho những người yếu thế trong xã hội có thể vượt khó để được bình đẳng về cơ hội học tập và không ít trường hợp còn đủ sức vươn lên học giỏi - nghĩa là cùng lúc được khuyến học lẫn khuyến tài.

Nhân dân Đà Nẵng rất biết ơn những người hoạt động khuyến học tiêu biểu như nhà giáo Phạm Đình Hảo..., đã dày công gầy dựng phong trào khuyến học kết hợp khuyến tài ngay từ ngày đầu thành phố này trực thuộc Trung ương. Song, bản thân những người hoạt động khuyến học luôn ghi nhớ câu nói nổi tiếng của Jaurès từng được long trọng nhắc lại giữa diễn đàn đại hội của Quốc tế thứ hai năm 1920, lúc Nguyễn Ái Quốc đang cùng những đồng chí của mình tích cực đấu tranh để chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Pháp, gia nhập Quốc tế thứ ba: “Trung thành với truyền thống nghĩa là phải đem hết sức mình tiến về phía tương lai, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó”.

Vì vậy, khi nhìn lại và tự hào với phong trào khuyến học Đà Nẵng 20 năm qua, những người hoạt động khuyến học thế hệ sau luôn tâm niệm rằng, để tỏ lòng tri ân thế hệ trước thì không chỉ phấn đấu đưa hai hướng khuyến học và khuyến tài lên một tầm cao mới, mà còn phải biết chảy ra biển, phải đem hết sức mình tiến về phía tương lai - như cách nói của Jaurès, nghĩa là phải biết đổi mới cách nghĩ, cách làm khuyến học sao cho phù hợp với đòi hỏi của nền giáo dục và đào tạo nước ta hiện nay, cụ thể là phải gắn khuyến nghề với khuyến học và khuyến tài nhằm tạo nên một định hướng mới.

Vì sao cần phải tạo thế 3 chân khuyến học - khuyến tài - khuyến nghề như vậy? Đó là bởi những người hoạt động khuyến học có tâm huyết không thể không quan ngại trước thực trạng sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí sau đại học chịu thất nghiệp ngày càng tăng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó không thể loại trừ nguyên nhân từ phía đào tạo: một bộ phận không nhỏ sản phẩm của các trường đại học không đáp ứng yêu cầu của đa số nhà tuyển dụng, chất lượng đào tạo của không ít sinh viên mới ra trường không tương thích với tấm bằng cử nhân, thậm chí với tấm bằng thạc sĩ. Thực trạng đại học... học đại ấy chính là kết quả không mong đợi của việc hướng nghiệp/phân luồng trong phổ thông - nói cách khác là do chúng ta chưa chú trọng hoặc chú trọng chưa đúng mức đến hoạt động khuyến nghề.

Khuyến nghề không phải là điều gì quá mới ở nước ta. Ông cha xưa từng bảo nhau và khuyên con cháu nào là “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, nào là “một nghề cho chín hơn chín mười nghề”... Rồi Luật Dạy nghề do Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29-11-2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2007 đã được thay thế bằng Luật Giáo dục nghề nghiệp do Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27-11-2014, qua đó góp phần đẩy mạnh hoạt động khuyến nghề, đẩy mạnh việc hướng nghiệp/phân luồng trong và sau phổ thông. Rồi cơ quan chủ quản hoạt động giáo dục nghề nghiệp là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng từng khuyến khích việc học nghề bằng nhiều chính sách ưu đãi, chẳng hạn như đã sớm ban hành Quyết định số 70/2008/QĐ-BLĐTBXH về học bổng khuyến khích học nghề...

Tuy nhiên, những động thái nêu trên dường như vẫn chưa đủ để tạo sự chuyển biến đáng kể trong việc khuyến nghề; dường như vẫn chưa đủ để hạn chế xu hướng tin rằng chỉ giáo dục đại học mới là chìa khóa duy nhất mở lối thành công. Đấy không chỉ là câu chuyện riêng của Việt Nam mà còn là câu chuyện của một số nước châu Á khác như Singapore, Trung Quốc... Theo Pasi Sahlberg - giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard, “ở các nước phát triển hiện đang hình thành xu hướng quốc tế rõ nét: hướng giáo dục nghề nghiệp trở thành sự chọn lựa thật sự cho ngày càng nhiều thanh niên”. Thế nhưng, nhiều nước - đặc biệt ở châu Á - vẫn xem giáo dục nghề nghiệp là “sự chọn lựa thứ cấp”.

Theo báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 7-5-2015, tình trạng nhiều người dân Singapore quyết tâm cho con vào đại học bằng mọi giá khiến Thủ tướng Lý Hiển Long đau đầu, bởi ông và chính phủ đang ra sức hạn chế số lượng sinh viên đại học trong bối cảnh các trường đại học Singapore cho ra lò ngày càng nhiều cử nhân không phù hợp với thị trường lao động, cũng như đang thuyết phục người dân của đảo quốc sư tử tin rằng không cần học đại học vẫn có công việc tốt.

Hoặc theo BBC News ngày 31-12-2015, cuối năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã tổ chức một cuộc thi kỳ lạ: thi tay nghề hóa thân hoàn vũ với hơn 50 người thạo nghề nhất Trung Hoa đại lục cùng tranh danh hiệu “người hỏa táng xuất sắc nhất”. Tuy là lần đầu tiên được tổ chức thi tài trên phạm vi toàn quốc, nhưng cuộc thi đã động chạm đến những vấn đề sâu sắc trong tâm can người Trung Quốc về cái chết, về việc sử dụng đất và về cả vấn đề đào tạo nghề nghiệp. Cuộc thi nhằm nâng cao hiểu biết xã hội về ngành hỏa táng... và thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển thêm lực lượng nhân công làm trong nghề này, đồng thời còn nhằm khuyến khích người trẻ chọn con đường học nghề...  

Tuy nhiên, đấy mới là kinh nghiệm khuyến nghề thu hoạch từ các cơ quan quản lý Nhà nước ở một số quốc gia châu Á và các chuyên gia hoạch định chính sách Việt Nam có thể tham khảo/vận dụng để đề ra chính sách khuyến nghề phù hợp với thực tiễn của nước ta. Còn đối với Hội Khuyến học, hoạt động khuyến nghề nên bắt đầu từ đâu?

Theo tôi, trước hết, các cấp Hội Khuyến học trong khi tiến hành hoạt động khuyến học và khuyến tài, cần quan tâm và thậm chí dành ưu tiên xét trao học bổng/phần thưởng cho học sinh các trường nghề, thay vì chỉ tập trung vào đối tượng học sinh và sinh viên như lâu nay. Thứ hai là các cấp hội khuyến học cần tổ chức một số hình thức vinh danh những thanh niên trưởng thành từ con đường giáo dục nghề nghiệp - trưởng thành ở đây hiểu theo nghĩa có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập và mức sống vượt lên mặt bằng chung. Thứ ba và quan trọng hơn nhiều là các cấp hội khuyến học cần tích cực góp phần giải quyết việc làm/tìm kiếm “đầu ra” cho những lao động xuất thân từ giáo dục nghề nghiệp.

Có thể nói, chỗ thiếu hấp dẫn nhất cũng là trở lực lớn nhất của giáo dục nghề nghiệp so với giáo dục đại học là sức cạnh tranh thấp về vấn đề tìm việc làm, trong bối cảnh đa phần nhà tuyển dụng - không chỉ ở khu vực công - đang ra sức đề cao yêu cầu về bằng cấp. Cho nên, muốn hướng đến hoạt động khuyến nghề, hội khuyến học các cấp cần chuyển hướng từ chỗ vận động các nhà hảo tâm - thường là các doanh nhân thành đạt - góp tiền cho quỹ học bổng khuyến học/khuyến tài/khuyến nghề, sang chỗ vận động họ góp cơ hội việc làm cho những lao động xuất thân từ giáo dục nghề nghiệp có đủ kiến thức/kỹ năng hành nghề và lòng yêu nghề, trên cơ sở kiên trì thuyết phục sao cho họ thấy rằng có những vị trí việc làm chỉ nên tuyển dụng người được đào tạo nghề thì mới bảo đảm hiệu quả và chất lượng dịch vụ/sản phẩm...

Thậm chí, theo thiển nghĩ của riêng tôi, trong hoạt động khuyến học đôi khi cũng nên cực đoan, phiến diện một chút thì mới hy vọng tạo được chuyển biến mang tính đột phá. Chẳng hạn, trong 5 năm hoặc 10 năm tới, các cấp hội khuyến học - trước hết là ở Đà Nẵng - không những gắn khuyến nghề với khuyến học và khuyến tài theo hướng ưu tiên cho khuyến nghề, mà còn là và chủ yếu tạm thời đồng nhất khuyến nghề với khuyến học và khuyến tài, hiểu khuyến học và khuyến tài chỉ là khuyến nghề, nhằm có thể tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động khuyến nghề, để sau ngần ấy năm có thể xoay chuyển tình hình, làm giáo dục nghề nghiệp ở nước ta nói chung, ở Đà Nẵng nói riêng có vị thế mới phù hợp với xu hướng quốc tế. Ở đời không phải không có trường hợp điều chỉnh sự mất cân đối này bằng một mất cân đối khác. Vậy thì trong một giai đoạn nhất định, nên chăng hãy dành tất cả cho khuyến nghề, khuyến nghề và khuyến nghề...

BÙI VĂN TIẾNG

.