.
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông

.

Với quyết tâm xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông đô thị, những năm qua, Đà Nẵng đã mạnh dạn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm và đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, tạo động lực góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội thành phố phát triển.

Ba năm gần đây, thành phố đã tập trung đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn, hiện đại, kết nối với các trục quốc lộ, mở rộng không gian đô thị. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nội thị của thành phố cũng được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.131,96km đường và 42 cầu trên 25m, với tổng chiều dài 11.086m; trong đó có 826,3km đường đô thị. Nhiều công trình trọng điểm về giao thông đã triển khai và đưa vào sử dụng góp phần thay đổi diện mạo của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại tạo động lực phát triển mới cho thành phố...

Để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, ngành GTVT tập trung huy động mọi nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; trong đó chú trọng hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm.

Nhằm tiếp tục phát triển hệ thống giao thông, thành phố tiếp tục triển khai một số công trình giao thông lớn như: Đường vành đai phía nam giai đoạn 2 (tuyến Hòa Phước - Hòa Khương), đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường Mai Đăng Chơn giai đoạn 2, tuyến đường gom dọc đường sắt từ ngã ba Huế đến Hòa Cầm.

Cùng với đó là triển khai nghiên cứu, xây dựng hầm chui tại các nút giao có mật độ giao thông cao như: Nút giao Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ - Lê Độ, nút giao phía tây cầu Sông Hàn; đường Trần Hưng Đạo nối dài, cầu số 1 và cầu số 2 (nối từ khu đô thị sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước quận Ngũ Hành Sơn đến đường Trần Hưng Đạo nối dài và đường Mai Đăng Chơn); lắp đặt hệ thống camera xử lý giao thông tuyến đường tránh nam hầm Hải Vân - Túy Loan và các tuyến đường trên địa bàn thành phố... Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tích cực làm việc với Bộ GTVT, Ngân hàng Thế giới để sớm triển khai dự án Di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố và xây dựng ga đường sắt mới, đồng thời tái thiết lại khu vực ga cũ thành một trung tâm dịch vụ.

Song song với đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, thành phố còn phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai một số dự án như: nâng cấp nhà ga hàng không quốc tế với công suất tiếp nhận 4 triệu hành khách/năm, đến nay, có gần 20 hãng hàng không nội địa và quốc tế với 35 tuyến bay trong và ngoài nước hoạt động.

Hiện nay, Cảng hàng không tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng nhà ga quốc tế để phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, dự kiến đến năm 2020 sẽ đáp ứng từ 11-13 triệu lượt hành khách mỗi năm. Cùng với đó, Cảng Đà Nẵng, bao gồm hai khu cảng chính là Xí nghiệp Cảng Tiên Sa và Xí nghiệp Cảng Sông Hàn với 1.493m cầu bến, thiết bị xếp dỡ và các kho bãi hiện đại phục vụ cho năng lực của cảng bảo đảm vận chuyển hàng hóa đạt 5,5 triệu tấn/năm.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành việc chuyển đổi công năng Cảng Sông Hàn trở thành cảng phục vụ du lịch, đồng thời đôn đốc triển khai mở rộng Cảng Tiên Sa (giai đoạn 2) và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu làm cơ sở để kêu gọi các nhà đầu tư.

Với sự đầu tư mạnh mẽ và đúng hướng, hy vọng trong thời gian tới, hạ tầng giao thông của Đà Nẵng tiếp tục đổi thay mạnh mẽ, đồng bộ, hiện đại, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.

Thành Lân

;
.
.
.
.
.