Chính trị - Xã hội
Khu nuôi cá Bàu Tràm: Phê duyệt một đường, làm một nẻo
Sau 3 năm được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch, Dự án Khu nuôi cá Bàu Tràm (thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đến nay vẫn còn dang dở, đất đai nhiều khu vực bị xới tung, các hạng mục phụ trợ như hệ thống cấp, thoát nước, đường giao thông vẫn chưa hình thành. Mới đây, UBND thành phố đã có công văn yêu cầu tạm dừng thi công giai đoạn 2 của dự án khi phát hiện nhiều sai phạm từ đơn vị được phép thi công.
Nhiều khu vực trong dự án khu nuôi cá Bàu Tràm được cải tạo vượt độ sâu cho phép để tận dụng khai thác khoáng sản, không phù hợp việc nuôi cá. Ảnh: PHAN CHUNG |
Bài 1: Đối mặt nhiều nỗi lo
Khi tổ chức thi công cải tạo khu vực Bàu Tràm, đơn vị thi công đã đem lại nhiều nỗi lo cho người dân địa phương hơn là đưa dự án thành hiện thực.
Bàu Tràm vốn là vùng đất sình lầy nằm ngay phía dưới cánh đồng Cẩm Toại Tây, phía còn lại dựa lưng vào chân đồi của thôn, tiếp giáp với khoảng 40 hộ dân đang sinh sống. Khi thành phố có chủ trương cho phép Công ty CP Khai thác khoáng sản Thanh Hoài (có trụ sở đóng tại phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cải tạo khu vực Bàu Tràm thành 53 ao nuôi cá với diện tích khoảng 12,8ha, người dân nơi đây đều vui mừng. Tuy nhiên, thực tế xảy ra trong suốt 2 năm qua đã khiến niềm vui trở thành sự bức xúc.
Theo phản ánh của ông Thái Mai, trú thôn Cẩm Toại Tây, kể từ khi việc cải tạo, khai thác đất tại Bàu Tràm được triển khai thì việc canh tác, sản xuất trên cánh đồng chính của làng là đồng Cẩm Toại Tây gặp khó khăn. “Nguồn nước thủy lợi sau khi được bơm về cho cánh đồng đều chảy về Bàu Tràm. Nếu như trước đây, sau 4-5 ngày nước bơm vào cánh đồng mới thấm hết thì nay chỉ còn 1-2 ngày.
Việc sản xuất vì vậy rất khó khăn do năng suất thấp và sâu bệnh”, ông Mai cho biết. Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, một người dân địa phương, Bàu Tràm là vùng thấp trũng, nằm cuối cánh đồng Cẩm Toại Tây, nếu không đầu tư hệ thống thoát nước thì đây chỉ là vùng nước tù đọng. Trong khi đó, Trưởng thôn Cẩm Toại Tây, ông Nguyễn Duy Hùng cho biết, hàng chục giếng nước của người dân sống xung quanh Bàu Tràm vừa rồi đã bị cạn do mạch nước ngầm thay đổi, nguồn nước tập trung đổ dồn về khu vực Bàu Tràm. Mưa xuống Bàu Tràm như một biển nước mênh mông nhưng mỗi khi hạn hán nơi đây trở thành điểm hút nguồn nước sinh hoạt và sản xuất.
Sau 3 năm được phê duyệt dự án, khu nuôi cá Bàu Tràm dang dở, người dân tận dụng để nuôi vịt. |
Ngoài ra, theo người dân địa phương, ngày trước, phụ nữ, trẻ em còn ra mò cua, bắt ốc nhưng giờ đây thì ngược lại, Bàu Tràm không còn là điểm mưu sinh vì người dân sợ… đuối nước. Một số gia đình sống dọc con đường bê-tông cạnh Bàu Tràm đã chủ động bỏ công sức ra làm các bờ rào bằng tre để hạn chế việc trẻ em bước ra khu vực Bàu Tràm. “Thi công đã mấy năm nhưng đến nay người ta mới làm biển báo, rào chắn nhưng cũng rất sơ sài. Mình phải tự bảo vệ lấy chính mình thôi”, bà Trần Thị Khuyên, một người dân cho biết.
Mặc dù dự án được triển khai từ năm 2014 nhưng đến sáng 6-10, khi tiếp cận hiện trường, chúng tôi mới thấy hai thanh niên tiến hành cắm cọc tre và giăng dây cảnh báo xung quanh khu vực đang thi công của Bàu Tràm. Những cọc tre đóng tạm cùng hai hàng dây phản quang cảnh giới mỏng manh chỉ là giải pháp tạm thời, đối phó với sự lo lắng lâu nay của người dân.
“Phải khẳng định một điều rằng, cải tạo Bàu Tràm thành khu nuôi cá là chủ trương đúng của lãnh đạo thành phố, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, chủ trương này đã không được thực hiện một cách đúng đắn, nhất quán nên giờ đây người dân hết sức bức xúc. Đề nghị lãnh đạo thành phố sớm vào cuộc, xử lý tận gốc vấn đề, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân”, ông Hùng cho biết.
Được biết, những bức xúc, phản ánh của người dân liên quan đến dự án Khu nuôi cá Bàu Tràm liên tục được chuyển đến lãnh đạo các cấp liên quan thông qua hệ thống thư góp ý, đường dây nóng, các buổi tiếp xúc cử tri. Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong xác nhận, lãnh đạo xã cũng thường xuyên tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân xung quanh dự án này. “Trách nhiệm của địa phương là ghi nhận và chuyển ý kiến phản ánh đến huyện và thành phố chứ chúng tôi không có chức năng xử lý những vấn đề này”, bà Vân cho biết.
PHAN CHUNG