.

Kinh doanh phế liệu ở quận Thanh Khê: Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

.

Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn quận Thanh Khê hoạt động theo kiểu tự phát, không trang bị kiến thức, thiết bị phòng, chống cháy nổ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, có thể gây thiệt hại về người và tài sản bất cứ lúc nào.

Cơ sở thu mua phế liệu tại số 322B, Thái Thị Bôi luôn trong tình trạng nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Cơ sở thu mua phế liệu tại số 322B, Thái Thị Bôi luôn trong tình trạng nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Trên diện tích 16m2 tại số 130 Trần Cao Vân, trong ngôi nhà cấp 4 tạm bợ, từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Thiên kinh doanh, mua bán phế liệu. Do diện tích quá nhỏ nên chủ nhân cơ sở kinh doanh phế liệu tại đây luôn tận dụng hết không gian bằng cách chồng chất các loại rác thải, phế liệu như giấy vụn, sắt thép, chai nhựa… từ nền đến trần nhà. Tuy nhiên, nhìn quanh trong căn nhà này vẫn không tìm đâu ra bình chữa cháy, biển cấm lửa hay cấm hút thuốc.

Trong khi đó, tại số nhà 322B Thái Thị Bôi, từ năm 2013, Công ty TNHH MTV Phúc Khoa Văn xây dựng kiểu nhà tạm, mái lợp tôn, xung quanh được che chắn bởi tôn cũ trên diện tích 70m2 để làm nơi tập kết, mua bán phế liệu. Cơ sở kinh doanh này đã có giấy phép hoạt động, tuy nhiên không đủ điều kiện để bảo đảm phòng cháy, chữa cháy (PCCC) như: người lao động không được tập huấn PCCC, không trang bị nội quy - tiêu lệnh PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc; không xây dựng tường rào bao quanh, gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Trên địa bàn quận Thanh Khê, để tìm một điểm thu mua phế liệu nằm xen lẫn trong các khu dân cư đông đúc là điều không khó. Sâu trong hẻm rộng 2 mét, cơ sở của bà Kiều Thị Sương (K112/17, Phạm Nhữ Tăng) hoạt động mua bán phế liệu gần 10 năm nay. Tuy nhiên, những người dân sống gần đây khá lo lắng: “Không chỉ ô nhiễm môi trường như tiếng ồn, bụi mà nguy cơ cháy nổ cũng rất cao, sống gần những điểm thu mua phế liệu này lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không biết tai họa xảy ra khi nào. Kiệt, hẻm nhỏ, xe chữa cháy lại không vào được cũng thêm nỗi bất an”, ông T., một người dân sống trong con hẻm này cho biết.

Theo ông Phan Quang Khường, Trưởng phòng Tài Nguyên-Môi trường quận Thanh Khê, hiện nay, trên địa bàn quận có gần 70 cơ sở thu mua phế liệu. Vừa qua, quận đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về công tác PCCC và bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các cơ sở kinh doanh phế liệu thiếu kiến thức và các trang thiết bị về PCCC, bảo vệ môi trường.

Trong thời gian đến, đơn vị sẽ tham mưu cho UBND quận xử lý rốt ráo đối với các cơ sở không đủ điều kiện để hoạt động. Theo đó, các cơ sở đáp ứng được quy định PCCC thì sẽ được quận cấp phép kinh doanh. Đối với những cơ sở không thể đáp ứng các điều kiện PCCC do nguyên nhân khách quan, như: cơ sở nằm sâu trong các khu dân cư; kiệt, hẻm nhỏ, nếu xảy ra cháy nổ thì xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường được, nguy cơ dẫn đến cháy lan, cháy lớn… thì sẽ buộc chấm dứt hoạt động, di dời ra khỏi khu dân cư.

Ông Phan Quang Khường cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn quận còn 17 cơ sở thu mua phế liệu ở những mặt tiền lớn nhưng thuê đất của chủ sử dụng đất khác, nên không thực hiện được yêu cầu xây dựng tường bao quanh để bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan đô thị, bảo đảm bao vây đám cháy, hạn chế gây thiệt hại cho các hộ lân cận. Về vấn đề này, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đang có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cảnh sát PCCC thành phố về biện pháp quản lý.

ĐẶNG NỞ

;
.
.
.
.
.