Chính trị - Xã hội

LƯU VỰC SÔNG VU GIA

Nguy cơ mất an ninh nguồn nước

08:11, 31/10/2016 (GMT+7)

Chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn khẳng định việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo hướng đa mục tiêu. Tuy nhiên, việc đầu tư hàng loạt các nhà máy thủy điện bậc thang và những công trình xây dựng cưỡng bức trong quản lý và khai thác tài nguyên nước trên lưu vực ngày càng gia tăng nguy cơ mất an ninh nguồn nước mà trực tiếp là đối với thành phố Đà Nẵng.

Trữ lượng nước sông Vu Gia thường xuyên biến động mạnh do tác động của việc vận hành thủy điện. (Ảnh chụp đoạn sông Vu Gia qua xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, đầu nguồn sông Vu Gia).  			                       Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trữ lượng nước sông Vu Gia thường xuyên biến động mạnh do tác động của việc vận hành thủy điện. (Ảnh chụp đoạn sông Vu Gia qua xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, đầu nguồn sông Vu Gia). Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, kỹ sư Huỳnh Vạn Thắng (ảnh), nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện là chuyên gia Dự án quản lý rủi ro thiên tai WB5 (VN-Haz) thành phố Đà Nẵng.

Ông Thắng cho biết:

- Trong hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Vu Gia là sông lớn hơn, tổng dòng chảy trung bình năm của mỗi sông Vu Gia, Thu Bồn xấp xỉ bằng nhau với khoảng 9 tỷ m3/năm nhưng chiều dài sông Vu Gia dài hơn là 204km so với 198km và diện tích lưu vực sông Vu Gia rộng 5.180km2 đến Ái Nghĩa so với 3.825km tính đến Giao Thủy của sông Thu Bồn. Sông Vu Gia gồm các sông nhánh chính là sông Cái (Đăk Mi), sông Bung, sông Côn và sông Túy Loan. Sông Cái (Đăk Mi) với diện tích lưu vực 1.800km2  là sông chính của sông Vu Gia, bắt nguồn từ đỉnh Ngọc Linh chảy qua huyện Đakley (tỉnh Kon Tum) và các huyện Phước Sơn, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam).

Đặc điểm quan trọng của sông Cái là tuy chỉ chiếm 36% diện tích thượng nguồn sông Vu Gia nhưng là nguồn nước chính, trung bình chiếm đến 50% lưu lượng sông Vu Gia ở cuối thượng nguồn. Trong khi đó, sông Bung có diện tích lưu vực 2.530km2, bắt nguồn từ phía tây của hai huyện Nam Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có sông nhánh chính là sông A Vương, nhập vào sông Vu Gia tại xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Sông Côn có diện tích lưu vực 672km2  đổ về sông Vu Gia tại Thượng Đức (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc). Sông Túy Loan có diện tích lưu vực 279km2  đổ vào sông Vu Gia tại đoạn cuối sông Yên.

* Tài nguyên nước sông Vu Gia đang bị tác động như thế nào, thưa ông?

- Những năm gần đây, khi Nhà máy Thủy điện Đắc Mi 4 vận hành khai thác, tài nguyên nước sông Vu Gia - nguồn cung cấp nước có sản lượng lớn cho thành phố Đà Nẵng bị ảnh hưởng. Trong khi nhiều nhà máy hoạt động theo nguyên tắc trả nước về sông cũ, riêng thủy điện Đăk Mi 4 đã chuyển nước ra khỏi khu vực sông Vu Gia, về sông Thu Bồn để phát điện. Khi Thủy điện Đăk Mi 4 đi vào hoạt động chuyển nước ra lưu vực sông Vu Gia, tình hình thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia đã và đang diễn ra nghiêm trọng, gây nguy cơ mất an ninh nguồn nước cho thành phố Đà Nẵng.

Suốt nhiều năm làm cán bộ quản lý trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, tôi khẳng định, UBND thành phố Đà Nẵng hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác tài nguyên nước sông Vu Gia đa mục tiêu, trong đó có mục tiêu thủy điện. Tuy nhiên, Dự án Thủy điện Đăk Mi 4 không những không góp phần cải thiện dòng chảy mùa kiệt tạo nên sự phát triển bền vững tài nguyên nước mà còn làm suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước sông Vu Gia.

* Cụ thể vấn đề suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước sông Vu Gia là gì?

- Hệ thống thủy điện bậc thang trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn khai thác nguồn nước tạo sự khác biệt dòng chảy giữa hai sông. Phía sông Thu Bồn có lưu vực nằm trọn trong địa phận tỉnh Quảng Nam tăng thêm 2 nguồn nước rất lớn. Nguồn nước thứ nhất do thủy điện Đăk Mi 4 lấy nước từ sông Vu Gia (vốn là nguồn cung cấp nước chính cho thành phố Đà Nẵng) chuyển sang sông Thu Bồn để tối ưu hóa việc phát điện có lợi cho doanh nghiệp. Riêng trong mùa khô, thủy điện Đăk Mi 4 đã lấy của sông Vu Gia trung bình 1,2 tỷ m3, chưa kể lũ tiểu mãn khoảng 300 triệu m3.

Như vậy, sông Thu Bồn của Quảng Nam được bổ sung khoảng 1,5 tỷ m3 nước vào mùa khô do thủy điện Đăk Mi 4 chuyển về. Sông Thu Bồn tiếp tục nhận nguồn nước thứ hai từ thủy điện Sông Tranh 2 khi vào mùa khô sẽ đổ vào sông Thu Bồn khoảng 700 triệu m3, cộng với lũ tiểu mãn khoảng 300 triệu m3. Như vậy, thủy điện Sông Tranh 2 đem lại cho sông Thu Bồn nguồn nước khoảng 1 tỷ m3 vào mùa khô. Tổng cộng hai nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 đem lại cho sông Thu Bồn khoảng 2,5 tỷ m3 nước vào mùa khô.

Trong khi đó, sông Vu Gia bị thủy điện Đăk Mi 4 lấy đi 1,2 tỷ m3 nước vào mùa khô để chuyển sang sông Thu Bồn. Thêm một nguy hại với sông Vu Gia là sau khi bị thủy điện Đăk Mi 4 lấy nước ở thượng nguồn còn bị sông Quảng Huế phía trên khu vực Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tiếp tục bị chuyển dòng lấy nước chuyển về sông Thu Bồn thêm một lần nữa.

Khu vực thu nước sông vào Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi thường xuyên bị nhiễm mặn nặng. 		                     Ảnh: HOÀNG HIỆP
Khu vực thu nước sông vào Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi thường xuyên bị nhiễm mặn nặng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

* Thưa ông, thời gian gần đây, có việc đầu tư dự án sản xuất và xây dựng công trình cưỡng bức ngăn mặn gây lo lắng về tác động môi trường và sự phát triển chung của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Là chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên nước, ông có lo lắng điều gì?

- Nếu đầu tư nhà máy sản xuất công nghiệp, cần phải đánh giá tác động môi trường thấu đáo, bởi ô nhiễm môi trường từ không khí, vật liệu thải cũng gián tiếp gây ô nhiễm môi trường nước. Luật Bảo vệ môi trường quy định khi xây dựng dự án phải có ý kiến cộng đồng những nơi có thể bị ảnh hưởng. Thêm nữa, sông Vu Gia là con sông liên tỉnh nên phải có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tôi rất lo lắng và đã có ý kiến với chính quyền tỉnh Quảng Nam khi đánh giá tác động môi trường trong việc xây dựng đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện. Tôi không đồng tình việc xây đập ngăn mặn vì công trình này khiến Nhà máy Nước Cầu Đỏ - nơi cung cấp 99% nước sạch cho gần 1 triệu dân thành phố Đà Nẵng - lập tức bị mặn và ảnh hưởng đến việc cản trở giao thông thủy, nhất là với tuyến du lịch đường sông từ sông Hàn ­theo sông Vĩnh Điện vào sông Thu Bồn lên danh thắng “Hòn Kẽm Đá Dừng”, hoặc vòng xuống thành phố Hội An...

Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản trên các sông này cũng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Đà Nẵng trông chờ vào nguồn tài nguyên nước ở Vu Gia chảy xuống, Thu Bồn chảy qua. Trữ lượng nước nguồn Vu Gia đã bị lấy rất nhiều nước rồi, chỉ còn nguồn nước từ Thu Bồn chảy qua sông Vĩnh Điện. Nếu làm đập ngăn mặn thì coi như bịt hết nguồn tài nguyên nước về thành phố Đà Nẵng. Vấn đề này xảy ra cũng có nghĩa chặn hết nguồn sống, gây thảm họa cho Đà Nẵng.

* Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Trường Ảnh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng - Dawaco: Cần cơ chế giám sát

 Hiện nay, việc khai thác nguồn nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của thành phố Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, hệ thống cấp nước thành phố đang khai thác chủ yếu từ một nguồn ở hạ lưu sông Vu Gia. Đây là yếu tố tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh nguồn nước do chưa có nguồn dự phòng khác để điều tiết cấp bổ sung trong trường hợp có sự cố. Tài nguyên nước ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn xuất hiện những bất cập trong quản lý, xung đột trong khai thác tài nguyên nước và chưa kiểm soát chặt chẽ được các nguồn xả thải ở thượng nguồn nên rủi ro về ô nhiễm nguồn nước rất cao.

Giải pháp và cơ chế để bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố Đà Nẵng là cần có cơ chế giám sát việc vận hành theo quy trình của các thủy điện, đặc biệt đối với thủy điện Đăk Mi 4; xây dựng một mô hình ủy ban quản lý lưu vực sông với cách tiếp cận mới về quản lý lưu vực để phù hợp với bối cảnh hiện nay. Trước mắt, phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27-4-2016 giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; đặc biệt chú trọng nội dung: “Các dự án phát triển kinh tế-xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải được xem xét, lấy ý kiến của hai địa phương và các cơ quan Trung ương liên quan”.

TS. Quách Thị Xuân, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng: Đà nẵng và Quảng Nam cần hợp tác

Nguồn nước mặt cung cấp cho thành phố Đà Nẵng chủ yếu phát sinh từ sông nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam. Nguồn nước chỉ có ranh giới là đường phân lưu. Do vậy, việc quản lý nguồn nước cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan và không thể bị phân định bởi ranh giới hành chính.

Để bảo đảm nguồn nước cấp cho thành phố Đà Nẵng, cần có sự hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong việc bảo vệ tài nguyên rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, giám sát vận hành các nhà máy thủy điện và kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

TRIỆU TÙNG thực hiện

.