Trong khi các địa phương khác liên tục để xảy ra tình trạng cháy rừng, thì ở Sơn Trà, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã có những động thái tích cực để phòng, chống cháy rừng. Trong 5 năm trở lại đây, ở bán đảo Sơn Trà không xảy ra vụ cháy rừng nghiêm trọng nào.
Để ngăn chặn cháy rừng, các hộ được giao khoán đất rừng ở bán đảo Sơn Trà tự làm các biển cảnh báo “cấm lửa” để nhắc nhở người dân và du khách. |
Thường xuyên kiểm tra, giám sát
Theo số liệu thống kê của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà có 3.609ha rừng, trong đó Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn quản lý 2.536,7ha, UBND phường Thọ Quang quản lý 1.072,6ha.
Để chủ động phòng chống cháy rừng, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và UBND phường Thọ Quang thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sống ven rừng, hộ nhận khoán đất rừng, chủ các khu du lịch luôn nêu cao cảnh giác, kịp thời ngăn chặn tình trạng người dân và du khách nhóm lửa bừa bãi khi tham quan, dã ngoại ở bán đảo Sơn Trà. Trong đó, Hạt Kiểm lâm liên quận tổ chức ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng với 23 đơn vị, 29 hộ nhận khoán trồng rừng, 147 hộ gia đình thuộc 6 tổ dân phố ven rừng thuộc phường Thọ Quang.
Cùng với đó, lực lượng chức năng tiến hành cắm các biển cảnh báo cháy rừng và các hành vi nghiêm cấm ở các khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy, nhằm tuyên truyền, nhắc nhở người dân và du khách tham quan. Ngoài ra, việc xử lý thực bì của các hộ dân được kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt đúng theo quy định.
Ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận cho hay, ngoài nhiệm vụ kiểm tra, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng như săn bắt động vật hoang dã, khai thái gỗ trái phép, lực lượng kiểm lâm của Hạt thường xuyên tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ ở các khu vực có đông khách du lịch để nhắc nhở, xử lý kịp thời các hành vi đốt lửa trái quy định. Trong đó, đặc biệt nghiêm cấm các hành vi đốt củi lấy than, khách tham quan dã ngoại ở qua đêm rồi nhóm lửa trong rừng… Các phương tiện, dụng cụ chữa cháy được trang bị đầy đủ và luôn trong trạng thái sẵn sàng khi xảy ra sự cố.
Cũng theo ông Trần Thắng, mùa nắng nguy cơ cháy rừng cao, gần như cán bộ, nhân viên phải túc trực 100% quân số, tuần tra kiểm soát thường xuyên tất cả các ngõ ngách của Bán đảo Sơn Trà. Tổ phản ứng nhanh phòng, chống cháy rừng của quận Sơn Trà luôn trong tư thế sẵn sàng. Nhờ siết chặt công tác kiểm tra, giám sát, trong 5 năm trở lại đây, ở bán đảo Sơn Trà chỉ xảy ra 2 vụ cháy nhỏ, thiệt hại không đáng kể.
Nỗ lực bảo vệ “lá phổi” xanh
Theo ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, phường được giao quản lý 1.072,6ha đất lâm nghiệp theo Quyết định của UBND thành phố Đà Nẵng. Ngoài việc chỉ đạo lực lượng chức năng của phường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn, UBND phường còn thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng.
Ông Trần Thắng cho biết, để bảo vệ, phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt ngăn chặn nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra, trong thời gian đến, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ rừng; tăng cường công tác tuần tra, truy quét tại rừng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi chặt phá rừng, đào gốc cây rừng làm cảnh và bẫy, bắt động vật hoang dã trái phép trên địa bàn bán đảo Sơn Trà; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuần tra kiểm soát lửa rừng, ngăn chặn các đối tượng xâm nhập trái phép vào rừng.
Triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 về bảo vệ và phát triển rừng, UBND quận Sơn Trà yêu cầu các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương triển khai chu đáo phương án bảo vệ và phòng chống, chữa cháy rừng; tăng cường tuần tra, kiểm soát rừng tại gốc, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng; đẩy mạnh việc tuyên truyền và ký cam kết quản lý bảo vệ và phòng, chống cháy rừng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên vùng rừng. Đồng thời, củng cố kịp thời các công trình, mua sắm chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ phục vụ phòng, chống cháy rừng, hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng và cháy rừng xảy ra. |
Bài và ảnh: Ngọc Đoan