Chính trị - Xã hội
Xây dựng bộ máy trong sạch, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Ngày 5-10, các đại biểu Quốc hội (QH): Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH đơn vị Đà Nẵng; Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của QH tiếp xúc theo chuyên đề với các cử tri là cựu chiến binh và nữ doanh nhân.
Truy tìm nguồn gốc tài sản bất minh
Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), cử tri cựu chiến binh thành phố rất đồng tình khi Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, xem đó là vấn đề sống còn của chế độ. Cử tri tán thành quan điểm không để tham nhũng có vùng cấm, khó tiếp cận và bóc tách tận cùng mọi vi phạm để xử lý nghiêm minh. Cử tri Phạm Hồng Sương cho rằng, muốn chống tham nhũng hiệu quả không để tồn tại bất cứ vùng cấm nào, trong bất cứ lĩnh vực nào.
Nhưng trước tiên, để ngăn ngừa tham nhũng phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở; trong đó, phải khắc phục việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản vì trong thời gian qua vẫn chưa thực hiện hiệu quả, còn mang tính hình thức; nhiều cán bộ kê khai thiếu trung thực. Đồng quan điểm này, cử tri Võ Văn Bảy đề nghị phải truy tìm nguồn gốc tài sản của cán bộ. “Anh làm cán bộ lương nhận hằng tháng đã rõ, nhưng vì sao vẫn có nhiều đất, nhà to, con học nước ngoài, ăn tiêu rất thoáng. Phải có cơ quan độc lập giám sát và truy tìm nguồn gốc tài sản đó từ đâu mà có và liệu có bất minh, bất bình thường hay không”, cử tri Võ Văn Bảy nêu quan điểm.
Các cử tri Nguyễn Đình Ngạch và Trần Duy Tiếp cho rằng dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) phải xây dựng mối tương quan và cụ thể hóa hành vi tham nhũng, lãng phí, đưa và nhận hối lộ để chạy chức, chạy quyền. Không để tình trạng sau khi báo chí phanh phui một số địa phương, cơ quan, đơn vị bổ nhiệm người thân vào làm việc, cất nhắc các vị trí quản lý, lãnh đạo khiến nhân dân bức xúc nhưng đều nhận được câu trả lời là thực hiện “đúng quy trình”.
Cử tri Huỳnh Minh Chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố nhấn mạnh, qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, các vụ việc tham nhũng phát hiện rất ít. Ông Chức cho rằng, hiện nay lương của cán bộ nói chung còn thấp, chưa bảo đảm đời sống ở một bộ phận cán bộ nên dễ gây ra hiện tượng tham nhũng, do vậy cần nghiên cứu về chính sách tiền lương theo hướng tăng thu nhập để họ yên tâm làm việc. Điều đáng lo là trong thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng bổ nhiệm cán bộ không theo năng lực, vô tình để cán bộ dễ sa ngã, tham nhũng, trong khi người tài chưa được trọng dụng. Bên cạnh đó, quy trình xử lý cán bộ vi phạm liên quan đến tham nhũng cần chặt chẽ, kịp thời, không để cán bộ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì nhanh chân tẩu thoát ra nước ngoài, gây khó khăn trong công tác điều tra, truy bắt.
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập
Tại buổi tiếp xúc với Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nữ doanh nhân đề nghị QH, Chính phủ cần có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cử tri Lê Thị Nam Phương phân tích, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu, khả năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp không vững sẽ dẫn đến nguy cơ thua ngay trên “sân nhà”. Bên cạnh đó, cần đề cao việc hỗ trợ từ cải cách hành chính để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động. Cử tri Nam Phương đề nghị chính quyền cần chuyển từ cơ chế quản lý sang phục vụ.
Cử tri Phạm Thị Xuân Nguyệt đề nghị cần tháo gỡ vướng mắc về bảo hiểm y tế và tăng giờ lao động để có thể giải quyết nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trên lĩnh vực dệt may xuất khẩu. Cử tri Phan Như Yến cho rằng cần xem xét cắt giảm số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; các sở, ngành nên phối hợp, tạo điều kiện để cấp giấy phép hoạt động đối với việc kinh doanh thực phẩm ở hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, để giúp doanh nghiệp thuận lợi trong kinh doanh, cần hướng dẫn, hỗ trợ nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định. Ngoài ra, các cử tri là doanh nhân nữ kiến nghị việc nâng tuổi lao động nữ từ 55 lên 58 tuổi; đổi mới thu lệ phí đối với lĩnh vực công chứng tư nhân; khuyến khích doanh nghiệp tham gia xã hội hóa các dịch vụ công…
Những ý kiến đóng góp, kiến nghị xác đáng của Hội Cựu chiến binh và Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố được Đoàn đại biểu QH đơn vị Đà Nẵng tổng hợp, tiếp thu và sẽ phản ánh trên các diễn đàn của QH trong thời gian đến.
VIỆT DŨNG