Chính trị - Xã hội
Xây dựng quận Thanh Khê thành trung tâm dịch vụ thương mại
ĐNĐT - Ngày 19-10, phát biểu tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy với với Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 04-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển quận Thanh Khê trong những năm đến”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo: Quận Thanh Khê phải tập trung nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ thương mại (DVTM). Quận phải coi đây là lĩnh vực mũi nhọn nhằm xây dựng Thanh Khê trở thành trung tâm DVTM của thành phố; phát triển kinh tế-xã hội phải đi đôi với thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh phát biểu kết luận tại buổi làm việc. |
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh khẳng định, định hướng phát triển xây dựng Thanh Khê trở thành quận có kinh tế - xã hội phát triển, là trung tâm DVTM của cả thành phố như hiện nay là hoàn toàn đúng đắn.
Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, quận cần nghiên cứu lại hệ thống các chỉ tiêu cho thực sự phù hợp. “Thanh Khê là địa bàn trọng yếu nhưng nếu không cố gắng thì các quận khác sẽ vượt qua…, không khéo là tụt hậu, cải cách hành chính giờ là tụt rồi, trước đây năm nào cũng dẫn đầu nhưng bây giờ xuống đội sổ 7/7”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cảnh báo.
“Từ nay đến 2020 thì thương mại phải là mũi nhọn, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Thanh Khê có thuận lợi là một số tuyến đường có lịch sử, buôn bán sầm uất như Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Linh... nên phải cố gắng khai thác cho hiệu quả”, đồng chí Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cũng đề nghị quận Thanh Khê phải phấn đấu, tiếp tục đi đầu trong xây dựng văn hóa: công sở văn hóa, cơ quan văn hóa, đoàn thể văn hóa, phường, xã văn hóa; đầu tư đúng mức lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; tập trung khai thác nguồn thu ngân sách; xử lý dứt điểm trình trạng xây dựng trái phép, không để tái diễn tình trạng này…
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, không dồn hết cho chính quyền và cấp ủy Đảng. Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, quận phải đi vào thực chất, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; phải xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu vướng vào việc “tự diễn biến”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất định hướng phát triển quận thành trung tâm DVTM của thành phố. Tuy nhiên, đặc điểm của Thanh Khê là “đất chật, người đông” với thực trạng đô thị cũ kỹ, nhiều đường kiệt, hẻm. Vì thế, để tạo được đột phá phát triển về DVTM, quận Thanh Khê phải giải bài toán cải tạo đô thị cũ.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh phát biểu kết luận tại buổi làm việc. |
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị quận nghiên cứu xây dựng đề án vận động nhân dân tham gia cải tạo những khu dân cư cũ chật hẹp, xuống cấp thành chung cư; thực hiện thí điểm từ phường Vĩnh Trung.
Bên cạnh đó, quận phải có lộ trình di dời hết các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, các nhà máy tập trung về Khu công nghiệp Hòa Cầm; nghiên cứu phát triển du lịch và dịch vụ trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, đoạn đi qua địa bàn quận; phải thu hút được các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên các tuyến đường chuyên doanh; sắp xếp, quy hoạch, chỉnh trang để tạo ra thương hiệu của từng tuyến phố. Nhiều ý kiến khác cho rằng phải thu hút được những nhà đầu tư có thương hiệu lớn, giá trị gia tăng cao cùng với tổ chức hoạt động DVTM văn minh.
Đánh giá về quá trình xây dựng và phát triển của quận Thanh Khê, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng quận còn nhiều lúng túng trong công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị phù hợp với vị trí của quận, chưa xác định rõ nét, quy mô còn nhỏ.
Về định hướng phát triển, đồng chí Võ Công Trí đề nghị quận phải nghiên cứu lại việc xây dựng các chỉ tiêu phát triển bảo đảm có tính khả thi; phát triển kinh tế mũi nhọn là DVTM thì phải tạo ra nhiều việc làm, tăng nguồn thu ngân sách nhưng phải bảo đảm về môi trường. Quận đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế nhưng cũng phải chú ý đầu tư cho hạ tầng văn hóa, xã hội phục vụ nhu cầu giải trí tinh thần và sức khỏe của người dân.
Ngoài ra, cần nghiên cứu thí điểm hợp tác công-tư trong đầu tư các thiết chế văn hóa. Trên lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, quận cần chú trọng công tác phòng ngừa “tự diễn biến”, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức trong cán bộ, đảng viên theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4 khóa XII vừa đề cập.
Theo báo cáo của Quận ủy Thanh Khê, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 04-KL/TU, quận đã có bước phát triển tương đối toàn diện. Kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng DVTM chiếm tỷ trọng cao, giảm tỉ trọng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thủy sản, phát triển mạnh các dịch vụ phục vụ sản xuất.
Trong đó, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng nhanh từ 47,8% năm 2006 lên 60,54% năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 17,2%, giai đoạn 2011-2015 là 14,5%. Tổng thu ngân sách tăng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 19% và giai đoạn 2011-2015 là 8%. Năm 2016, ước tổng thu ngân sách đạt 426 tỷ đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân quận từng bước được nâng lên; các mặt văn hóa, y tế, giáo dục, văn hóa, công tác chăm lo đối tượng chính sách, gia đình có công cách mạng, công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; quốc phòng-an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê đề nghị thành phố ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển quận Thanh Khê đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình phát triển của quận; tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho quận trên một số lĩnh vực quản lý Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội và đô thị; có chủ trương giao quận quản lý và thu thuế đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn có vốn điều lệ đến 50 tỷ đồng; sớm triển khai quy hoạch và tranh thủ nguồn vốn xây dựng thí điểm một số dự án cải tạo, nâng cấp đô thị tại khu vực trung tâm quận không bảo đảm điều kiện về giao thông, thoát nước, môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Lãnh đạo quận đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy có ý kiến chỉ đạo về công tác quản lý đô thị, xây dựng cơ bản, đền bù giải tỏa; trong đó, quan tâm việc nghiên cứu đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương; sớm triển khai các bước xây dựng tuyến cống Khe Cạn và khớp nối đồng bộ với các dự án đang triển khai tại khu vực này; xây dựng và ban hành quy hoạch tổng thể và bàn giao Công viên 29-3 cho quận quản lý theo tinh thần Kết luận 04-KL/TU; đề nghị thành phố tập trung nguồn lực xử lý môi trường biển dọc tuyến Nguyễn Tất Thành trong những năm đến…
Tin và ảnh: SƠN TRUNG