Chính trị - Xã hội
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời các đại biểu dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng
Chiều 20-11 theo giờ địa phương (sáng 21-11 theo giờ Hà Nội), tại Trung tâm Hội nghị Lima, Peru, Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã kết thúc tốt đẹp.
Trong phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng cảm ơn các đại biểu nhiệt tình ủng hộ Việt Nam đăng cai Năm APEC 2017 và đồng hành trong quá trình chuẩn bị vừa qua.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị cấp cao APEC ngày 20-11. Ảnh: TTXVN |
Năm APEC 2017 là một ưu tiên đối ngoại hàng đầu của Việt Nam, thể hiện mong muốn tích cực góp phần đưa châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng. Sau hơn 30 năm đổi mới và ngày càng gắn kết sâu rộng với khu vực và thế giới, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ, phát triển đầy năng động và được dự báo trở thành một trong 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Việt Nam đã chuẩn bị về mọi mặt để năm 2017 là một thành công nữa của APEC và sẵn sàng chào đón đại biểu đến với Việt Nam và tham dự các hoạt động tổ chức trải khắp đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, các cuộc thảo luận trong hai ngày qua cho thấy chúng ta đang ở thời khắc then chốt trong một thế giới đầy biến động và một châu Á-Thái Bình Dương đang chuyển mình mạnh mẽ. Thời cơ và thách thức đặt ra chưa từng có. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc triển khai Chương trình nghị sự đến năm 2030 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tạo ra nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững, bao trùm và công bằng của nhân loại.
Tuy nhiên, sự trì trệ kéo dài của kinh tế thế giới, làn sóng mới của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa khủng bố, xung đột khu vực, biến đổi khí hậu gia tăng cùng các nguy cơ an ninh phi truyền thống khác ngày càng đan xen, phức tạp, gây nên nhiều hệ lụy sâu rộng đối với từng nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục chứng tỏ khả năng dẫn dắt và vai trò tiên phong, tạo động lực mới để xây dựng một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và phát triển bền vững.
Chủ tịch nước đề nghị chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, để từ đó tìm kiếm và kiến tạo những động lực mới nhằm thực hiện các nội dung quan trọng sau: Đẩy mạnh hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 theo lộ trình.
Tăng cường liên kết khu vực sâu rộng hơn thông qua nỗ lực làm sống động các mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư; đẩy mạnh kết nối trên cả ba phương diện hạ tầng cơ sở - thể chế - con người, kết nối các chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối tiểu vùng, vùng sâu vùng xa; phát triển du lịch bền vững; mở rộng giao lưu văn hóa, giao lưu thanh niên, trao đổi sinh viên...
Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và công bằng, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, nâng cao năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao..., trong đó việc khai thác hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghệ số có ý nghĩa then chốt. Tăng cường năng lực cạnh tranh và sáng tạo của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trong nền kinh tế số và Internet; phát huy tiềm năng to lớn của đối tác công - tư và của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và doanh nghiệp trẻ.
Nâng cao tính tự cường và bao trùm của các nền kinh tế, nhất là trong phát triển giáo dục và việc làm, y tế, bình đẳng giới, phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh tài nguyên, nhất là tài nguyên nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, thế kỷ 21 được kỳ vọng là thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương, nơi hội tụ những nền kinh tế năng động hàng đầu thế giới. Qua 27 năm hình thành và phát triển, APEC đã chứng tỏ khả năng điều chỉnh và thích ứng không ngừng để đóng góp quan trọng vào thịnh vượng của khu vực.
Đây là lúc APEC cần khẳng định vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng, động lực của tăng trưởng, liên kết khu vực. Chúng ta cần tiếp tục thảo luận về tầm nhìn và định hướng tương lai của APEC sau năm 2020. Đó là chung tay tạo dựng “Quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21”.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng mời các đại biểu tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, tổ chức từ ngày 10 đến 11-11-2017 tại thành phố biển Đà Nẵng năng động, một trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
● Chiều 21-11, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp với các đơn vị, sở, ngành về việc chuẩn bị APEC 2017. Tham dự có các Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn và Trần Văn Miên.
Ban chỉ đạo địa phương năm APEC Đà Nẵng 2017 cho biết, hiện các đơn vị chức năng đã chuẩn bị các thủ tục đầu tư một số công trình liên quan đến công tác chuẩn bị APEC 2017 như: công trình cải tạo, sửa chữa Cung Thể thao Tuyên Sơn làm địa điểm tổ chức Gala Dinner cho APEC 2017 với vốn đầu tư 84,2 tỷ đồng, dự kiến được hoàn thành cuối tháng 5-2017; cải tạo Trung tâm Hội chợ Triển lãm thành Trung tâm báo chí phục vụ công tác truyền thông APEC 2017 với vốn đầu tư gần 179,2 tỷ đồng, hoàn thành cuối tháng 7-2017; cải tạo vỉa hè, cây xanh 21 tuyến đường trên địa bàn thành phố với kinh phí 90 tỷ đồng và công tác tuyên truyền, đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ phục vụ APEC 2017.
Theo ông Nguyễn Công Tiến, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, ngày 9-12, Ủy ban quốc gia sẽ tổ chức họp báo quốc tế công bố sự kiện APEC 2017 tại Hà Nội và chính thức cấp logo, biểu trưng cho Đà Nẵng.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: APEC 2017 là sự kiện vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Với thành phố Đà Nẵng, sự kiện này chỉ diễn ra 1 lần nên phải nỗ lực chuẩn bị, phục vụ chu đáo. Theo đó, Đà Nẵng sẽ triển khai thực hiện chủ đề năm 2017 là “Năm APEC Đà Nẵng 2017”.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết, đầu tháng 8 và tháng 10-2017, đại diện 21 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ trực tiếp đến Đà Nẵng kiểm tra công tác chuẩn bị APEC 2017. Vì vậy, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn trực tiếp chỉ đạo Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch, các ban quản lý xây dựng, nhà thầu, chủ đầu tư các công trình phục vụ APEC 2017 tăng tốc triển khai xây dựng các công trình như: Hội chợ triển lãm, Cung Thể thao Tuyên Sơn, vỉa hè, cây xanh…, hoàn thành toàn bộ vào cuối tháng 6-2017. “Nếu chậm tiến độ thì bố trí làm đêm để kịp sự kiện APEC 2017. Ban quản lý các dự án, công trình phải làm việc với nhà thầu để đưa ra điều kiện thưởng, phạt theo tiến độ”.
TTXVN - TRIỆU TÙNG