(Tiếp theo kỳ trước)
2. Phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại, tạo nên những thay đổi đáng kể cả về tầm vóc, quy mô và diện mạo của thành phố.
Hai mươi năm qua, thành phố đã tập trung nguồn lực để phát triển không gian đô thị, nhất là hạ tầng đô thị. Nhiều công trình trọng điểm có kỹ thuật hiện đại và quy mô lớn đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, tiêu biểu như: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phụ sản-Nhi, Nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm Hành chính thành phố...
Hạ tầng giao thông được nâng cấp và xây dựng mới, thành phố tập trung đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông có quy mô lớn, hiện đại, hệ thống giao thông nội thị và ngoại thành được kết nối hiệu quả. Nhiều cây cầu mới hiện đại được xây dựng như cầu Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Hòa Xuân, cầu vượt Hòa Cầm, cầu vượt ngã ba Huế... Mỗi cây cầu đều mang một nét kiến trúc độc đáo riêng, góp phần tạo nên thương hiệu Đà Nẵng.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.131,96km đường; hàng trăm kilômét đường giao thông mới được thảm nhựa; nhiều tuyến đường chính của thành phố được đầu tư hoàn chỉnh từ đường, điện, cây xanh tạo cảnh quan cho thành phố (1). Đặc biệt việc đầu tư các tuyến đường ven biển Liên Chiểu - Thuận Phước (nay là đường Nguyễn Tất Thành), Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa) kết hợp với hầm đường bộ Hải Vân nối các khu du lịch của thành phố Huế với khu du lịch bán đảo Sơn Trà, khu phố cổ Hội An, tạo tiền đề và định hướng cho việc phát triển dịch vụ sinh thái ven biển.
Cảng Đà Nẵng là cảng container được trang bị hiện đại ở khu vực miền Trung và là một trong những cảng thương mại lớn nhất Việt Nam, sản lượng hàng hóa qua cảng đến cuối năm 2015 đạt 6,5 triệu tấn, gấp 7,3 lần so với năm 1997. Sân bay quốc tế Đà Nẵng là cảng hàng không lớn nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đã đón 6 triệu lượt khách vào năm 2015 và đang tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng ga quốc tế để phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, dự kiến đến năm 2020 sẽ đáp ứng 11-13 triệu lượt khách mỗi năm.
Đầu tư phát triển hạ tầng đã kết nối khu vực nội thành với các địa phương vùng ven để những khoảng cách về địa lý không còn là lực cản đối với sự phát triển chung của thành phố, đồng thời, đã mang lại cho đô thị Đà Nẵng một diện mạo mới. Về xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, đây được xem là giai đoạn mang tính đột phá, với sự đầu tư, phát triển nhanh và mạnh của thành phố. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và trên cơ sở chủ trương khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, thành phố đã đồng thời xây dựng và đưa vào sử dụng hàng loạt công trình giao thông, thông tin liên lạc, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, nước thải... Năm 1997, diện tích đô thị là 5.600ha, nay ranh giới đô thị đạt tới con số 21.300ha, việc mở rộng đô thị đã tạo thêm không gian ở và khai thác quỹ đất, xây dựng đô thị hoàn chỉnh, có cấu trúc hài hòa hơn. Việc phát triển các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu công nghiệp, khu du lịch được tiến hành đồng thời với việc chỉnh trang đô thị (2). Nhiều công trình mới có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, nhiều khu đô thị có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, được khởi công xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân, tạo nên diện mạo mới cho thành phố theo hướng thành phố biển, văn minh, hiện đại.
(Còn nữa)
(1) Đường Điện Biên Phủ, đường 2 Tháng 9, đường Bạch Đằng, đường Phạm Văn Đồng, đường Nguyễn Tri Phương nối dài, tuyến đường Võ Chí Công; đường Mai Đăng Chơn (giai đoạn 1), đường Nguyễn Duy Trinh; Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế; tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài ra Biển Đông nối với tuyến đường Võ Văn Kiệt tạo nên trục giao thông xuyên tâm Đông - Tây; đường Nguyễn Tri Phương nối dài và một số tuyến đường nội thị kết nối mở rộng các khu dân cư mới hình thành...
(2) Đến nay, thành phố đã đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh 6 khu công nghiệp (KCN) gồm: Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Hòa Cầm, Đà Nẵng, Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.066,52 ha và cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng diện tích 29,6 ha, tính đến ngày 31-3-2016 đã thu hút 427 dự án đầu tư, trong đó có 322 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 14.735,63 tỷ đồng và 105 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 1.006,859 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy đạt 86,39%, riêng KCN Hòa Khánh, KCN Dịch vụ thủy sản và KCN Đà Nẵng đạt 100%, giải quyết hơn 72.000 lao động.